Nghịch lý nguồn lực y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long
Theo báo cáo của Trường đại học Y Dược Cần Thơ, hiện nay tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) tỷ lệ nhân lực y tế mới đạt 5,66 bác sĩ và 0,84 dược sĩ/mười nghìn dân, nhưng lại phân bổ không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố.
Ðịa phương có tỷ lệ cao nhất là TP Cần Thơ 9,10 bác sĩ/mười nghìn dân, thấp nhất là Sóc Trăng 3,89 bác sĩ/mười nghìn dân; về dược sĩ, tỉnh Ðồng Tháp có tỷ lệ 1,91 dược sĩ/mười nghìn dân cao nhất vùng, thấp nhất là tỉnh Sóc Trăng 0,4 dược sĩ/mười nghìn dân, kế đến là An Giang 0,48 dược sĩ/mười nghìn dân... Không chỉ nguồn nhân lực đang thiếu mà trình độ chuyên môn đội ngũ thầy thuốc cũng đang nhiều bất cập. Số liệu thống kê của Trường đại học Y Dược Cần Thơ cho thấy, tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa I mới đạt 40,18% và chuyên khoa II là 4,97%.
TS, BS Phạm Văn Ðởm, Phó Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cho biết, hiện nay trong tổng số 70/145 xã của tỉnh này chưa có bác sĩ, nhất là ở các xã đảo. Trước tình thế đó, Kiên Giang đành chấp nhận tăng nhanh số lượng để có bác sĩ phủ kín các xã đảo, biên giới. Ðây là giải pháp tình thế trong vòng từ ba đến năm năm trước mắt. Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ y dược có trình độ đại học và trung học ra trường chất lượng thấp đã dẫn đến tình trạng nhiều người bệnh vượt tuyến. Vì vậy, việc nâng cao trình độ nghề nghiệp như thế nào để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh thật sự có hiệu quả cho người dân đang là vấn đề rất bức xúc. Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho rằng, các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL đang rất ít bác sĩ, dược sĩ được đào tạo có tay nghề khá, giỏi. Vì thế, đề nghị Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Y tế có chủ trương cho phép Trường đại học Y Dược Cần Thơ được chuyển số thí sinh thi vào trường này có điểm thi cao từ ngành này sang ngành khác.
Trung tâm Pháp y Cần Thơ được thành lập năm 2007 với ba bác sĩ, trong đó có hai bác sĩ đi học, năm 2008 có một bác sĩ chuyên tu vừa ra trường tình nguyện về đây làm việc nhưng một tháng sau lại viết đơn tha thiết xin nghỉ. Với ba bác sĩ, hiện có một người giữ chức giám đốc, một người là phó giám đốc, bác sĩ còn lại giữ chức trưởng phòng tổ chức hành chính nhân sự. Mặc dù là bác sĩ thực thụ, ăn lương của ngành y nhưng chủ yếu làm theo quyết định trưng cầu của cơ quan tố tụng. Vì vậy, đòi hỏi trách nhiệm phải cao, nghĩa vụ với pháp luật thì lớn nhưng chế độ không tương xứng.
Chỉ trong hai năm, từ 2011 đến 2013, ÐBSCL có 13 trường mới tham gia đào tạo, trong đó có 11 trường ngoài công lập đào tạo nhân lực y tế. Riêng bậc đại học (ÐH), ngoài Trường đại học Y Dược Cần Thơ thành lập năm 2002, từ năm 2011 đến nay, khu vực này có thêm các trường ÐH: Trà Vinh, Võ Trường Toản (Hậu Giang), Tây Ðô (Cần Thơ), Tân Tạo (Long An), Nam Cần Thơ (Cần Thơ) cũng tham gia đào tạo nhân lực y dược. Tuy nhiên, tại Hội nghị Ðào tạo nhân lực Y tế ÐBSCL, PGS,TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ: Có trường ở khu vực lần đầu thành lập nhưng mở một lúc bốn mã ngành, đào tạo cả bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật xét nghiệm, điều dưỡng. Không biết chất lượng đào tạo tại cơ sở này ra sao khi Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng không phải là bác sĩ, dược sĩ.
Hiện, các trường ngoài công lập ở ÐBSCL, thí sinh chỉ cần bằng điểm sàn là có thể đi học bác sĩ, dược sĩ, ở nhiều trường trung cấp cơ hội vào trường còn dễ dàng hơn, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT, thậm chí hoàn thành chương trình lớp 12 đều có khả năng trúng tuyển vào trường y dược dân lập. Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ Lê Hùng Dũng nhận xét: "Các trường ngoài công lập lấy điểm quá thấp, chủ yếu đặt lợi ích kinh tế là chính, còn chất lượng đào tạo thì đang bị thả nổi. Ðào tạo như vậy vừa mất công vừa cho ra một đội ngũ nhân lực không đáp ứng được nhu cầu".
Thật nghịch lý khi điểm chuẩn ngành bác sĩ đa khoa và dược sĩ của Ðại học Y ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khá cao, thường từ 27 điểm trở lên mới đậu, gấp gần hai lần điểm xét tuyển của các trường đại học dân lập ở ÐBSCL. Nhưng sáu năm sau, các sinh viên của hai loại trường này tốt nghiệp đều được xã hội công nhận là bác sĩ, dược sĩ dù trình độ đầu vào, chất lượng đào tạo của trường công lập và dân lập chênh lệch nhau quá cao.
Một sinh viên đang theo học dược sĩ đại học tại Trường đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) cho biết, học phí mỗi năm 52 triệu đồng cho chín tháng học, nhưng mới theo học một thời gian ngắn mà cảm thấy chật vật. Chúng tôi hỏi tại sao em không thi vào một trường công lập để bớt gánh nặng về học phí? Sinh viên này thành thật cho biết, em dự thi hai lần vào Trường đại học Y Dược Cần Thơ đều không đỗ, nhưng muốn có tấm bằng dược sĩ nên em chấp nhận theo học trường ngoài công lập.
Với chất lượng đầu vào của các bác sĩ, dược sĩ được đào tạo từ các trường đại học dân lập như thế thì ta có thể hiểu cung cấp cho xã hội một lớp bác sĩ, dược sĩ có trình độ chuyên môn như thế nào. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp Trần Thị Thái cho rằng: Tình trạng quá tải ở bệnh viện ngày càng trở thành áp lực lớn, dẫn đến chất lượng khám, điều trị giảm sút. Nhưng khắc phục tình trạng đó không thể tổ chức đào tạo ồ ạt, tràn lan như hiện nay, nguồn nhân lực y tế phải được đầu tư có lộ trình hợp lý.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao các trường ÐH đó lại dễ dàng được cấp phép đào tạo trong khi chưa đủ tiêu chuẩn như hiện nay? Câu trả lời xin dành cho cán bộ chủ quản.
Bài và ảnh: PHẠM TÂM/ NHÂN DÂN
Tin đã đăng
- “Ám ảnh”... hồ Dầu Tiếng
- Nhân bản xét nghiệm tại BV Hoài Đức: Cho mượn máy để bán hóa chất
- Mùa săn kiến
- Doanh nghiệp ngại minh bạch thông tin sản phẩm
- Yêu cầu ông Lê Văn Lý bàn giao con dấu Trường ĐH Hùng Vương
- Việt Nam đưa ra được nhiều đề xuất về Biển Đông tại AMM 46
- Việt Nam mua 6 tàu ngầm
- Bộ trưởng Tài chính giải đáp 3 vấn đề “nóng”
- Bắt giữ hai tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam
- Đề nghị giám sát bô xít, hệ thống ngân hàng năm tới