itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Người vẽ tranh trên đất

Người vẽ tranh trên đất

Nguyễn Ngọc Tuấn

Tên đầy đủ của anh là Nguyễn Ngọc Tuấn ở dốc Cơ Điện - Bát Tràng, nhưng người ta vẫn quen gọi anh là “Tuấn đồng nát”, có lẽ là từ những gì anh thể hiện ra không tròn trịa hay rực rỡ như bất kỳ một sản phẩm ở đất gốm sứ này.

Thế giới của anh là những hình hài đầy ngẫu hứng với gam màu nguyên thủy của đất mà anh vẫn gọi chúng là “những giai điệu đất nung”.

Đất đẹp lắm

Vừa chăm chú vào những đường nét trên một tác phẩm còn trong phôi thai, anh vui vẻ trò chuyện với tôi bằng một giọng trầm trầm:

- Tôi sinh ra trong một gia đình công chức nhà nước, quê gốc ở Nam Đàn, Nghệ An. Thuở nhỏ tôi đã đam mê hội hoạ. Lớn lên thì theo nó, trước đây tôi vẽ tranh sơn dầu, sau đó thấy gốm hay hay. Đầu tiên tôi đi vẽ thuê cho các chủ lò, từ vẽ tranh sang làm gốm cũng gần gũi thôi. Cái khó nhất là thể hiện ý tưởng như thế nào. Nói chung là rất vất vả trên con đường làm nghệ thuật.

Ngôi nhà của những giai điệu đất nung

- Trong gia đình anh có ai làm nghệ thuật không?

- Nếu như có ai làm nghệ thuật thì mình sẽ được định hình sớm, nhưng mà… (cười)… chả có ai cả.

- Có nghĩa là với anh, đây là niềm đam mê từ nhỏ. Vậy sau này ai là người thầy đầu tiên của anh? Ai có ảnh hướng tới anh trong việc chọn và theo nghề?

- Ngày xưa, khi chơi với một anh bạn, tình cờ tôi biết ông ở Quảng Ninh, rồi gắn bó với ông tuy thời gian ngắn, chỉ gần 3 tháng thôi. Nhưng đó là người thầy đầu tiên của tôi. Tôi là kẻ hay lang thang, và nhận ra một điều, đất là thứ gần gũi nhất. Đất đẹp lắm. Thì say mê thôi. Khi về các làng nghề, nhìn cái chum, cái vại, thế là tôi tự hỏi: Người ta làm được cái chum cái vại đẹp như thế này thì tại sao mình không đưa nó vào cuộc sống, đưa vào trang trí nội, ngoạ thất, thành những tác phẩm nghệ thuật.

Thiên nhiên ban tặng như thế nào thì mình phải trả về như thế

- Vậy cảm xúc của anh luôn bắt đầu từ đất?

- Cảm hứng từ đất thì các nhạc sỹ, hoạ sỹ nói riêng và các nghệ sỹ nói chúng đều đều có những cảm nhận khác nhau. Riêng phần tôi, tôi muốn nhờ đất nói lên cái gì đấy đã và đang diễn ra trong lòng tôi một cách giản dị nhất. Tôi luôn muốn giữ nguyên hình của đất. Thiên nhiên ban tặng như thế nào thì mình phải trả về như thế. Mình có tô vẽ thêm cũng chỉ là để tôn lên nội dung mình cần nhấn. Nhưng tôi vẫn để cho đất mang những sắc màu nguyên bản.

- Có phải vì điều đó đã khiến những tác phẩm của anh rất kén người?

- Đúng thế! Không phải ai cũng hiểu được. Chính vì thế mà tôi chưa tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân nào, có tham gia triển lãm thì cũng chỉ là đồng tác giả. Những người đến đây nếu mà hiểu được thì hoặc là tôi bán rẻ, hoặc là tôi tặng. Còn nếu không hiểu thì dù trả giá đắt tôi cũng không bán.

- Thế có nghĩa là phải đam mê lắm thì anh mới có thể gắn bó với nó suốt 18 năm qua. Anh có nghĩ là sẽ theo nó suốt đời không?

- Chưa thể nói trước được. Cũng có thể tôi sẽ theo nó suốt đời.

- Nghe có vẻ như không được tự tin cho lắm…

- (Cười) Thì cũng phải đến một lúc nào đấy mình phải nghỉ ngơi chứ!

- Tôi thì lại không nghĩ rằng nghệ thuật cho phép người nghệ sỹ được nghỉ ngơi...

- Thì cũng đến một lúc nào đấy chân yếu tay mềm chứ. Tôi cũng có một số học trò, hy vọng là họ sẽ nối nghiệp tôi.

Nghệ thuật thì không thể đặt chuyện kiếm tiền lên đầu

- Trong suốt 18 năm qua, đã bao giờ anh thấy nản chưa?

- Chưa, chưa hề! Nhiều lúc bà xã cũng nhăn mày nhăn mặt, nhiều lúc cũng biết chiều không có tiền mua rau…, cũng kệ cho bà xã lên ngoại. Việc mình mình cứ làm. Nhiều lúc cũng chẳng có tiền đâu. (cười..).

- Thế bây giờ anh đã hoàn toàn sống được với nghề của mình chưa?

- Giờ thì không còn khó khăn như hồi mới vào nghề nữa, nhưng mà vẫn còn nghèo lắm. Anh em đến đây nói tôi nghèo nhất làng. Nếu bây giờ mà nhảy sang thương mại thì sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nhưng lại mất đi nghệ thuật (cười lớn), mà làm nghệ thuật thì không thể đặt chuyện kiếm tiền lên đầu.

- Ở trong làng có ai làm như anh không?

- Chủ yếu người ta nhảy sang làm thương mại. Chỉ còn mình thôi theo đuổi nó.

Nói chung là chơi được

- Vậy theo ah tự nhận xét thì mình là một nghệ nhân hay là một nghệ sỹ?

- Có người đến đây gọi tôi là nghệ nhân, có người gọi là nghệ sỹ. Còn tôi ấy à, cô bỏ quá chứ dù rất khiếm tốn, tôi vẫn nhận cả hai danh hiệu ấy. Bởi tôi không hề thua kém bất ký một nghệ nhân bậc thầy nào và cũng chẳng thua kém một nghệ sỹ sáng tác nào. Nói chung là chơi được.

- Anh có thường đặt tên cho tác phẩm của mình không?

- Có chứ! Nó là những đứa con tinh thần của tôi, “đứa nào” cũng có tiếng nói riêng của mình.

- Đó là tiếng nói của bản thân tác phẩm, ý tôi muốn hỏi là anh đặt tên cho tác phẩm như nhạc sỹ đặt tên cho bài hát, bản nhạc, như hoạ sỹ đặt tên cho bức tranh vậy?

- Có, có. Ví dụ như trên mọt lẵng hoa có một con thạch sùng và một chiếc lá thì tôi đặt tên Tình bạn. Một con cua lấp ló ở miệng hang tôi đặt tên Bình yên. Ôi giời, nhiều lắm…

- Anh đã bao giờ tạo ra một tác phẩm nào mà trước đó anh chưa hề định hình về nó chưa?

- Nhiều là đằng khác, và thường thì tôi rất hài lòng với những tác phẩm như thế. Bởi sau này có muốn làm lại cũng không được.

- Anh có ý định đưa những biến đổi của cuộc sống hiện đại vào trong tác phẩm của mình? Những biến đổi trong xã hội, trong gia đình, trong con người?

- Đấy chính là điều tôi luôn trăn trở, tôi luôn nghiên cứu thế nào để chúng không ảnh hưởng tới dòng sáng tác truyền thông.

- Vậy liệu có ổn khi đưa những điều đó lên thì những nguyên liệu, màu sắc hoàn toàn tự nhiên có bị phá vỡ?

- Không, không hề! Đất là cái đẹp!

- Chúc anh thành công và tôi tin rằng với những gì anh đã và đang thể hiện thì càng ngày sẽ có nhiều tri âm với chúng.

- Vâng, tôi cũng hy vọng thế.

Tuấn tiễn tôi ra khỏi “thế giới đất nung” khi trời đã chạng vạng. Không biết bạn nghĩ thế nào, còn tôi, tôi tin anh sẽ không phải là một kẻ độc hành. Bởi như cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã có lần nói về tác phẩm của Tuấn là “một cõi đi về”, có người gọi đó là “đất gọi hồn”…

Nhuệ Giang chiều cuối xuân

L.T.G