itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Khoa sản không có bác sĩ sản khoa

Khoa sản không có bác sĩ sản khoa

Thời gian gần đây, nhiều nơi trong đó có TP.HCM, rộ lên tình trạng tử vong mẹ lẫn thai nhi khi sinh nở. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc tầm soát tiền sản bỏ sót dấu hiệu bệnh dẫn đến trẻ sinh ra phải mang dị tật suốt đời... Có ý kiến cho rằng do bác sĩ tắc trách, nhưng cũng có người nói đây là kết quả của tình trạng bỏ rơi tuyến dưới của ngành y tế.

Trong những ngày đi thực tế tại các bệnh viện quận/huyện của TP.HCM, chúng tôi thật sự giật mình với những gì đang tồn tại.

Bác sĩ chuyên nội khoa phụ trách khoa sản

Trong ba ngày từ 29 – 31.5, chúng tôi đã đi thực tế các khoa sản tại bệnh viện quận 7, 10, Nhà Bè, Phú Nhuận, Gò Vấp của TP.HCM; và ghi nhận hầu hết các bệnh viện quận/huyện chỉ khám phụ khoa là chính, sản phụ đa số là những người sinh thường và không có bệnh lý gì trước đó. Cơ sở vật chất thiếu thốn nhiều, không có lồng ấp, không có đèn chiếu vàng da, máy đo tim thai... Thiếu bác sĩ, đặc biệt những bác sĩ có tay nghề nên việc tầm soát và đỡ sinh còn thiếu kinh nghiệm và nhiều rủi ro.

Ngày 29.5, tại bệnh viện quận Gò Vấp, hai phòng tại khoa sản có khoảng mười bệnh nhân đang nằm dưỡng thai, truyền nước, trong đó có tới bảy người là công nhân làm tại quận Gò Vấp và quận 12. Chị N.T. Thương, một công nhân, cho biết chị đã nằm dưỡng thai và dự sinh ở đây vì bác sĩ nói sinh thường. Trong quá trình sinh nếu có gì khó khăn bệnh viện sẽ chuyển xuống bệnh viện nhân dân Gia Định.

Chúng tôi giật mình khi bác sĩ Phạm Đình Thảo, phó giám đốc bệnh viện Gò Vấp cho hay, khoa sản của bệnh viện có 16 nữ hộ sinh đỡ đẻ, tất cả đều có trình độ trung cấp, không có bác sĩ sản khoa nên bản thân ông là một bác sĩ chuyên khoa 2 về nội khoa phải điều hành khoa sản. Theo ông, mặc dù mỗi tháng bệnh viện vẫn tiếp nhận sinh thường 20 – 30 ca, nhưng hầu hết là người nghèo. Những người có điều kiện họ sẽ thêm tiền để lên Từ Dũ, Hùng Vương và một số bệnh viện lớn chứ không chọn sinh ở quận, bởi ở bệnh viện quận/huyện nói chung hiện nay bác sĩ sản khoa thiếu trầm trọng, cộng thêm trang thiết bị chẩn đoán còn hiếm, khoa hồi sức sản khoa của bệnh viện không đủ tiêu chuẩn. Một bệnh viện quận muốn giữ sinh những ca khó thì bác sĩ sản khoa phải đứng đầu, người đỡ sinh phải có kinh nghiệm lâu năm, khu mổ bắt con phải có phòng hồi sức, hồi sức sơ sinh, hậu phẫu cho mẹ, phải có ngân hàng máu… Nhưng hầu hết những điều kiện trên, bệnh viện quận/huyện hiện nay không đáp ứng được.

Tại bệnh viện quận Phú Nhuận, khoa sản có mười giường ở tầng trệt nhưng chỉ có hai bệnh nhân nằm truyền nước. Đã 11 giờ trưa nhưng con số thứ tự khám phụ khoa dừng ở số 16. Phòng chờ sinh và cấp cứu sản khoa khoá cửa, phòng khám sản khoa dừng ở con số 8 bệnh nhân. Phòng dịch vụ hậu sản không có bệnh nhân nằm. Tương tự tại khoa sản của bệnh viện quận 7, Nhà Bè, mặc dù mặt bằng của bệnh viện và khoa sản khá lý tưởng nhưng hầu hết các phòng bệnh đều trống vắng, cơ sở vật chất chỉ đáp ứng cho một cuộc sinh thường, nếu có tai biến y khoa có lẽ sẽ khó trở tay kịp.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc bệnh viện quận Phú Nhuận, những ca sinh thường ở bệnh viện này tháng cao nhất cũng chỉ khoảng 30 – 40 ca. Đa số những ca này đều khoẻ mạnh và đã từng sinh con đầu bình thường bệnh viện mới dám nhận. Đối với những ca khó, bệnh viện không dám giữ lại mà chuyển thẳng lên bệnh viện Gia Định, Từ Dũ, Hùng Vương. Bác sĩ Sơn cho biết cả ba phòng mổ của bệnh viện không đủ tiêu chuẩn khép kín, bác sĩ sản khoa chỉ có hai người, trong đó một người nghỉ hưu được hợp đồng lại; trang thiết bị, máy móc theo dõi sản khoa còn thiếu, kể cả máy đo tim thai…

Vào cuối tháng 5 vừa qua, bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tăng cường thực hiện đề án vệ tinh, đề án đưa bác sĩ tuyến trên về cơ sở, trong đó có đề cập đến những tai biến sản khoa xảy ra liên tục gần đây ở bệnh viện tuyến dưới. Bộ trưởng bộ Y tế nhấn mạnh là phải tập trung xây dựng bệnh viện vệ tinh đối với những chuyên khoa quá tải, trong đó có khoa sản tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, như chúng tôi phản ánh ở trên, tại các bệnh viện quận/huyện của TP.HCM, mặc dù không sử dụng hết công suất giường bệnh nhưng bác sĩ sản khoa rất hiếm, phương tiện kỹ thuật không có.

Tại bệnh viện quận Gò Vấp, bác sĩ Thảo cho rằng bác sĩ sản giỏi không chịu về bệnh viện quận, đa số các bác sĩ học xong về bệnh viện quận thực tập hai – ba năm rồi xin đi học chuyên khoa. Khi “đủ lông đủ cánh” thì “bay” mất. Bệnh viện nhân dân Gia Định cũng đã từng xuống hỗ trợ bệnh viện Gò Vấp về chuyên khoa sản, nhưng không thành công vì ở đây không có nhân sự phù hợp.

Với những gì đang diễn ra, bác sĩ Thanh Sơn nhận định, khoa sản ở bệnh viện quận/huyện khó phát triển vì bác sĩ ở bệnh viện quận ít được tiếp xúc với bệnh nhân, không đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị nên họ không chuyên tâm vào phát triển khoa sản.

Lãnh đạo các bệnh viện tuyến quận/huyện mà chúng tôi tiếp cận đề xuất: Nhà nước cần trang bị đầu tư đào tạo về nhân lực, trang bị máy móc ít nhất là đủ cho một cuộc sinh nở bình thường cho bệnh viện quận/huyện. Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến trên như bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương nên liên tục cho bác sĩ xuống trao đổi kinh nghiệm, vừa làm vừa hướng dẫn cho các bác sĩ tuyến dưới và nữ hộ sinh.

Hoàng Nhung

Những vụ việc đau lòng

Vừa qua, dư luận lùm xùm trước việc sản phụ Ngô Thị Hồng Thu (sinh năm 1982, ngụ xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM) tử vong trong khi sinh tại bệnh viện đa khoa Hóc Môn, thai nhi cũng tử vong do ngạt trong tử cung trong khi mẹ bị “thuyên tắc ối”. Nếu đúng là thuyên tắc ối thì đây là trường hợp hiếm gặp và khó xử lý, nhưng theo hội đồng y khoa của sở Y tế, nếu mổ nhanh vẫn có thể cứu được em bé, tỷ lệ trẻ sơ sinh sống sót là 79%. Trong khi đó, các bác sĩ bệnh viện đa khoa Hóc Môn nói chỉ mới biết bệnh trên lý thuyết chứ chưa có kinh nghiệm xử lý. Đến nay, gia đình bệnh nhân không hài lòng với kết luận trên và tiếp tục gửi đơn lên bộ Y tế.

Trước đó, chị Nguyễn Thị Vương Khánh cũng gửi đơn lên sở Y tế kiện bệnh viện quận Bình Thạnh, vì đã khám và tầm soát thai nhi cho chị trong suốt thời gian mang thai nhưng không phát hiện dị tật và không có bất cứ cảnh báo nào về nguy cơ dị tật trong tầm soát bệnh Down. Đến khi sinh, chị Khánh mới tá hoả trước kết quả xét nghiệm của bệnh viện Từ Dũ: “Bé bị mắc hội chứng Down. Biểu hiện cụ thể là có nhiễm sắc 47, thừa một nhiễm sắc thể số 21”.

Sản phụ Huỳnh Thị Yến Nhi (22 tuổi) ngụ tại Châu Đốc (An Giang) làm công nhân tại một khu chế xuất TP.HCM, kể lại cuộc vượt cạn đau đớn của mình tại một bệnh viện tuyến quận: vợ chồng đều là công nhân trong khu chế xuất, do sợ lên bệnh viện Từ Dũ đẻ sẽ tốn kém nên chị quyết định chọn bệnh viện quận để đẻ. Ngày 2.5 vừa qua, chị Nhi nhập viện vì đau bụng, vỡ nước ối, chạy ra kêu bác sĩ thì bị mắng rằng “chưa đẻ thì kêu gì nhiều”. Ngày 3.5, chị Nhi vẫn đau bụng và cố rặn nhưng em bé không ra. Gia đình xin chuyển viện, bác sĩ không cho chuyển. Nằm rặn không được, bác sĩ bắt chị đứng dạng chân ra rặn và lót một tờ giấy báo dưới chân, cũng không thành công. Bác sĩ tiếp tục yêu cầu chị ngồi chồm hổm rặn, bé vẫn không ra. Kiệt sức, gia đình quyết liệt đòi chuyển viện và được cấp cứu tại bệnh viện Từ Dũ khi tim thai yếu phải thở oxy. 15 phút sau khi nhập viện, được sự trợ giúp của các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ, chị đã sinh thường một bé gái nặng 2,8kg, nhưng da bé bị khô và nhiều vết thương trầy xước trên đầu.

H.N/ SGTT