itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Đường Lâm, những ngôi nhà thời gian

Đường Lâm, những ngôi nhà thời gian

Ảnh: Lại Thu Giang

Không có rêu phong của thời gian, không có bụi bặm của xi măng cốt thép, chỉ có sự trong lành, thanh tịnh, của đất, của đá ong, của những ngôi nhà năm gian, hai trái.

Nét xưa còn nguyên đó, nhưng dường như thời gian vừa là nơi lưu giữ dấu xưa vừa là nơi tàn phá những giá trị hiếm hoi ấy. Hoà bình, chiến tranh rồi lại hoà bình, bom đạn, hoả hoạn, thiên tai, những ngôi nhà trùng mình xuống gánh gánh nặng của thời gian.

Sự tàn phá của thời gian thật nghê gớm nhưng sự tàn phá của con người còn đáng sợ hơn nhiều lần.

Rặng Ruối nghìn năm tuổi, đình làng Mông Phụ 500 năm, nơi sinh thành hai vị vua lớn: Ngô Quyền, Phùng Hưng. Đường Lâm mảnh đất giầu truyền thống ấy còn là nơi lưu giữ 450 ngôi nhà cổ, người ta vẫn hay gọi bằng cái tên quen mà lạ: Những ngôi nhà thời gian.

Vòm cửa đá ong, một kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà cổ Đường Lâm. Ảnh: Bạch Thanh

Con đường quốc lộ nằm cách Đường Lâm chỉ vài trăm mét nhưng khi đặt chân đến đây ta như rẽ vào một không gian khác, thời gian khác. Không có rêu phong của thời gian, không có bụi bặm của xi măng cốt thép, chỉ có sự trong lành, thanh tịnh, của đất, của đá ong, của những ngôi nhà năm gian, hai trái. Nét xưa còn nguyên đó, nhưng dường như thời gian vừa là nơi lưu giữ dấu xưa vừa là nơi tàn phá những giá trị hiếm hoi ấy. Hoà bình, chiến tranh rồi lại hoà bình, bom đạn hoả hoạn, thiên tai, những ngôi nhà trùng mình xuống gánh gánh nặng của thời gian. Sự tàn phá của thời gian thật nghê gớm nhưng sự tàn phá của con người còn đáng sợ hơn nhiều lần.

Ngõ làng Đường Lâm. Ảnh: Hà Thành

Năm 2004 Đường Lâm đã có hai gia đình phá bỏ nhà cổ để xây nhà mới. Ngôi nhà của gia đình anh Phạm Văn Xuyên ở ngay cạnh đình làng Mông Phụ, địa thế rất đẹp nhưng gia đình anh đã quyết định phá dỡ để xây nhà hai tầng. Bà cụ Hà Thị Vin bán nước ngồi ở đình làng Mông Phụ mấy chục năm nay chép miệng: “Ai cũng nói nhà cổ là quý là đẹp đấy nhưng kinh tế dư giả một chút là người ta sẵn sàng phá bỏ để xây nhà mái bằng tiện nghi hơn”. Thực tế không phải hơn 400 hộ gia đình ở Đường Lâm, gia đình nào cũng hiểu hết được giá trị quý báu của ngôi nhà mình đang sống. Khi được hỏi về vấn đề người dân phá bỏ nhà cổ, chị Vọng cán bộ văn hoá xã trả lời: “Công văn các cấp gửi về xã làm việc về vấn đề bảo tồn, tu tạo làng Việt cổ thì có nhiều nhưng công văn hướng dẫn người dân có trách nhiệm gìn giữ ngôi nhà cổ của mình thì chưa hề có. Vậy nên mạnh ai người ấy làm, xã chẳng có biện pháp gì can thiệp ngoài động viên, thuyết phục bà con”.

Những ngôi nhà thời gian còn sót lại. Ảnh: Hà Thành

Rất may lối tư duy đó chỉ nằm trong bộ phận ít người, vẫn còn rất nhiều người tâm huyết với nhà cổ, chỉ có điều lực bất tòng tâm. Hiện nay để trùng tu một ngôi nhà cổ tốn khoảng 200 triệu, số tiền đó là quá sức với đại đa số người dân.

Ông giáo Vĩnh, người thuộc đời thứ 6 của họ Hà đang sống trong ngôi nhà cổ gần 200 tuổi tâm sự: nhà của mình nhưng có biết đích xác là bao nhiêu tuổi đâu, chỉ khi có một cô ở Cục văn hoá Di sản Nhật Bản về làng khảo cứu, dùng máy móc hiện đại, phóng to các chi tiết, tôi đọc được niên đại của ngôi nhà mừng chảy cả nước mắt. Ông giáo Vĩnh chỉ cho tôi xem những thanh xà ngang trên ngôi nhà đã bị mọt nặng. Ông giáo cứ trăn trở mãi một điều, 40 năm nữa ngôi nhà không được trùng tu sẽ hỏng hẳn, không có cách gì cứu vãn. Bao năm chiến tranh, hoả hoạn còn không để mất ngôi nhà nay thời bình mà để nó “ra đi” thì uổng quá.

Cổng vào làng Đường Lâm - Ảnh Lại Thu Giang

Trong ngôi nhà cổ đã có rất nhiều những người con thành danh, họ công tác ở tất cả các nghành nghề khác nhau trong xã hội, người làm công an, người làm giáo viên, người viết văn… Mỗi người một công việc, xong ngôi nhà cổ chở che, cùng họ khôn lớn, trưởng thành để rồi có đi đến chân trời góc biển họ vẫn không thể nào quên. Dường như những ngôi nhà cổ có một sức mạnh vô hình nào đó, để những người con xa quê lấy đó là bến đỗ bình yên sau những chuyến đi xa. Anh Hà Nguyên Huyến, một nhà văn, chủ một ngôi nhà cổ vào loại đẹp nhất ở Đường Lâm, công tác ở Hà Nội nhưng anh vẫn cùng vợ con sinh sống ở quê với mong muốn con cái mình cũng sẽ từ đây mà được thành danh.

Hầu hết những ngôi nhà ở Đường Lâm tuổi đời đã quá cao, ngôi nhà cổ nhất của gia đình anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Mông Phụ đã hơn 400 tuổi, nếu không thì cũng đều đã trên 100 tuổi. Tình trạng xuống cấp thì ai cũng biết. Chỉ có điều để có một chiến dịch trùng tu, tôn tạo, nâng cấp đồng bộ thì khó. Khi chúng tôi đến thăm Đường Lâm, chủ nhân của những ngôi nhà cổ, không phải ai cũng còn giữ được niềm tin: Ngôi nhà là một vật báu, được thừa hưởng nó là một may mắn, hồng phúc. Đối với người nông dân thì việc xây một ngôi nhà to hơn, kiên cố hơn mới là có hiếu với tổ tiên.

Lại Thu Giang

Ý kiến

Log in or create a user account to comment.