itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Buồn vui với chuyện tên làng

Buồn vui với chuyện tên làng

Đường về. Ảnh: Phạm Trung Kiên

Thỉnh thoảng đi đâu đó, xem đâu đó, nghe đâu đó, hoặc trong những câu chuyện, những bài viết, thường bắt gặp những tên đất, tên làng, tên phố, phường, tên địa danh rất lạ, có khi nghe rất buồn cười như thế.

Những cái tên được xuất phát từ những hoàn cảnh lịch sử, địa lý, văn hóa nào đó… hoặc từ bao giờ chẳng rõ, nhưng đã gắn chặt với đời sống và nhân thân của những người dân được sinh ra và được nuôi nấng lớn khôn. Tên làng đôi khi là những cái tên hay, khiến cho người dân phải tự hào, nhưng cũng có những cái tên làng mà những người dân hầu như chẳng ai yêu nổi tên làng mình, bởi cái tên làng ấy có lúc khiến cho họ không khỏi có những tình huống tủi hổ, dở khóc dở cười…

Một bữa nọ xem ti vi, một chương trình về danh nhân đất Việt, thấy có nhắc đến tên một ngôi làng khá nổi tiếng ở đồng bằng Bắc Bộ. Cái tên làng rất ngộ nghĩnh, nghe đã thấy buồn cười, lại thấy vừa thương thương vừa tủi tủi. Ấy vậy mà làng lại là nơi sản sinh ra khá nhiều những danh nhân, những văn sĩ, trí thức, nhà khoa học, túm lại là những “người nổi tiếng”… Thỉnh thoảng đi đâu đó, xem đâu đó, nghe đâu đó, hoặc trong những câu chuyện, những bài viết, thường bắt gặp những tên đất, tên làng, tên phố, phường, tên địa danh rất lạ, có khi nghe rất buồn cười như thế. Những cái tên được xuất phát từ những hoàn cảnh lịch sử, địa lý, văn hóa nào đó… hoặc từ bao giờ chẳng rõ, nhưng đã gắn chặt với đời sống và nhân thân của những người dân được sinh ra và được nuôi nấng lớn khôn.

Tên làng đôi khi là những cái tên hay, khiến cho người dân phải tự hào, nhưng cũng có những cái tên làng mà những người dân hầu như chẳng ai yêu nổi tên làng mình, bởi cái tên làng ấy có lúc khiến cho họ không khỏi có những tình huống tủi hổ, dở khóc dở cười…Quê ngoại tôi nằm ở một tỉnh đồng bằng Sông Hồng, trước cũng là một vùng quê yên ả thanh bình trù phú như bao làng quê Bắc Bộ khác. Cũng có mái đình, cây đa, giếng nước, sân kho, có chùa làng, chó đá đủ cả… Cũng có người đi xa về gần, kinh tế làng cũng thuộc hàng khá. Ấy thế nhưng chẳng hiểu sao, khi mà những nơi khác có những cái tên rất hay, đi vào thơ văn nghệ thuật rất nên thơ hùng hồn như thôn Đông thôn Đoài, làng Mai làng Hạ… thì quê ngoại tôi, dù cũng đi vào ca dao tục ngữ địa phương từ xưa và khá nổi tiếng nhưng lại bởi vì có tên rất buồn cười là… “Tè”:

Quần bồ nâu áo bồ nâu
Đầu thì trọc lốc, quân đâu quân Tè…

Quân Tè được ám chỉ là dân Tè đấy. Bởi làng có tên là “làng Tè” nên người dân nghiễm nhiên mang cái danh “dân Tè”. Cái tên này chẳng liên quan gì đến địa danh Mường Tè ở vùng Tây Bắc đã được nhiều người biết đến cả. Và dù vậy chính vì có cái tên Làng Tè mà người làng đi đâu cũng bị gọi là “dân Tè” rất miệt thị, châm chọc. Mặc dù người dân quê ngoại tôi khá nhiều người học hành đỗ đạt cao và xây dựng sự nghiệp thành công ở khắp cả nước.

Chẳng biết vì một lý do nào, cái tên làng Tè được hình thành khiến người ta cứ liên tưởng đến cái việc - chẳng - có - gì – đáng - khoe của con người. Khiến cho người dân làng khi đi xa chẳng ai muốn khoe cái tên làng của mình ra trước người lạ, người mới quen. Bởi nếu nói “tôi là dân làng Tè”, hẳn sẽ được một trận cười no bụng từ bạn bè, hoặc ít ra là cũng nhịn cười mà quay đi. Mẹ tôi trước đây đích thị là một gái làng Tè thứ thiệt. Đến giờ thỉnh thoảng mẹ vẫn bị anh em chúng tôi trêu là dân Tè, ấm ức lắm, thậm chí còn dỗi nữa. Mà cũng chẳng hiểu sao lãnh đạo địa phương đến giờ vẫn cứ mãi giữ cái tên ấy cho làng mình. Khiến cho người dân mỗi lần đi xa phải ghi một cái lí lịch nơi sinh, chả ai muốn ghi tên làng, chỉ ghi tên xã vào hồ sơ…

Đã từng có giai thoại chưa rõ thực hư thế này: ngày trước, thời chống Mỹ, những anh bộ đội thường xem chung thư của nhau, thậm chí có khi bạn bè của người nhận thư còn đọc thư trước cả người được nhận. Có một anh bộ đội cũng nhận thư người yêu, nhưng lại bị đồng đội bóc thư ra xem trước, thế mới có chuyện các anh lính cười suýt quặn bụng khi đọc một lá thư của cô gái làng là “Tè đêm buồn, anh xa nhớ…”.

Ông bác ruột tôi, đã “thoát ly” khỏi làng dù đã lâu, vẫn bị ám ảnh bởi tên làng, rất nhiều lần về kiến nghị các cán bộ xã nên đổi cho làng một cái tên mới cho “đàng hoàng” hơn, đỡ “úi xùi” như cái tên làng Tè. Việc đã được bàn ra đến cả các cuộc họp thôn xã. Nhưng chẳng hiểu sao đến giờ cái tên “chính thống” (cái tên trên giấy tờ cho đẹp với thiên hạ) vẫn chưa thấy. Và chẳng ai chịu đứng ra giải quyết dứt điểm vụ tên làng. Hay tại cái tên làng đã trở thành máu thịt, đã ăn sâu vào tiềm thức người dân từ bao đời nay rồi. nên người ta vẫn còn phân vân chăng… ?

Tên làng vẫn Tè, bác tôi vẫn còn đau đáu với cái ý tưởng tâm huyết muốn thay đổi tên làng cho con cháu đỡ tủi với thiên hạ. Thì bỗng đâu chả hiểu hữu duyên thế nào, mà ông anh con giai bác lấy vợ, lấy một cô cũng thành phố đàng hoàng, nhưng quê nội cô cũng lại ở một cái làng có cái tên còn đặc biệt hơn nữa, làng “Hố Giải” (làng này nằm ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ôi thật đúng là thiên duyên tao ngộ. Chuyện thật 100% mà nghe cứ như bịa. Ông bác tôi tính trầm ngâm, nhưng ông xui gia kia là người khá hài hước. Một lần vô tình nào đó hai ông chợt phát hiện ra những cái tên làng hay ho của mình. Để bây giờ mỗi lần gặp nhau, ông xui gia đều cười hô hố, ôi, tôi và ông cho con cái lấy nhau, ông thì đi Tè, tôi thì đi Hố Giải, hay phải biết…Cũng cạnh làng Hố Giải vùng Chí Linh, người ta còn thấy có những tên làng khá ngộ như Hố Sếu, Đầu Trâu, Cổ Vịt… Nghe thấy tên làng là Cổ Vịt chỉ muốn vặn cổ vịt mà đánh tiết canh…

Tên làng cũng như tên người, ai cũng muốn mình có những cái tên đẹp, mĩ miều cho những lời gọi thưa, dạ bảo. Bên cạnh những Cún, Tũn, Na, Tí, Tèo, Hĩm, Bủm.. được gọi thân thương ở nhà, những cái tên chính thức trong giấy khai sinh, trong hồ sơ cá nhân, bố mẹ nào cũng muốn chọn cho con cái mình những cái tên hay, những cái tên đầy hi vọng về một tương lai rạng rỡ. Dù gì thì cái tên làng Tè vẫn là một tên gọi đã từng đi sâu vào đời sống, vào tiềm thức người dân. Mỗi người đi xa, dù hơi tủi phận về tên làng, nhưng vẫn nhớ về nó với những tình cảm quê hương đầy gắn bó… Làng có thể sẽ được đổi tên vào một ngày nào đó trong tương lai, nhưng những ký ức về một làng quê đã từng mang những cái tên quê mùa, ngộ nghĩnh như thế sẽ còn mãi. Mẹ tôi, dù sao cũng từng là một người con của làng (đã từng được đánh giá là hoa hậu làng luôn nhé), và mãi mãi vẫn thế. Đến bây giờ, mặc dù bị anh em chúng tôi trêu là “Hoa hậu làng Tè một thời” cũng ấm ức. Nhưng dù già hay trẻ, được gọi là hoa hậu thì vẫn sướng cười tít cả mắt. Lúc ấy chắc hẳn trong mẹ tôi, làng lại hiện ra một cách thân thương và ấm áp về một thời tuổi thơ, tuổi hoa niên của chính mình…

Còn anh em chúng tôi, trong những kỷ niệm, những câu chuyện, những hồi ức về quê ngoại, vẫn thỉnh thoảng nhắc vui với nhau rằng: lâu rồi không về quê ngoại nhỉ, hôm nào rảnh, nhà mình lại phải đi Tè mới được…

Tất nhiên khi ấy, mẹ tôi đang đi đâu đó, hoặc không có nhà…

Phạm Trung Kiên
(Sài Gòn 18/01/2007)