itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Người mắc bệnh lạ đã tắt lịm niềm hy vọng

Người mắc bệnh lạ đã tắt lịm niềm hy vọng

“Vườn keo đã bán, rẫy mì cũng bán nốt rồi. Vậy mà con tôi vẫn chưa bớt bệnh, đành nằm ở nhà”, ông Phạm Văn Hiền, cha của Phạm Thị Ân ở làng Rêu, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi lắc đầu buồn bã.

Không chỉ gia đình ông Hiền tuyệt vọng, nhiều người dân ở xã Ba Điền mà chúng tôi gặp đều lắc đầu ngao ngán khi hỏi về căn bệnh lạ quái ác đang tiếp tục hoành hành. Nhiều người trong số họ mắc bệnh lạ, nhưng đã bỏ trốn bệnh viện về nhà vì không tin mình sẽ được chữa khỏi bệnh.

11 lần bỏ bệnh viện

Ngồi trước đầu hồi nhà sàn, ông Phạm Văn Hiền cười với khách mà ánh mắt héo hắt. “Cháu Ân nhà tôi đã 11 lần đi viện, nhưng đành phải bỏ về nhà. Bây giờ bác sĩ tới nhà động viên, nó cũng nhất định không chịu đi bệnh viện nữa”. Ân bị bệnh lạ từ cuối năm ngoái, đến nay đã chữa trị ở nhiều cơ sở y tế: trung tâm y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, bệnh viện C Đà Nẵng, và gần nhất là bệnh viện Trung ương Huế. “Đi đâu cũng không bớt nên nó về nhà nằm chờ chết”, ông Hiền nói vẻ tuyệt vọng.

“Tui đã phải bán một rừng keo, một đám mì chưa đến kỳ thu hoạch... được tổng cộng hơn 14 triệu đồng để đi nuôi con. Nhưng cuối cùng rừng mất, con thì vẫn bị căn bệnh lạ hành hạ”, ông Hiền nói. Theo ông Hiền, dù Nhà nước điều trị miễn phí cho người bị bệnh lạ, nhưng người nhà đi nuôi bệnh vẫn phải bỏ tiền túi ra, trong khi đa số các gia đình đều nghèo. “Đối với người đi nuôi bệnh, ai có tiền thì ăn, ai ít tiền thì bữa ăn, bữa nhịn ăn cho đỡ tốn tiền”. Nói xong câu này, ông Hiền nhìn ra vòm trời bên đầu hồi nhà sàn với ánh mắt tối sầm...

Cách đây nửa tháng, khi vào thăm, chúng tôi thấy Ân còn nói được và tự múc nước uống. Bây giờ, muốn đứng dậy, Ân phải nhờ người khác đỡ. Bà Phạm Thị Soi, mẹ Ân, kể hôm trước Ân tự gượng dậy, ngồi viết thư. Bà Soi lấy thư cho tôi xem. Đọc lá thư – nói đúng hơn nó một mảnh giấy ghi những lời trăng trối cuối cùng của Ân, chúng tôi không thể cầm lòng...

Ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho hay, số người tại xã Ba Điền mắc bệnh lạ trốn bệnh viện về nhà, hoặc không hợp tác với bác sĩ đến 34 người. Ông Phong nói: “Tình trạng chán nản, tuyệt vọng, không muốn điều trị tại bệnh viện nữa là có thật. Cũng chẳng biết phải làm sao, bởi bà con nói bệnh không bớt thì ở lại bệnh viện làm gì”.

Chủ tịch UBND xã Ba Điền Phạm Văn Bút thì nêu thêm một bức tranh buồn rằng tình trạng người dân không muốn ra đồng, lên rẫy gần đây xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Ban đầu họ hy vọng, chờ đợi được chữa trị khỏi. Nhưng chờ đợi mỏi mòn mà không thấy chuyển biến khả quan, niềm hy vọng tắt lịm đi thay vào đó là sự tuyệt vọng của người dân vùng rốn dịch. “Đã vậy thời gian gần đây lại xuất hiện thêm bệnh đau bụng, đau ngực, chán ăn, buồn nôn... Khi đi khám, bác sĩ nói là men gan cao, nhưng không bị lở loét bàn tay, bàn chân nên không được xếp vào bệnh lạ”. Theo lời ông Bút, riêng ở xã Ba Điền hiện có hàng chục gia đình cả nhà mắc bệnh này.

Phận buồn của những đứa trẻ làng Rêu

Đến thời điểm này, đã có 23 trường hợp tại Quảng Ngãi tử vong vì bệnh lạ, tập trung nhiều nhất tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ; 224 trường hợp khác đang hàng ngày chống chọi với tử thần. Đau lòng nhất là nhiều người mẹ trẻ ra đi vĩnh viễn, bỏ lại những đứa con còn chưa dứt sữa, chưa biết gọi hai tiếng “mẹ ơi”.

Tròn 15 ngày sau cái chết vì căn bệnh lạ của chị Phạm Thị Triêu (33 tuổi ở làng Rêu, xã Ba Điền), chúng tôi có dịp trở lại căn nhà sàn xập xệ của gia đình chị nằm khuất dưới chân núi Gò Khế. Con đường gập ghềnh dẫn lên nhà chị Triêu dường như trở nên khó đi hơn khi không có người quét dọn. Vừa bước chân qua khỏi những nấc thang của căn nhà sàn, chúng tôi không khỏi chạnh lòng bởi hình ảnh bé Phạm Thị Rên (mười tuổi) đang cố gắng vỗ về đứa em trai của mình là Phạm Văn Ri (hai tuổi) gầy còm, ốm yếu bằng một bình sữa bò lem luốc. Cạnh đó, một nửa trái bầu bé Rên đang gọt vỏ để chuẩn bị cho bữa ăn chiều vẫn dở dang.

Khi chúng tôi hỏi “Ba mẹ con đâu?”, bé Rên nói dè dặt “Ba con đi chữa bệnh, mẹ con chết rồi... Lâu rồi con không được gặp mẹ”. Dường như nỗi nhớ mẹ hiện lên khuôn mặt bé qua ánh mắt nhìn ra cánh đồng mênh mông, vô hồn. Những người sống gần nhà bé Rên nói rằng, từ khi mẹ chết đến nay, bé trở nên lầm lì, ít nói. Những buổi tan học về, bé không còn chơi với những đứa trẻ khác trong làng, suốt ngày lẳng lặng thay mẹ chăm sóc cho đứa em bị suy dinh dưỡng nặng.

Trò chuyện với bé Rên được một lúc, phía trong nhà, cậu của bé Rên là Phạm Văn Trách (17 tuổi) bước ra tiếp chuyện chúng tôi. Bản thân Trách và em ruột của Trách là Phạm Thị Trên (14 tuổi, cả hai đều là em ruột của chị Triêu – PV) cũng bị căn bệnh lạ hành hạ từ nhiều tháng qua. Phải hàng ngày chống chọi với căn bệnh quái ác với thân hình tím tái, gầy guộc… nhưng vì hai đứa cháu, Trách không vào viện chữa trị mà ở nhà để chăm sóc cháu.

Trách kể, cả nhà bé Rên có bốn người thì tất cả đều mắc bệnh lạ. Cha của bé Rên là anh Phạm Văn Trót đang mắc bệnh rất nặng, mẹ bé Rên là chị Phạm Thị Triêu đã chết ngày 19.5 vừa qua. Riêng bé Rên và bé Ri cũng đang mắc căn bệnh lạ nhưng vì còn nhẹ nên ở nhà chứ không điều trị.

Cuộc sống của ba cậu cháu qua ngày bằng những bữa cơm hoặc cháo nấu với lá rừng. Khi chúng tôi hỏi, tại sao không đưa bé Ri đi chữa bệnh, Trách cho biết đã có lần cha mẹ bé đưa bé Ri đi khám và chữa bệnh ở tỉnh, nhưng vì hết tiền nên phải về, từ đó đến giờ không có tiền đi nữa. Nhìn bé Ri nằm bên cạnh, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, bởi thân hình của bé quá gầy guộc, ốm yếu...

Ở làng Rêu, những đứa trẻ chưa biết gọi tên mẹ, chưa biết gọi tên cha nhưng phải vĩnh viễn mất cha, mất mẹ vì căn bệnh lạ quái ác như trường hợp của hai chị em bé Rên và Ri không phải là cá biệt. Mà không chỉ làng Rêu, từ khi căn bệnh lạ bùng phát cướp đi nhiều sinh mạng ở xã Ba Điền, toàn xã có tới gần mười đứa trẻ bỗng chốc mồ côi cha hoặc mẹ, thậm chí cả hai. Nhiều em nhỏ vì mất cha, mất mẹ phải sống nương tựa vào những người trong làng, và bản thân các em cũng đang phải chống chọi với căn bệnh chưa tìm ra nguyên nhân này.

Ông Phạm Văn Bút không giấu nổi xúc động, nói: “Rồi không biết còn bao nhiêu em phải làm “ma rừng”, bao nhiêu em phải trở nên mồ côi cha mẹ vì căn bệnh này nữa?”

Phạm Anh – Từ An