itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Ô nhiễm môi trường làng nghề ở Quảng Phú Cầu

Ô nhiễm môi trường làng nghề ở Quảng Phú Cầu

ItaExpress - Xã Quảng Phú Cầu từ lâu đã được biết tới là một địa phương nổi tiếng với nghề chẻ tăm hương. Trong những năm qua, kinh tế địa phương đã có những bước phát triển vượt bậc, song cũng vì thế mà vấn đề ô nhiễm môi trường sống cũng như một loạt các vấn đề khác về nông nghiệp, nông thôn đang được đặt ra hết sức bức xúc.

Đó là bài toán đòi hỏi các cấp chính quyền cũng như người dân góp sức giải quyết.

Về Quảng Phú Cầu lúc nào cũng thấy không khí lao động rộn ràng khắp làng trên, ngõ dưới. Mỗi ngày có hơn chục chiếc xe trọng tải từ 30-40 tấn chở nứa, vầu từ khắp các tỉnh về cung cấp cho làng nghề. Bên cạnh có hơn 100 chiếc xe công nông làm nhiệm vụ chở nguyên vật liệu từ chợ nguyên liệu của xã về các hộ dân, cũng như chở tăm ra các bãi tập kết để đóng công ten nơ xuất đi các nơi. Ở đây, người dân đã quen với cảnh những chiếc xe công nông "siêu trường, siêu trọng" chất cao ngất ngưởng chớ nứa, chở tăm từ ngõ này đến ngõ kia. Chính quyền chưa có biện pháp quản lý hay xử phạt hành chính, còn người dân coi đó là chuyện thường ngày. Phó Chủ tịch xã Quảng Phú Cầu, ông Nguyễn Khả Hội cho hay: Năm nào xã cũng lập danh sách các hộ kinh doanh dịch vụ vận tải từ ô tô đến các loại công nông, đầu ngang nhưng số lượng các hộ chở công nông chấp hành nộp thuế môn bài rất ít. Xã cũng chưa có biện pháp gì xử lý! Trong những năm qua, bằng nguồn kinh phí của địa phương và cấp trên, cơ bản đường làng ngõ xóm ở Quảng Phú Cầu đã được bê tông hoá thuận tiện cho nhân dân đi lại và phục vụ làng nghề phát triển. Song cũng vì thế mà các vụ va quệt, tai nạn giữa công nông, đầu ngang và các phương tiện khác có chiều hướng gia tăng.

Quảng Phú Cầu xưa và nay 

Từ năm 2003, Quảng Phú Cầu có quyết định xây dựng ĐCN làng nghề với diện tích 2,2 ha thuộc quỹ đất công, nằm trên địa bàn thôn Xà Kiều. ĐCN được triển khai san lấp mặt bằng xong từ tháng 5-2003 với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng do các hộ được xét duyệt thuê đất tại điểm đóng góp. ĐCN đã được các cấp, các ngành chức năng phê duyệt dựa trên nhu cầu sản xuất ngành nghề tại địa phương. Đến nay, ĐCN đã giao đất cho 21 hộ sản xuất làm nghề tái chế phế liệu thuộc thôn Xà Kiều. Hiện tại, các hộ được giao đất đã xây dựng xong nhà xưởng và đi vào sản xuất. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí nên ĐCN chưa xây dựng rãnh thoát nước, khu xử lý môi trường và đường điện phục vụ SXKD còn chắp vá.

Hiện nay hầu hết các ao, hồ trong thôn xóm đều đã bị lấp để làm nhà hoặc làm vườn. Vì vậy bà con làm nghề phải mang nứa ra các sông, kênh, rạch ngoài đồng kể cả các mương máng có nước để ngâm. Nhiều hộ gia đình cải tiến hơn thì xây bể, mua thùng tôn bơm nước giếng khoan lên ngâm. Bình quân mỗi ngày có hàng trăm tấn nứa được đưa về xã qua sơ chế sau đó được ngâm nhiều ngày trong môi trường nước. Nước ngâm nứa đem ngòm, mùi nồng nặc nhưng các hộ dân đổ ngay ra hệ thống tiêu thoát của xóm. Mặt khác do khối lượng lớn nứa ngâm năm này tới năm khác nên nước ở các kênh rạch trong xã đều ở tình trạng ô nhiễm nặng. Ngoài ra, xã còn có nghề thu gom, tái chế phế liệu (sắt, nhựa, đồng, nhôm...) ở thôn Xà Kiều. Các hộ dân ở đây đi thu gom phế liệu ở khắp nơi sau đó mang về phân loại đem bán hoặc tái chế thành các sản phẩm như: Chậu, siêu đun nước... và túi nilon để bán ra thị trường. Trong thôn có khoảng 51 hộ chuyên làm nghề thu gom, tái chế phế liệu (trong đó có 4-5 hộ tái chế sắt). Đặc biệt, ở thôn Xà Kiều có khoảng 30 hộ (21 hộ đã chuyển ra ĐCN) làm nghề thu gom, tái chế phế liệu được sản xuất ngay trong khu dân cư. Trong khi đó mặt bằng sản xuất tại các xưởng sản xuất tương đối chật hẹp từ 200m2 đến 1.500m2.

Cảnh xe công nông ngổn ngang như thế này diễn ra từ sáng sớm cho tới tối mịt ở Quảng Phú Cầu.

Vấn đề thu gom rác thải ở đây cũng đáng bàn! Toàn xã có 6 thôn với trên một vạn dân, xã đã quy hoạch ở mỗi thôn một điểm đổ rác rộng từ 1-2 ha, mới có 2/6 thôn thành lập được tổ thu gom rác thải. Điều đáng nói là những thôn có tổ thu gom rác thải đến những thôn chưa có tổ thu gom thì rác vẫn được đổ bừa bãi. Tuy có điểm quy hoạch nhưng thôn nào cũng nói là không tìm đâu ra kinh phí để xây, kè đường bao làm cho riêng một khu vực đổ rác, còn xã thì cũng không thể cùng một lúc "lo quá nhiều việc" vì kinh phí còn hạn hẹp. Rốt cục rác vẫn được các hộ dân cũng như các tổ thu gom đổ ngay ra các kênh mương, hồ ao ngoài đầu làng. Thực chất việc thu gom chỉ là hình thức vì chưa có biện pháp xử lý rác thải. Hơn thế các tổ thu gom rác của xã "ngại" đi đổ xa mà đổ gần cho "tiện" khiến vấn đề rác thải ở đây càng ô nhiễm. Đó mới chỉ là những ghi nhận ban đầu của chúng tôi về các loại rác do sinh hoạt, còn các loại mùn, vỏ nứa, bọng nứa, phế thải trong quá trình chẻ tăm và tái chế phế liệu cũng thải ra một khối lượng lớn. Hiện hầu hết các hộ dân ở đây đều đun bằng bếp ga nên không tận dụng rác để đun.

Thực trạng ô nhiễm môi trường ở Quảng Phú Cầu đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Để thay đổi tình trạng trên ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền rất cần sự đồng tâm, góp sức thay đổi hành vi của mỗi người dân. Hy vọng, kinh tế địa phương vẫn phát triển nhanh, mạnh trong thời kỳ hội nhập mà vẫn giữ được sự trong lành của môi trường sống như làng quê xưa vốn có.

Bài, ảnh: Trần Lê Thanh

Ý kiến

Log in or create a user account to comment.