itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Hệ lụy từ những cuộc tình gió thoảng

Hệ lụy từ những cuộc tình gió thoảng

Sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, vật chất, tuổi đời non trẻ... đã đẩy bao cuộc đời nữ công nhân vào những cuộc tình oan trái, chịu nhiều thiệt thòi, đắng cay. Những câu chuyện đau lòng vẫn xảy ra ở các KCN, KCX của vùng tam giác phát triển TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai, nơi có khoảng 1 triệu lao động, phần lớn là dân nhập cư và 70% là nữ. Trong lúc đại bộ phận nữ công nhân đang từng ngày phải đối mặt với nhiều rủi ro, tổn thương thì các giải pháp bảo vệ, hỗ trợ của xã hội vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả thiết thực...

TÌNH YÊU MŨI DÃI
Dãy trọ công nhân ở phường Phú Mỹ, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương vào một sáng cuối tuần nhộn nhạo tiếng nói cười, tiếng khóc ngằn ngặt của mấy đứa trẻ khát sữa. Miếng đất chưa đầy 200m2 của bà Nguyễn Thị Tám được cất thành 10 phòng trọ úp mặt vào nhau. Diện tích chật hẹp nhưng có phòng đến bốn, năm người ở, trông bức bối vô cùng. Nhìn cô bé Nguyễn Thị Hoài (quê Diễn Châu, Nghệ An) đang oằn người bế đứa con chưa đầy năm khóc lả người vì sài đẹn, đói sữa mà cám cảnh. Bố mất sớm, gia cảnh nghèo khó, Hoài phải rời ghế nhà trường lúc mới học xong lớp 9. Nghe chúng bạn nói với nhau vào các KCN, nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân kiếm được khá tiền, chẳng vất vả như làm ruộng ở quê, nên Hoài háo hức lắm. Cô học sinh với tà áo trắng còn mang trên mình xin mẹ tiền xe và mấy chục ngàn đồng dằn túi rồi cùng chúng bạn xuôi vào Nam. Còn ít tuổi, không thể làm hồ sơ xin việc nên cô bé đành phải “mua” một bộ hồ sơ với tên tuổi người khác để vào công ty.

Lần đầu tiên xa nhà, sống nơi đất khách quê người, nhiều đêm Hoài nhớ mẹ, các em đến chảy nước mắt. Nhưng cô bé vẫn dằn lòng, cố gắng làm lụng kiếm tiền gởi về quê, ước ao sau này có điều kiện sẽ đi học may, mở một tiệm bán áo quần. Thế nhưng cuộc đời trong trắng, đầy hoài bão của cô thôn nữ bỗng chốc u ám, tối đen khi gã lang tình tên Quân (27 tuổi, quê Thanh Hóa) cùng dãy trọ ngỏ lời ong bướm. Sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, trái tim thơ ngây của Hoài nhanh chóng bị tài ăn nói dẻo quẹo, vẻ bề ngoài đẹp trai, từng trải của Quân hớp hồn. Buổi tối giờ đây với Hoài không còn là những đêm cô đơn trong bốn bức tường phòng trọ, ngủ dậy đi làm như thường ngày mà được chàng trai trẻ đưa dạo chơi khắp phố phường, trò chuyện tỉ tê trong góc tối công viên, bờ hồ. Rồi một ngày, cô bé thôn quê chưa đủ tuổi thành niên thấy trong người khang khác, bụng dần lớn lên, bị nhiều ánh mắt tò mò dòm ngó mới hay mình “dính” bầu. Đưa chuyện có thai tâm sự với người tình, mặt chàng trai chuyển từ đỏ sang trắng, rồi tái nhợt. Ngày hôm sau, chẳng một lời giã biệt, gã tình lang đã “quất ngựa truy phong”, để lại người yêu bé bỏng với cái thai sáu tháng. Bao nhiêu tủi nhục, oán trách, Hoài khóc hết nước mắt, muốn gọi điện về quê “cầu cứu” mẹ nhưng lại chẳng dám. Nhiều lần, người mẹ trẻ muốn phá bỏ đứa con trong bụng nhưng nó đã quá lớn, số tiền dành dụm bấy lâu Quân cũng lấy sạch. Thương cô bé trẻ người non dạ, nhiều chị em, bạn bè cùng quê giúp đỡ mỗi người một tay cho qua cơn hoạn nạn. Bây giờ đứa trẻ gần tròn năm nhưng sài đẹn đầy mình, khóc oặt ẹo suốt ngày. Nhiều lúc dỗ con không nín, người mẹ trẻ cũng mếu máo khóc theo. Cô gái tên Thương, trạc tuổi Hoài, bạn cùng quê cho chúng tôi hay: “Sinh thiếu tháng, lại ốm đau luôn nên nó không có sữa cho con bú. Hàng ngày mấy bạn cùng phòng phải góp tiền mua sữa ngoài cho thằng nhóc uống. Nhìn tội lắm, nhưng công nhân cùng cảnh ngộ, chẳng giúp gì được nhiều”.

Ánh nắng dần tắt, ráng chiều hòa lẫn với những cột khói đen sì nhả ra từ các nhà máy trong KCN Biên Hòa (Đồng Nai) tạo nên một gam màu tăm tối, ảm đạm. Sau giờ tan ca, công nhân đổ ra đường như đàn ong vỡ tổ. Trong những bộ trang phục khác nhau, dễ nhận thấy công nhân nữ chiếm đa số. Bước vào một khu trọ ở gần suối Linh thuộc phường Long Bình, TP.Biên Hòa, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng chục con người đang sống trong những căn phòng chật chội, tồi tàn, xuống cấp nghiêm trọng. Qua lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tìm đến cô gái tên Lê Thị Vân, năm nay mới 16 tuổi (quê Lệ Thủy, Quảng Bình). Cùng làm cho một công ty điện tử trong KCN Biên Hòa I nên Vân nhanh chóng làm quen rồi yêu một chàng trai tên Hữu hơn mình hai tuổi quê ở Ninh Bình. Ban đầu hai cô cậu còn ở phòng riêng, nhưng rồi để tiện chăm sóc, gặp gỡ nhau nên đã “góp gạo thổi cơm chung”. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, Vân có thai sau một thời gian ngắn chung sống như vợ chồng. Sau vài lần điện về nhà xin “cưới hỏi”, nhưng bị gia đình từ chối thẳng thừng vì cho rằng còn quá ít tuổi, chưa đủ trách nhiệm để gánh vác chuyện vợ con, Hữu tỏ ra bực bội, chán nản. Lời ra tiếng vào cộng với vài lần “cơm không lành, canh không ngọt”, Hữu chia tay người yêu, ra đi nhẹ nhàng như cơn gió thoảng. Tình yêu của hai đứa trẻ “mũi dãi” để lại hậu quả là đứa con sinh ra không biết mặt cha, còi cọc, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. “Nhiều lần nghĩ lại, em ân hận lắm. Nhưng chuyện đã rồi nên bây giờ đành phải chấp nhận, gắng gượng mà nuôi con” - Vân tâm sự trong hai hàng nước mắt.
HẠNH PHÚC MONG MANH
Làm ca đêm đã mấy năm nay nên chị Nguyễn Thị Nhàn (quê Quảng Trị) có ít thời gian vui chơi, giải trí, kết bạn. Đêm làm, ngày ngủ, cuộc sống cứ thế trôi qua một cách rập khuôn, nhàm chán. Thế rồi đời Nhàn như bước sang trang mới khi trong một lần đi làm về, chị vô tình gặp Hưng - người đàn ông quê miền Tây có giọng nói nhẹ nhàng, ga lăng sửa giùm chiếc xe đạp bị hư. Tình yêu của họ như nắng hạn gặp mưa rào, sau giờ làm việc lại quấn quýt bên nhau không rời. Trong cơn say tình, Nhàn thường mơ về một cuộc sống gia đình với người chồng biết thương yêu, chiều chuộng vợ, những đứa con kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Nhiều lần giục người yêu đưa về quê chơi, ra mắt gia đình, anh em nhưng đều bị từ chối khéo. Một ngày khi đôi uyên ương đang ôm ấp nhau thì cửa phòng bật tung, người phụ nữ tóc xanh mỏ đỏ sau một hồi tru tréo, xỉa xói đức ông chồng dám bỏ vợ con đi ăn “của lạ” đã xông vào túm đầu, xé áo, đánh Nhàn một trận thừa sống thiếu chết. Tủi nhục ê chề, Nhàn bỏ việc ở nhà máy Biên Hòa chuyển lên KCX Linh Trung I (Thủ Đức) bắt đầu làm lại cuộc đời.

Đã từ lâu có một khu trọ công nhân nằm khuất sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo ở gần ngã tư Bình Chuẩn, TX.Thuận An (Bình Dương) được mệnh danh là “xóm không chồng”. Thực ra nếu hiểu theo nghĩa đen, họ chưa lấy chồng bao giờ. Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị T., một công nhân dệt may, cho hay: “Nói thật các chị em ở đây ai cũng đã trải qua vài ba mối tình, có những chuyện thoảng như gió chẳng nói làm gì, nhưng cũng có nhiều câu chuyện tình lâm li bi đát lắm. Tuy nhiên nói chung ai cũng có kết cục cay đắng, tủi hờn cả, hậu quả bây giờ là phải vò võ nuôi con một mình”. Chỉ tay vào ba đứa trẻ đang chơi ở cuối dãy trọ, chị T. giọng trầm buồn: “Chú thấy ba đứa ấy có khuôn mặt đứa nào giống đứa nào không? Tội nghiệp, cùng một mẹ mà ba người cha khác nhau đấy. Cái Thắm (tên mẹ của ba đứa trẻ - PV) hồng nhan mà bạc phận lắm, yêu đứa nào cũng chẳng thành duyên vợ chồng”. Nói người lại nghĩ đến ta, chẳng giấu giếm gì, chị T. kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Từ Quảng Nam, chị một thân một mình vào Sài Gòn làm công nhân cho một nhà máy sản xuất chíp điện tử ở KCX Linh Trung I (Q.Thủ Đức). Vùi đầu vào công việc chẳng giao lưu, tuổi thanh xuân của chị qua đi lúc nào không hay. Nhiều lúc chị cũng muốn tìm một người khác giới để tâm sự, sẻ chia những mệt nhọc muộn phiền, nếu tâm đầu ý hợp thì nên duyên chồng vợ. Thế nhưng khó lắm thay bởi công ty đa phần là nữ, về nhà thì ngủ vì thức đêm tăng ca. Quá lứa lỡ thì, khao khát tình cảm nên khi có người để ý đến mình, chị T. dễ dàng chấp nhận. Cái giá của sự “dễ dãi” ấy là những đứa con ngoài giá thú ra đời, chịu bao thiệt thòi và mặc cảm về số phận. “Chẳng ai bảo ai, thế mà cái xóm trọ “không chồng” này dần dà hình thành đã mấy năm nay, bây giờ có chín mười “gia đình”. Cùng cảnh ngộ nên chị em đùm bọc yêu thương nhau lắm” - chị T. cười buồn cho hay.

Ở Bình Dương mới được năm năm nhưng chị Nguyễn Thị Hường (27 tuổi, quê Phú Yên) đã trải qua ba mối tình đau đớn. Được trời phú cho làn da trắng trẻo, khuôn mặt dễ nhìn nên sau giờ làm việc, Hường được nhiều chàng trai đưa đón, ghé thăm. Thế nhưng mỗi người đến với Hường chừng vài tháng, nửa năm rồi “quất ngựa truy phong” sau khi đạt được mục đích. Mỗi lần như thế, cô gái trẻ đành phải nuốt nước mắt đến phòng khám tư nhân giải quyết “hậu quả”. Thế nhưng mới đây, do cái thai lớn quá nên Hường không phá được, đành về quê sinh nở rồi gởi lại cho cha mẹ già. Được hơn năm, nhớ con quá nên Hường đón vào. Không có nhà giữ trẻ cho công nhân nên khi thì gởi hàng xóm, khi thì nhờ bà chủ chăm nom... Trong xóm trọ cũng có một số trường hợp giống như Hường, có thai rồi bị người yêu phụ bạc bỏ rơi, về quê sinh nở rồi gởi lại cha mẹ một thời gian, đợi khi con cứng cáp mới mang vào. Bây giờ ở khắp các KCX, KCN lớn nhỏ của Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, chuyện những người mẹ công nhân đơn thân nuôi con không còn là hiếm.
Theo một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu và phát triển TPHCM thì trong xã hội hiện nay, lao động nhập cư được xếp vào dạng đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là lao động nữ. Cùng những yếu tố xã hội tác động nhưng nhóm này dễ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực, từ đó phát sinh các vấn đề xã hội. Qua khảo sát thái độ của công nhân nữ trước tình yêu cho thấy có hai khuynh hướng rõ rệt. Nhóm thứ nhất khao khát sự yêu thương nên có lối sống khá cởi mở. Nhóm thứ hai chiếm đa số có lối sống khép kín vì không thể hòa nhập, bắt kịp với xã hội. Với nhóm đối tượng này do bị kìm hãm, ức chế nên nếu có điều kiện họ dễ sa vào những mối quan hệ mà không lường trước được hậu quả. Mặc dù nằm trong khu vực đối tượng dễ nảy sinh các vấn đề xã hội, nhưng trên thực tế các đề tài nghiên cứu, các chính sách hỗ trợ công nhân nữ lại không nhiều, chưa thật sự thiết thực, hiệu quả.

Theo CAO