itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Cuộc đời phải lựa chọn ...

Trần Thị Ngọc Lan, cuộc đời phải lựa chọn ...

Chị Trần Thị Ngọc Lan

Người đàn bà ngồi trước mặt tôi, nhỏ bé, không được lành lặn và thua thiệt về nhan sắc vẫn ríu rít nói chuyện. Mọi bất hạnh của Tạo hoá và cuộc đời cũng như sự lật lọng dối trá của vàng thau, không giảm đi chút nào cái lấp lánh trong đôi mắt chị...

Chị không có quyền lựa chọn cuộc đời, nhưng chị đã có thể làm cho cuộc đời phải lựa chọn chị qua những trang viết, những tác phẩm được viết ra bằng tài năng và nghị lực phi thường của mình.

“Đàn bà xấu thì không có quà” (*)

Hà Nội một chiều trở giông, tôi ghé thăm Trần Thị Ngọc Lan rất tình cờ. Không hề biết trước về buổi viếng thăm cũng như về một số phận đàn bà, tình cờ và bất ngờ như những cơn giông gió của Hà Thành đầu hạ. “Cho em gặp một người đặc biệt”, người bạn tôi nói cụt lủn và cun cút đi. Mưa tấp vào mặt từng hột to tướng.

Phố Châu Long bên hồ Trúc Bạch với những nét đặc trưng của những con phố Hà Nội, nho nhỏ, ngoằn ngèo và lắm ngõ ngách. Đến giờ, bảo tôi hình dung lại con đường vào nhà chị, có lẽ, sẽ rất mơ hồ, có thể do mưa lớn quá, cũng có thể do ngoằn ngèo quá...

Một khu nhà với lô những căn hộ chật chội, Lan thuê trọ một phòng trên gác 2, không, phải gọi nó là cái gác lửng mới đúng. Chưa nhìn thấy người đã thấy tiếng, một tiếng reo hồn nhiên và tha thiết gọi người bạn đi cùng, như tiếng reo của một đứa trẻ đợi mẹ đi chợ về cho quà, như tiếng reo của tình nhân... Gặp chị rồi, tôi mới hiểu, nó là tiếng reo của một con người luôn thèm khát và sợ hãi.

Chị không xinh và không được lành lặn. Tôi chợt nhớ ngay đến tác phẩm “Đàn bà xấu thì không có quà” của Y Ban khi lần đầu tiên nhìn thấy chị mà tự nhiên trào lên nỗi xót xa. Căn phòng trọ nhỏ như thân hình chị, tềnh toàng như những gì cuộc đời trả cho chị nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Tôi không nói chuyện với chị nhiều ngoài những lời chào hỏi tối thiểu. Lặng lẽ nghe hai anh em họ nói chuyện với nhau. Vẫn cái giọng nói đặc trưng của xứ Thanh, chính xác hơn là của một vùng quê, có lẽ, quê chị còn nghèo lắm. Tôi chưa có dịp được đi đến hết mọi vùng miền trên cả nước. Nhưng không hiểu sao, cứ hễ tới những vùng miền nào, mà cuộc sống của đại bộ phận người dân nơi đó còn khó khăn, thì, cái cách nói chuyện, âm hưởng của giọng nói và thái độ biểu hiện thì hầu như ở đâu cũng giống nhau. Nó chứa chan tình cảm, sự chân chất đôi khi đến nỗi quá ngây thơ, mà người ta vẫn gọi là vụng về. Ngọc Lan muốn nhờ bạn chở đi đến thăm một số người bạn nhân một ngày nào đó vì chị đi lại rất khó khăn, hay muốn nhờ ai đó tìm giúp một căn phòng trọ khác, vì căn phòng này chủ nhà sắp lấy lại để cưới vợ cho con trai, mà lúc nào cũng chỉ sợ phiền luỵ đến người khác. Chị đi lại khó khăn thế, thì bạn bè phải đến thăm chị chứ? Tôi đã nghĩ thế. Nhưng... có lẽ, đã rất lâu rồi, căn phòng này không có người đến chơi. Tôi cảm nhận được điều đó qua vẻ quyến luyến cũng như háo hức của người chị.

Số phận và lựa chọn

Trần Thị Ngọc Lan người Thọ Xuân tỉnh Thanh Hoá. Một miền quê nghèo và xơ xác như chị từng kể trong tiểu thuyết Phu Bòn của mình. Nhà có 3 anh em, một người đã mất. Con người anh trai thì bị tâm thần phân liệt. Trần Thị Ngọc Lan, cô gái có cái tên rất đẹp ấy cũng bị tật nguyền. Chị liệt nửa người từ nhỏ, Ngọc Lan sinh năm 1979. Nhưng tôi cứ nghĩ Ngọc Lan còn bé lắm, chỉ khoảng 16 là cùng thôi.

Tiểu thuyết Phu Bòn của T.T.N.L

Ngọc Lan công việc biên tập ở nhà xuất bản Hội Nhà Văn, chị sáng tác liên tục nhiều tác phẩm suốt từ năm 1996 cho đến nay . Từ tập thơ Anh sao rơi cho đến Liên quan gì đến tôi đã ngót 10 năm. Dấu ấn để lại là một sự hồn nhiên, ngây thơ đến lạc lõng với cuộc đời. Đôi khi đọc tác phẩm của Ngọc Lan , tôi nghĩ, có khi mình phải thoát ra thực tại trước mắt. Trở về với tuổi 17 mới tìm thấy sự đồng cảm với những gì Lan viết. Một câu thơ trong bài Tô Thị

Nàng vẫn sống cao cường hơn cái chết
Thiêng liêng hơn vết tích mối tình này

Cảm ơn người ra đi không trở lại
Để cho nàng cơ hội được hy sinh.

Câu thơ như thách đố những gì mà xã hội đang sống, một xã hội điên cuồng với những cuộc tình chớp nhoáng. Lẻ loi hình ảnh nàng Tô Thị, hình như lâu lắm rồi giới văn nghệ không ai còn nhắc đến nàng Tô Thị nữa. Đề tài khai thác bây giờ là những cuộc tình bất chấp đạo lý của Đỗ Hoàng Diệu một cô gái trẻ, và ngay đến bà nạ dòng Y Ban ở tuổi sắp mãn kinh còn trở mình để cho ra những cuộc tình không cần đến chữ Hạnh. Các nhân vật chỉ cần có sức để làm tình, có điều kiện để làm tình là thành cốt truyện, là triển khai sáng tác thành truyện ngắn, tiểu thuyết. Thuỷ chung là một thứ đã lỗi thời, có khi lại là quan niệm cổ hủ, trói buộc con người. Cần phải lên án vậy.

Tập thơ Liên quan gì đến tôi

Không hề màng đến sự vận chuyển đang diễn ra của dòng văn nghệ nước nhà, Trần Thị Ngọc Lan âm thầm đắm mình trong những suy nghĩ hồn nhiên, trong sáng như một thế giới riêng của cô. Tác phẩm của cô dành cho những cô cậu bé chưa hề biết đến những cay đắng cuộc đời hay dành cho những kẻ đã trải qua nhiều trầm luân của cuộc sống muốn giây phút yên bình hiếm hoi trong đời, được quay về nhìn đời qua đôi mắt ngây thơ.

Tuổi trẻ, bất cần và say mê.

.... Chị vẫn háo hức nghe và kể hết chuyện này đến chuyện khác....Chị nói gì đó về niềm tin và đam mê... lúc chiều ngồi với nhà văn Võ Thị Xuân Hà, tôi cũng nghe người đàn bà chất phác đến vụng về ấy say sưa nói về niềm đam mê. Tôi giật mình, từ lâu rồi, hình như tôi đã ít nói đến hai từ ấy. Phải chăng, tôi cũng đã bắt đầu bị ảnh hưởng hay va chạm bởi một lối sống được cổ suý bằng rất nhiều hình thức trên phim ảnh, truyện ngắn, tiểu thuyết hay qua những bài báo về một lối sông dửng dưng, bất cần đời hay sự buông thả... Người ta sôi sục lên với những cuốn sách được giật tít liên tục trên các trang báo, hay nhan nhản sau những cú click chuột là hàng loạt những tin giật giân về nhóm này, tầng lớp nọ...yêu chớp nhoáng, sống chớp nhoáng, say đủ mọi loại từ rượu, bia, ma tuý, vũ trường, thuốc lắc... nhưng, thử hỏi họ xem, họ có say mê cái gì không? Ai dám chắc, trong số hơn một nghìn thanh niên bị tạm giữ vụ New Century vừa rồi, sẽ có mấy bạn trả lời được câu ấy?

Hay tôi già? Tôi lạc hậu, tôi chỉ có thú thư giãn là thỉng thoảng ngồi với bạn bè bên ấm trà nóng, nghe những bản nhạc từ thuở xưa tít tịt, hay đưa cháu nhỏ đi chơi và nghe sự hồn nhiên đến thánh thiện trỗi dậy trong lòng, thoảng với lên giá sách tìm đọc lại những quyển sách đã ố vàng... Chị nhà văn muốn nuôi sống niềm đam mê bằng một thứ mạo hiểm là kinh doanh, Ngọc Lan muốn nuôi sống niềm đam mê bằng cách dấn thân chốn thị thành với một đồng lương biên tập viên nhà xuất bản Văn học còm cõi. Người bình thường lành lặn vật lộn đã khó, huống chi chị. Thế mà, chị vẫn hồn nhiên bảo: vẫn sống được, còn để dành gửi về nhà giúp đỡ gia đình. Tự nhiên, tôi thấy mình quá may mắn. Cái may mắn lớn nhất của một người phụ nữ của Y Ban, có lẽ thế. Hay cái may mắn của người mà tôi biết, sau này, mỗi lần thấy mệt mỏi vì công việc hay vì bất cứ những thứ giời ơi đất hỡi nào của cuộc sống, cũng không còn dám than chán nản nữa.
Người đàn bà ngồi trước mặt tôi, nhỏ bé, không được lành lặn và thua thiệt về nhan sắc vẫn ríu rít nói chuyện. Mọi bất hạnh của Tạo hoá và cuộc đời cũng như sự lật lọng dối trá của vàng thau, không giảm đi chút nào cái lấp lánh trong đôi mắt chị.

Chị không có quyền lựa chọn cuộc đời, nhưng chị đã có thể làm cho cuộc đời phải lựa chọn chị qua những trang viết, những tác phẩm được viết ra bằng tài năng và nghị lực phi thường của mình. Tôi cứ nghĩ chị viết bằng máy tính, nhưng không, hoá ra, tất cả mọi bả thảo của chị đều được viết bằng tay, bàn tay trái cũng chỉ lành lặn hơn bàn tay phải chút xíu. Chúng tôi nói chuyện về tác phẩm Mẹ trần gian của chị sắp được Công ty Hà Thế in... tôi cười héo hắt về cảnh “cơm áo không đùa với khách thơ”, còn chị, vẫn bình thản ríu rít kể đủ thứ chuyện, như một người lâu lắm rồi không được nói chuyện với ai...
----------
(*) Tên một tác phẩm của nhà văn Y Ban
Nhuệ Giang tháng 5/2007