itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Công nhân lo lắng về bảo hiểm xã hội

Công nhân lo lắng về bảo hiểm xã hội

Đại diện Công ty TNHH Sài Gòn Precision phát biểu: “Thủ tục để được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp quá rườm rà” - Ảnh: Q. Phương

Ngày 28-9, Thường trực HĐND TP.HCM khóa VIII gặp gỡ cử tri là công nhân (CN) đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) trên địa bàn quận Thủ Đức, TP.HCM. Tại buổi gặp gỡ để Thường trực HĐND TP.HCM tìm hiểu tâm tư, kiến nghị của CN này, nhiều vấn đề “nóng” được các CN nêu ra như: nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), thiếu nơi giữ con cho CN, thiếu nhà lưu trú, suất ăn giữa ca bị cắt xén...

“Nóng” chuyện BHXH

Hàng loạt câu hỏi về BHXH được nêu lên: “Hiện nay vấn đề nợ lương, nợ BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, Nhà nước có biện pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho CN?”.

“Nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn, CN mất trắng tiền lương. Chúng tôi muốn đi xin việc ở nơi khác cũng không xong vì không ai chốt sổ BHXH cho chúng tôi” hoặc “Chính doanh nghiệp đang nợ BHXH bị giải thể thì sao?”...

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết: BHXH đã tăng cường nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH như: kiểm tra, khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa.

Đồng thời BHXH TP.HCM đã công khai tình trạng đóng BHXH tại các đơn vị lên trang web để người lao động theo dõi.

“Trường hợp doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn, CN có thể liên hệ với liên đoàn lao động cấp quận, huyện để làm thủ tục lấy sổ BHXH, chốt sổ BHXH tương ứng với thời gian doanh nghiệp đã đóng BHXH” - bà Huyền nói.

Trả lời Tuổi Trẻ bên lề buổi gặp gỡ, ông Huỳnh Thanh Khiết, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết: từ năm 2013 đến nay sở và Liên đoàn Lao động TP.HCM đã ký kết liên tịch xác định vai trò của công đoàn cơ sở, tăng cường thanh tra giám sát tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đối với các trường hợp nữ CN trong chế độ thai sản nhưng bị nợ BHXH sẽ được công đoàn cơ sở đóng BHXH.

Vẫn lo chỗ gửi con

Anh Đoàn Văn Vỹ, Công ty giày Trường Lợi, trình bày: “Xin cho con đi học lớp 1 bán trú quá khó khăn vì những trường này chỉ chấp thuận hồ sơ có hộ khẩu thường trú hoặc KT3...”.

Trong khi đó, đại diện CN Công ty Sprinta cũng phản ảnh: “Không có nhiều nhà trẻ ở gần các KCN để gửi trẻ. Vì vậy nhiều CN đành chấp nhận gửi con ở những nhóm trẻ gia đình với số tiền gửi trẻ mỗi tháng tương đối cao so với thu nhập. Chính vì vậy nhiều người phải xin nghỉ việc ở nhà chăm con, chờ khi con 1-2 tuổi mới đi làm trở lại".

"Hậu quả là những nữ CN khi xin vào làm việc trở lại phải chấp nhận mức lương rất thấp như CN mới vì không được tính thâm niên, thậm chí nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp không chấp nhận cho làm việc trở lại nên rất thiệt thòi quyền lợi”.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết HĐND TP sẽ tiếp tục làm việc với UBND TP và các sở ngành để đưa ra các phương án nhanh nhất trong việc xúc tiến xây dựng nhà trẻ ở KCN, khu có đông CN sinh sống.

“Trước mắt, tôi đề nghị UBND quận, UBND các phường cần làm việc với các chủ nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình để đưa ra phương án hỗ trợ CN có con nhỏ cần gửi. Nếu họ không đủ điều kiện hỗ trợ CN thì chính quyền, ban quản lý các KCN, KCX làm việc với chủ doanh nghiệp nơi CN đang làm để đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ CN có con nhỏ” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị.

QUANG PHƯƠNG - VŨ THỦY/ TUỔI TRẺ