itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Điểm trung bình môn Hóa sẽ không cao

Điểm trung bình môn Hóa sẽ không cao

Ảnh: ĐT

Đề thi môn Hóa có tác dụng phân loại học sinh, không có sai sót gì lớn. Tuy nhiên, nói chung, đề khó và dài thể hiện ở 2 mặt: Số lượng các phép tính nhiều và nhiều số lẻ do đó học sinh tốn nhiều thời gian cho tính toán.

PGS.TS.NGƯT. Đào Hữu Vinh, giáo viên khối chuyên ĐHQG Hà Nội, chuyên gia Hóa học của cổng luyện thi QuickHelp.vn nhận xét về đề thi sáng nay.

Theo ông Vinh, vẫn nội dung câu hỏi nhưng đề có thể cho ngắn gọn hơn và giảm những phép tính toán không cần thiết cho học sinh. Đối với thời gian làm bài 90 phút chỉ những học sinh thật sự giỏi hóa mới có thể làm trọn vẹn và đúng cả 50 câu.

"Có lẽ điểm trung bình của môn Hóa sẽ không cao, các điểm sẽ tập trung ở vùng 4 đến 5 điểm", ông Vinh dự đoán.

Kết thúc buổi thi môn Hóa sáng nay (05/7), nhiều thí sinh nhận xét đề thi môn Hóa khó hơn so với hai môn thi trước. Một thí sinh đến từ Nam Định cho biết, dù được điểm 10 môn Hóa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi nhưng em cũng chỉ làm được khoảng 70% đề thi ĐH.

Thí sinh Đinh Thị Huế (Trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình) bày tỏ: "Trong đề thi môn Hóa sáng nay, có câu dễ, có câu khó nhưng tỉ lệ câu hỏi khó nhiều hơn câu hỏi dễ".

Tại các điểm thi THPT Trưng Vương, THCS Võ Trường Toản, TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM), khá nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi với cái lắc đầu bí hiểm.

Khi được phụ huynh hỏi thì bảo: "Đề khó quá. Thầy cô dự đoán là đề Hoá sẽ dễ hơn đề Lý, nhưng hôm nay thì ngược lại", thí sinh Nguyễn Ái Xuân đến từ Đồng Nai chia sẻ.

Không chỉ một mình Xuân, bạn Trần Nữ Thuỳ Linh, tại Hội đồng THCS Trương Công Định cũng nhăn nhó: "Đề vừa khó vừa dài. Có những câu cuối em không kịp đọc đề, đánh dấu đại vì hết thời gian. Em không lường trước là đề Hoá dài như thế!"

Cũng đồng quan điểm đó, Minh Huân nhận xét: "Đề dài quá, đọc hết đề mất bao nhiêu thời gian. Có những câu hỏi, nếu thí sinh không biết cách làm sẽ mất rất nhiều thời gian để cân bằng. Trong phòng em, có nhiều bạn không làm bài được. Có bạn ngồi bên cạnh, mãi loay hoay với cân bằng hết cả thời gian. Em không hiểu sao lại cho đề dài như thế!"

Với Huân, môn Hoá là môn bạn chờ mong nhất. Bởi hai môn hôm qua mới khoảng 13 - 14 điểm. Và môn Hoá cũng là môn Huân học khá.

Lại bị đình chỉ thi vì sơ sẩy

Trao đổi sau buổi thi

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) có 2 thí sinh bị đình chỉ thi do mang bảng tuần hoàn hóa học vào phòng thi.

Mặc dù 2 bảng tuần hoàn này không hề có ghi chép thông tin gì, nhưng theo đúng quy chế, thí sinh vẫn bị lập biên bản đình chỉ.

3 trường hợp bị đình chỉ thi ở Cần Thơ cũng vì lý do mang bảng tuần hoàn.

Tại Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM), một thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi. Ông Nguyễn Sỹ Cường, Trưởng ban coi thi cho biết: "Có những trường hợp bị đình chỉ rất oan uổng. Các em ở tỉnh lên, để điện thoại ở nhà trọ thì sợ mất, mang vào phòng thi cũng không biết gởi lại ở Hội đồng thi. Khi bị giám thị phát hiện thì đã muộn rồi!"

Tại ĐH Mở TP.HCM cũng có một thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại di động vào mà chưa sử dụng. Giám thị coi thi phát hiện có điện thoại khi vừa phát đề thi nên thí sinh này bị đình chỉ.

Một thí sinh dự thi vào Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng tại hội đồng thi THCS Thăng Long bị đình chỉ thi vì sử dụng tài liệu.

Tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, một thí sinh có ảnh ở Giấy báo dự thi và CMND hoàn toàn khác nhau, và được đưa vào diện nghi ngờ thi hộ. Hội đồng thi vẫn để thí sinh làm bài xong. Sau khi nộp bài, thí sinh phải làm việc với công an. Thí sinh đã trình bày với hội đồng là do thời điểm chụp ảnh khác nhau, lúc tóc dài lúc tóc ngắn nên ảnh khác. Tuy nhiên, thí sinh trên vẫn phải làm giấy cam đoan và PA25 tiếp tục tìm hiểu để làm rõ nghi vấn.

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đợt và cơn mưa bất ngờ trên diện rộng lúc 6h sáng nay tại Cần Thơ khiến hàng ngàn thí sinh tại khu vực thi này ướt như chuột lột và rét run khi bước vào buổi thi cuối cùng của đợt 1.

Tại cụm thi Đại học Cần Thơ, từ cổng trường vào có những điểm thi cách xa cổng gần 1 km, không có một nơi nào bán áo mưa dọc đường.

Em Lê Thành Trà (Thí sinh Bến Tre, Thi tại Nhà thi đấu, ĐH Cần Thơ) cho biết: Tóc tai áo quần ướt như chuột, ít nhất cả tiếng mới khô. Cảm giác khó chịu và lạnh sẽ ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng làm bài. Nhóm sinh viên tình nguyện tại cụm này áy náy: "Mưa ngoài dự đoán. Năm sau nhất định chúng tôi sẽ đi xin tài trợ áo mưa mỏng cho thí sinh. Nhưng thí sinh cũng nên chủ động đưa áo mưa".

Thí sinh bỏ thi ít

Trao đổi với PV VietNamNet, TS Thái Bá Cần, HT Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nói vui: "Năm nay hiếm thí sinh bỏ thi quá!" Cụ thể, số thí sinh dự thi môn đầu tiên và môn cuối cùng tại trường giảm rất ít. Tỷ lệ cho đến ngày hôm nay vẫn còn 77,5%. Môn thi đầu tiên, tỷ lệ này là 77,80%.

Tại ĐH Bách Khoa (ĐHQG - HCM) tỷ lệ thí sinh bỏ thi môn cuối so với môn đầu tiên khá ít, chỉ vài chục thí sinh. Hôm nay, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG - HCM) có 10 thí sinh vắng mặt so với hôm qua.

ĐH Hoa Sen, ngày đầu tiên tỷ lệ thí sinh đến dự thi là 71,28%, môn thi Hoá hôm nay, tỷ lệ thí sinh có mặt là 70,6%. ĐH BC Tôn Đức Thắng cũng có số thí sinh bỏ thi khá ít. Theo ông Nguyễn Thanh Giang, Trưởng phòng Đào tạo của trường buổi thi sau chỉ có vài thí sinh bỏ thi. Năm trước, môn thi cuối cùng của trường chỉ còn 67% thí sinh đến dự thi.

Ths Dương Thị Mai Phương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mở TP.HCM cũng có chung nhận định: "Điều đặc biệt của năm nay là số thí sinh bỏ thi rất ít. Có lẽ đây là những thí sinh đã được tuyển chọn từ kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc vừa rồi. Nên những HS vào thi ĐH, CĐ đều có học lực tương đối".

Giữ đề lâu, giám thị căng thẳng

Nhiều giám thị đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét rút ngắn thời gian từ khi nhận đề thi trắc nghiệm đến khi phát đề. Hiện nay, giám thị nhận đề trước khi phát đề thi 45 phút. Trong thời gian đó, vừa làm nhiều việc, vừa canh đề thi nên khá căng thẳng. TS Bùi Duy Cam, Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin với báo chí, sau hai buổi thi trắc nghiệm môn Lý và Hóa - lần đầu tiên được áp dụng ở kỳ thi ĐH.

Trong 45 phút này, giám thị vừa phải ký giấy thi, làm thủ tục gọi thí sinh vào phòng..., lại phải lo lắng phải "ôm khư khư" bảo vệ túi đề.

Ông Cam đề xuất Bộ nên điều chỉnh quy định nhận đề và phát đề các môn trắc nghiệm giống với môn tự luận, tức là gọi thí sinh vào phòng, làm thủ tục xong, giám thị mới đi nhận đề thi.

Nhóm phóng viên

TRA ĐIỂM TUYỂN SINH QUA ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG 

Tra điểm thi:

Soạn tin: DT sốbáodanh gửi tới 998

Ví dụ: xem điểm của thí sinh có sốbáodanh là VHHD110433,

soạn tin: DT VHHD110433 gửi tới số 998

(SBD ghi giống như trong phiếu báo thi, bao gồm cả mã trường)

Tra điểm chuẩn:

Soạn tin: DC mãtrường gửi tới 998.
Ví dụ: xem điểm chuẩn của trường ĐH Văn Hóa Hà Nội (mã trường là VHH), soạn tin: DC VHH và gửi tới