itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Vụ Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam: ai bịa đặt?

Vụ Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam: ai bịa đặt?

Có ai lại tự đốt tàu của mình khi đang lênh đênh trên biển đánh cá mưu sinh? Có ai tự phá tàu mình để gây nguy hại cho sinh mạng cả chục con người giữa biển mênh mông?

Những người bình thường chẳng ai lại tự đi đạp đổ nồi cơm của mình và cả của các bạn thuyền của mình. Những con người bình thường ấy chính là các ngư dân của tàu QNg 96382. Tàu cá của họ đã bị tàu Trung Quốc tấn công, bắn cháy cabin hôm 20-3. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ, kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Ngày 25-3, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc.

Ông Hồng Lỗi chối... lỗi!

Vụ việc những tưởng sẽ được phía Trung Quốc tiếp nhận, suy xét thấu tình đạt lý. Thế mà ngày 26-3, trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cứ một mực đoan chắc rằng “việc Trung Quốc có hành động là cần thiết và chính đáng. Dựa vào việc kiểm tra các phương diện liên quan, lúc xảy ra vụ việc (Trung Quốc) không hề gây ra bất cứ thiệt hại nào cho tàu cá Việt Nam”.

Tiếp theo, từ tối 26 và sáng 27-3, hàng loạt cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc, từ Tân Hoa xã, Nhân Dân Nhật Báo đến Cổng thông tin chính phủ Trung Quốc, đều đồng loạt đưa tin dẫn lời một quan chức hải quân với hàm ý phủ nhận chuyện tàu hải quân Trung Quốc đã bắn cháy rụi buồng lái tàu của ngư dân Quảng Ngãi trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.

Có thể thấy rằng các cơ quan ngôn luận này đều dựa vào bản tin đăng tải trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Bản tin này viết kiểu rất quy chụp: “Ngày 26-3, người phụ trách cơ quan liên quan đến hải quân Trung Quốc cho biết cái gọi là “Tàu hải quân Trung Quốc nổ súng vào tàu cá Việt Nam khiến (tàu này) bốc cháy” là chuyện bịa đặt (...). Tàu tuần tra hải quân Trung Quốc đã nhiều lần cảnh cáo các tàu cá Việt Nam xâm nhập phi pháp vào lãnh hải Trung Quốc và yêu cầu các tàu này rời khỏi. Trước việc Trung Quốc dùng các biện pháp như thổi còi, lớn tiếng kêu gọi, ra tín hiệu bằng cờ để khuyến cáo mà vẫn không hiệu quả, tàu hải quân Trung Quốc đã bắn chỉ thiên hai phát đạn tín hiệu đỏ để cảnh cáo. Hai phát đạn tín hiệu đã hoàn toàn tắt ngúm trên không trung. Không có việc sử dụng vũ khí bắn vào các tàu cá và việc tàu cá Việt Nam bốc cháy. Các cơ quan có liên quan của Việt Nam bịa đặt cái gọi là sự kiện “bắn tấn công” là có dụng ý khác.

(...) Xuất phát từ việc bảo vệ đại cục trong mối quan hệ giữa quân đội hai nước Trung - Việt, tàu hải quân Trung Quốc từ trước đến nay chưa từng bắt giữ tàu cá Việt Nam xâm nhập trái phép. Việc tàu tuần tra hải quân Trung Quốc xua đuổi các tàu cá xâm nhập trái phép vào lãnh hải Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi trên biển của quốc gia là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp”.

Lờ đi những ứng xử tồi tệ

Giới truyền thông và quan chức Trung Quốc cứ cùng hè nhau vẽ nên hình ảnh “ứng xử tốt đẹp” của mình với ngư dân các nước mà lờ béng những hình ảnh “ứng xử tồi tệ” của mình. Điển hình như vụ 11-9-2010. Chính các tàu Trung Quốc đã bắt giam người và tài sản của ngư dân Mai Phụng Lưu ở Quảng Ngãi. Họ đã giam giữ ông Lưu ở đảo Trụ Cẩu đến 44 ngày sau mới thả, lại tịch thu toàn bộ tàu và tài sản của ông Lưu, bất chấp mọi cố gắng liên lạc từ phía Việt Nam. Mới đây ngày 9-3-2013, chính Tân Hoa xã đưa tin và hình ảnh tàu tuần tra Trung Quốc rượt đuổi hai tàu cá Quảng Ngãi ngay trên chính phần lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.

Cũng cần nhớ: trả lời phỏng vấn báo giới về Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng Việt - Trung lần 3 tại Hà Nội vào đầu tháng 9-2012, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - đã khẳng định: “Tôi và thượng tướng Mã Hiểu Thiên (phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, người tham dự cuộc đối thoại) cũng đã trao đổi cách ứng xử của quân đội hai nước khi Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại những khác biệt, bất đồng về chủ quyền (...). Đối với quân đội, hai bên khẳng định trong bất kỳ tình huống nào cũng không sử dụng lực lượng quân sự để trấn áp, ngăn cản hoặc đe dọa các hoạt động hòa bình trên biển như nghiên cứu khoa học, lưu thông hàng hải, khai thác tài nguyên... Quân đội hai nước tuyệt đối không sử dụng vũ lực để đối phó với nhau khi có vấn đề phát sinh. Đặc biệt, phía Việt Nam cũng đề xuất trên cơ sở nguyên tắc hai đảng, hai nhà nước đã ký, quân đội Việt Nam và quân đội Trung Quốc xây dựng cam kết trong bất kỳ tình huống nào cũng không được sử dụng lực lượng quân sự để xử lý vấn đề dân sự, cũng như tuyệt đối không sử dụng vũ lực đối đầu. Thượng tướng Mã Hiểu Thiên đã ghi nhận tích cực đề xuất của chúng ta và hai bên đang nghiên cứu triển khai”.

Vậy mà liên tục gần đây, quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, các tàu hải quân có trang bị tên lửa của Trung Quốc đã nổ súng...

Theo Tuổi Trẻ