itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Nhà trọ đua nhau tăng giá

Nhà trọ đua nhau tăng giá

Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM tiếp tục vận động chủ nhà trọ, doanh nghiệp và người ở trọ cùng nhau chia sẻ khó khăn. Trong tháng đầu tiên của năm 2013, nhiều khu nhà trọ tại TP.HCM (nhất là khu vực vùng ven như quận 2, 7, 9, Thủ Đức) đồng loạt tăng giá phòng. Nơi ít tăng khoảng 50.000 đồng/phòng, có nơi tăng tới 200.000-300.000 đồng. Điều này (cùng với sự tăng giá điện, nước, thực phẩm…) đang là một áp lực đè nặng lên vai người lao động, đặc biệt là công nhân.

Thêm nỗi lo

Mấy ngày nay, vợ chồng chị Thu Phương (thuê nhà trọ tại đường số 3, phường Bình An, quận 2) lo ngay ngáy khi chủ nhà thông báo sắp tăng thêm 200.000 đồng tiền phòng. Căn phòng nhỏ chỉ khoảng 10 m2 sẽ có giá mới là 3 triệu đồng, thêm tiền điện, nước nữa cũng tròm trèm 3,2 triệu đồng/tháng.

“Cả nhà chỉ trông vào đồng lương công nhân may mặc của chồng, trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Trước tôi cũng là công nhân, sau khi sinh con bị mất việc nên ở nhà nhận gấp phong bì, cắt chỉ quần áo để kiếm thêm. Khó khăn quá, cuối năm 2012 chúng tôi phải gửi con gái mới hai tuổi về quê nhờ ông bà nuôi. Vừa xong thì chủ nhà cho biết sẽ tăng tiền phòng. Giờ vợ chồng chẳng biết tính sao. Ở đây an ninh, yên tĩnh quen rồi, dọn đi nơi khác chưa biết có được như thế không” - chị Phương nói.

Đang nuôi con nhỏ hơn một tuổi, chị Kim Nhung, trọ tại 20/1 đường số 3, khu phố 4, phường Linh Trung, quận Thủ Đức cho hay cả nhà chỉ trông cậy vào đồng lương còm cõi của chồng, là công nhân KCX Linh Trung. Có khi túng quá vợ chồng đành phải nhịn một bữa cơm nhưng đứa trẻ thì không thể cắt giảm được khoản nào cả.

“Giá phòng cứ mỗi năm một nhích lên trong khi thu nhập của chúng tôi chẳng được cải thiện. Số tiền 100.000 đồng có thể rất nhỏ đối với người khác nhưng với chúng tôi tăng một đồng là đã thấy lo lắng rồi” - chị Nhung thở dài.

Lương tăng là giá phòng tăng?

Tiếp xúc với phóng viên, nhiều công nhân khẳng định: Một trong những nguyên nhân chủ nhà trọ vin vào để tăng giá phòng là lương tối thiểu vùng vừa được tăng từ ngày 1-1. Anh VMT, trọ tại khu phố 1, phường Tân Thuận Đông, quận 7, cho biết: Ngay khi hay tin lương tối thiểu sắp tăng, chủ nhà trọ thông báo từ tháng 1-2013 giá phòng sẽ từ 900.000 đồng lên 1,2 triệu đồng. “Giờ cũng cận tết rồi, chúng tôi đành phải bấm bụng chịu đựng, ráng làm tăng ca để lấy tiền bù vào thôi. Có gì để ra tết tính tiếp” - anh T. bày tỏ.

Chị Phạm Thị Hồng Thanh, công nhân KCX Linh Trung, trọ khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức “tố” thêm: Các chủ nhà trọ thường nghe ngóng rất kỹ tình hình lương bổng của những công ty có đông công nhân. Chẳng hạn, Công ty Freetrend tại KCX Linh Trung I, II hiện có hàng chục ngàn công nhân ở trọ bên ngoài. Chỉ cần nghe tin công nhân của công ty này được tăng lương, lập tức nhiều chủ nhà trọ rủ nhau tăng giá phòng, mỗi lần thường từ 100.000 đến 300.000 đồng/tháng. “Điều này không phải mới xảy ra lần đầu. Công nhân chưa kịp mừng vì được tăng lương thì đã phải méo mặt vì nhà trọ tăng giá đón đầu” - chị Thanh thở dài.

Vận động không tăng giá

Trước tình hình trên, quận Thủ Đức cho hay sẽ tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá thuê phòng, phí giữ trẻ cho công nhân. Cách làm của quận này khá uyển chuyển: Tổ chức điều tra thu nhập của người lao động, trên cơ sở đó tổ chức vận động chủ nhà trọ điều chỉnh giá thuê phòng hợp lý với từng đối tượng (thay vì đánh đồng một mức như trước đây).

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Trần Kim Yến, Phó ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, cho biết: Ban Dân vận vẫn phối hợp cùng các quận, huyện và Liên đoàn Lao động các cấp tiếp tục vận động chủ nhà trọ, doanh nghiệp và người ở trọ cùng nhau chia sẻ khó khăn. Đợt vận động này theo hướng hài hòa lợi ích ba bên (chủ nhà trọ, doanh nghiệp và người ở trọ), thay vì chỉ tập trung vận động chủ nhà trọ ổn định giá phòng như trước đây.

“Ngoài việc tiếp tục vận động chủ nhà trọ điều chỉnh giá hợp lý, chúng tôi cũng vận động các doanh nghiệp chưa hỗ trợ tiền nhà cho công nhân thực hiện điều này. Mức hỗ trợ tùy theo khả năng tài chính của doanh nghiệp chứ không ấn định cụ thể. Chương trình lấy vận động là chính nhưng phải khéo léo để hài hòa được lợi ích của các bên” - bà Yến nói.

Năm năm nay, hàng trăm người ở trọ tại khu nhà tạm cư đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, quận 9 đều hài lòng với mức giá 800.000 đồng/phòng/tháng. Bảo vệ khu nhà cho biết nhà tạm cư này thuộc Liên đoàn Lao động TP được xây dựng từ năm 2004, có 120 phòng. Có hai loại phòng: Diện tích 50 m2 dành cho những người tạm cư từ các dự án bị giải tỏa (giá 550.000 đồng/tháng) và diện tích 30 m2 cho người lao động thuê (giá 800.000 đồng/tháng).

“Từ khi xây dựng đến nay, giá phòng chỉ tăng một lần duy nhất, từ 600.000 đồng lên 800.000 đồng/tháng. Người lao động rất yên tâm gắn bó với nơi này. Hiếm khi có trường hợp nào chuyển đi, trừ khi họ mua được nhà mới” - người bảo vệ cho biết.

VIỆT HOA - PHONG ĐIỀN