itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Hội nhập: Đừng để DN không biết là mình đang sợ gì

Hội nhập: Đừng để DN không biết là mình đang sợ gì

Nhiều doanh nghiệp nói họ sợ áp lực hội nhập nhưng khi hỏi áp lực là gì, sợ cụ thể điều nào? Họ lại không nói được. Những nỗi sợ đó như là sợ… ma – rất hiện hữu nhưng không hiểu là đang sợ cái gì. Đây là cảnh báo của Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức, đang diễn ra tại Sầm Sơn – Thanh hóa.

Theo ông Lịch, để trả lời câu hỏi, liệu Việt Nam có hội nhập nhanh và nhiều quá không, thì chúng ta phải lật ngược lại vấn đề rằng, để hội nhập thành công thông thường phải mở cửa bên trong trước khi hội nhập ra bên ngoài.

Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải tự ‘bơi’ được ở thị trường trong nước trước khi ra sân chơi của quốc tế. Nhưng ông Lịch cho rằng, dường như chúng ta đang làm ngược lại.

Cũng theo ông Lịch, khi tham gia hội nhập (chẳng hạn như WTO) ban đầu chúng ta thực hiện rất hoành tráng, các ban hành động ra đời nhưng sao đó thì không thực hiện thực tế được bao lâu.

Nhiều cảnh báo về rủi ro khi doanh nghiệp tham gia hội nhập nhưng các cơ quan hoạch định và Chính phủ không chỉ rõ cho doanh nghiệp biết rủi ro họ gặp phải trực tiếp là gì và doanh nghiệp phải làm gì để phòng vệ?

“Nhiều doanh nghiệp nói họ sợ áp lực hội nhập nhưng khi hỏi áp lực là gì, sợ cụ thể điều nào? Họ lại không nói được. Những nỗi sợ đó như là sợ… ma – rất hiện hữu nhưng không hiểu là đang sợ cái gì” – Ông Lịch nói.

Chính vì thế cái mà doanh nghiệp cần hiện nay là những hỗ trợ cụ thể từ những biện pháp phòng hộ phi thuế quan, chứ không phải những hô hào chung chung là doanh nghiệp cần phải tăng tính cạnh tranh…

Cũng theo ông Lịch, tham gia hội nhập không phải làm giảm đi vai trò của nhà nước mà làm thay đổi vai trò của nhà nước. Bởi lẽ khi cạnh tranh quốc gia sẽ làm cho vai trò của nhà nước càng trở lên to lớn hơn.

Cải cách DN không lo bằng cải cách biên chế

Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng bắt đầu bằng câu hỏi, liệu Việt Nam tham gia hội nhập có quá nhanh không?

Và ông cho rằng, câu chuyện ở đây không phải là nhanh hay chậm mà thế giới là vậy. Nếu không hội nhập là chúng ta vẫn phải đối mặt với sự thay đổi. Chúng ta vẫn phải tham gia cuộc chơi với những nguyên tắc như vậy.

“Vì vậy, chúng ta phải thay đổi, phải bắt kịp với thế giới. Tuy nó xa, sâu hơn đấy nhưng mà cần thiết. Đây là các luật chơi mà thế giới đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam” - ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, Việt Nam tham gia hội nhập không chỉ là lĩnh vực kinh tế mà còn gắn với văn hóa - chính trị.

Ông cho rằng, chuyển đổi về thể chế là chuyển đổi gắn với tất cả các lĩnh vực. Điều này vô cùng khó với Việt Nam. Tất cả các Hiệp định tự do mà Việt Nam tham gia gắn với 4 vấn đề, đó là hàng hóa Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong hoạt động giao thương, điều tiết kinh tế Việt Nam, kết nối PPP và hợp tác. Hiểu cho sâu các vấn đề là chưa đủ.

“Khi tham gia hội nhập Việt Nam có thể chết đến 100.000 doanh nghiệp, nhưng sẽ mọc ra 200.000 doanh nghiệp khác. Song còn 100.000 công chức Việt Nam thì sẽ khó có thể đuổi việc được họ” – Ông Thành lấy ví dụ.

Ông Thành cho rằng, cần phải thay đổi về công chức. Doanh nghiệp khi tham gia hội nhập có thị trường dẫn dắt bằng các nguyên tắc, nhưng con người công chức thì ai điều chỉnh? Đó là tính ì lớn trong việc Việt Nam tham gia hội nhập với thế giới.

Khánh Nhi

Theo Trí thức trẻ