itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Dự báo chiến lược cho nông sản Việt Nam - Cần thêm góc nhìn từ Myanmar

Dự báo chiến lược cho nông sản Việt Nam - Cần thêm góc nhìn từ Myanmar

Sau chuyến khảo sát thị trường ở thành phố Mandalay và Yangon (Myanmar) vào tháng 5 vừa qua, ông Ngô Kim Khoang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Nông, chia sẻ: “Rau củ và trái cây ở Myanmar khá phong phú. Đây là thị trường mà Trang Nông sẽ tiếp tục đi sâu tìm hiểu để khai thác khả năng cung cấp hạt giống các loại rau củ quả, cây ăn trái”.

Bên cạnh đó, giám đốc Khoang cũng nhận xét: Myanmar có tiềm năng xuất khẩu rau củ quả và trái cây vào hai thị trường lớn nhất ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này rất đáng quan tâm đối với việc hoạch định chiến lược xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Nhu cầu lớn nhưng khó thâm nhập

Cùng đi với ông Khoang vào chợ đầu mối nông sản Mandalay, chúng tôi nhận thấy trong chợ có rất nhiều loại rau củ quả, phần lớn từ các loại giống ở Việt Nam (VN). Nhiều loại được xem là đặc sản ở một số vùng miền VN như bồn bồn, đọt bí, đọt su, rau cay hương xả, đọt môn, rau lá sắn (lá khoai mì)… ở chợ đêm đầu mối này do người địa phương trồng. Ngoài ra còn có một số loại khác biệt chưa thấy trồng ở VN, được ông Khoang chú ý tìm hiểu về giống như đậu, dưa chuột nhỏ...
Ở Myanmar, chợ thực phẩm - rau củ quả có mặt ở khắp mọi nơi, ngay cả trước chợ đá quý tại Mandalay hay trước Trung tâm thương mại Parkson hiện đại tại Yangon cũng đều có rất nhiều sạp hàng rau củ, trái cây, cho thấy người dân Myanmar sử dụng nhiều rau củ chế biến món ăn mỗi ngày và thích trái cây.

Trái cây ở Myanmar mùa này có nhiều là dưa hấu, bưởi, măng cụt, vải, xoài, thơm, sầu riêng. Mua dùng thử, chúng tôi thấy xoài, măng cụt tuy không xuất sắc như các giống xoài Hòa Lộc hay măng cụt Cái Mơn ở VN nhưng vị ngọt tương đương; bưởi trái to, tép bưởi dày, nhiều nước tương tự bưởi Tân Triều; sầu riêng chưa có loại sầu riêng hạt lép, chỉ có loại trái nhỏ, cơm mỏng màu vàng nghệ, hạt to, vị ngọt đậm mà theo ông Trần Anh Tuấn, đại diện một doanh nghiệp (DN) ở Bến Tre thì đây là giống sầu riêng được trồng nhiều ở Bến Tre cách nay khoảng 30 năm; dưa hấu từ màu sắc đến độ chắc trái, vị ngọt không bằng dưa hấu VN; trái vải vị chua, không ngon như trái vải VN.
Nhìn qua một đất nước 60 triệu dân, tiêu dùng nhiều rau củ, trái cây, có thể nghĩ đến việc bổ sung cho thị trường Myanmar những loại rau củ quả, trái cây ngon hơn từ VN, nhưng thực tế việc này khó thực hiện bởi thời gian vận chuyển hàng bằng tàu biển từ VN sang Myanmar mất hơn một tháng, cộng thêm thời gian thông quan khoảng một tuần nên khó giữ được độ tươi ngon, đẹp mắt. Còn vận chuyển bằng đường hàng không thì chi phí rất cao, không thể có giá bán phù hợp với mức sống chưa cao của phần lớn người dân Myanmar.
Theo ông Vũ Cường, Tham tán thương mại VN tại Myanmar, lĩnh vực trồng trọt ở Myanmar phát triển tốt, có thể tự cung cấp cho hầu hết nhu cầu trong nước và còn xuất khẩu nhiều loại nông sản. Nếu nói đến việc xuất khẩu nông sản, nhất là rau củ quả, trái cây vào Myanmar thì Thái Lan và Trung Quốc có lợi thế vì là những quốc gia giáp biên giới, thuận lợi giao thương biên mậu. Tuy nhiên, các DNVN có thể nghiên cứu xuất khẩu trái thanh long vì được đánh giá là ngon nhất, độ tươi lâu nên có thể giữ được chất lượng trên đường vận chuyển dài ngày.

Lo thêm cạnh tranh

Xuất khẩu rau củ quả, trái cây từ VN vào Myanmar khó, nhưng đối với Công ty TNHH Thương mại Trang Nông, Myanmar là thị trường tiềm năng để xuất khẩu hạt giống, bởi hiện nay ngành nông nghiệp Myanmar đang chú trọng việc cung cấp giống tốt cho nông dân để cải thiện chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Ông Khoang thông tin, có hai DN chuyên kinh doanh hạt giống ở Mandalay đã mua các loại hạt giống của Trang Nông, nhiều nhất là hạt giống dưa hấu. Họ cho biết, dưa hấu Myanmar đã xuất sang Trung Quốc và nông dân Myanmar đang tăng diện tích trồng dưa hấu. Có giống dưa cao sản, chất lượng ngon hơn, Myanmar sẽ tăng được sản lượng và giá trị xuất khẩu loại trái cây này. Chỉ cần nhắm tới các nước giáp biên giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Bangladesh thì Myanmar đã có thị trường dưa hấu đến 2,6 tỷ người tiêu dùng. Bán được hạt giống nhưng ông Khoang chia sẻ nỗi lo cho nông sản VN sẽ có thêm một đối thủ cạnh tranh tại thị trường khu vực châu Á và không chỉ dừng lại ở dưa hấu.
Ông Vũ Cường cũng nhận thấy viễn cảnh cạnh tranh đó, rõ nhất là ở thị trường Trung Quốc, vì ngoài dưa hấu, Myanmar đã bắt đầu trồng thanh long xuất khẩu, tuy chất lượng trái hiện nay không ngon bằng thanh long VN, nhưng với quyết tâm đẩy mạnh ngành nông nghiệp hướng đến xuất khẩu, việc Myanmar đầu tư giống, kỹ thuật canh tác để nâng cao chất lượng là chuyện có thể thực hiện được.
Nông sản VN từ lâu đã phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, tuy có thị trường lớn nhưng đã bao nhiêu năm qua, nông dân, thương nhân luôn bị động khi tiêu thụ sản phẩm do thiếu thông tin dự báo thị trường tiêu thụ, nên đã liên tục xảy ra tình trạng ứ đọng rau củ quả, trái cây và phải bán tháo hay đổ bỏ.
Theo dữ liệu từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) về xuất nhập khẩu, năm 2014, VN xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc trị giá trên 763,11 triệu USD và 341,88 triệu USD rau củ quả, trong khi Myanmar xuất vào Trung Quốc chỉ trên 20,47 triệu USD trái cây và 17 triệu USD rau củ quả. Tuy nhiên, không có cơ sở nào chắc chắn rằng khoảng cách trên sẽ không rút ngắn trong tương lai và thời gian rút ngắn diễn ra thế nào cũng khó dự đoán được.
Hãy nhìn từ xuất khẩu gạo của Myanmar để thấy sức bật của ngành nông nghiệp nước này trong vài năm gần đây. Qua mấy chục năm sản xuất lúa gạo trì trệ do ảnh hưởng của các lệnh cấm vận kinh tế do phương Tây áp đặt, Myanmar đã làm nên điều kỳ diệu khi trong tài khóa 2012 - 2013 đã xuất khẩu 1,45 triệu tấn gạo, cao gần gấp hai lần so với tài khóa 2011 - 2012 và cao gấp 96 lần so với năm 1997; đến tài khóa 2014 - 2015, xuất được 1,7 triệu tấn. Hiện tại, châu Âu, Singapore, Australia, Trung Quốc và thậm chí cả Thái Lan là những khách hàng chính nhập gạo của Myanmar. Danh sách các nước nhập khẩu gạo của Myanmar sẽ còn dài ra với Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Ấn Độ.
Ngành nông nghiệp Myanmar được định hướng chuyển từ kinh tế tự cung, tự cấp sang kinh tế hàng hóa thương mại. Chính quyền Myanmar đã mở cửa cho lĩnh vực tư nhân, cả trong nước và nước ngoài nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp, quyết tâm tận dụng vị trí địa lý chiến lược nằm giữa Nam Á, Đông Nam Á và Trung Quốc khai thác thị trường tiêu dùng 3,6 tỷ dân. Diện tích đất trồng do các công ty tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp mua hoặc thuê đã tăng từ 225.242 mẫu Anh năm 1999 lên 2,3 triệu mẫu năm 2013.
Nếu đã nhìn thấy khả năng có thêm một đối thủ cạnh tranh trong tương lai ở lĩnh vực xuất khẩu nông sản, nhất là đối với thị trường Trung Quốc, đồng nghĩa với thị phần nhiều mặt hàng nông sản VN ở Trung Quốc có thể sẽ giảm, nên việc dự báo thị trường tiêu thụ nông sản ở châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng không những cấp thiết mà còn cần mở rộng thêm góc nhìn từ tiềm lực cung ứng của Myanmar, để không còn xảy ra tình trạng phải “giải cứu” nông sản VN như vừa diễn ra vài tháng qua.

HẢI HÀ - VÂN KHÁNH/ SGGP