itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Những tín hiệu tích cực

Những tín hiệu tích cực

Ba yếu tố vĩ mô mới được công bố gần đây có sự chuyển biến tích cực. Mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho cả năm nay được đánh giá là khả thi, tín dụng nhiều khả năng cũng sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 12-14% và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng trở lại. Chỉ số PMI tăng điểm trở lại.

Xu hướng giảm điểm bốn tháng liên tiếp của chỉ số PMI, bắt đầu từ tháng 4 kéo dài đến tháng 8, đã khiến không ít nhà đầu tư lo ngại. Thậm chí, trong tháng 8, chỉ số này còn giảm xuống mức 50,3 điểm (sát với mốc 50, là ngưỡng điểm quyết định giữa trạng thái mở rộng hay thu hẹp của hoạt động sản xuất). Sự yếu đi của PMI trong thời gian vừa qua có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân: căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông, nhu cầu của thị trường nước ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm hay một vài thay đổi trong chi phí đầu vào như giá xăng dầu tăng và việc thực thi các quy định về tải trọng tối đa mà các phương tiện được phép chuyên chở.

Tuy vậy, sự thay đổi đã đến khi PMI tháng 9 tăng điểm trở lại, lên mức 51,7 điểm (tăng 1,4 điểm so với mức của tháng 8). Theo HSBC, sự tăng trưởng trở lại của các đơn đặt hàng mới đã giúp điều kiện sản xuất của Việt Nam có sự cải thiện trong tháng vừa qua. Nhiều khả năng yếu tố mùa vụ sẽ còn giúp PMI duy trì mức điểm tích cực trong ba tháng cuối năm. Đây là thời điểm cao điểm của hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nhu cầu từ các đơn hàng trong nước phục vụ cho các dịp lễ, tết.

Tăng trưởng GDP tăng tốc trong quí 3

Kết quả tăng trưởng GDP trong chín tháng đầu năm 2014 là 5,62%, cao hơn hẳn so với cùng kỳ hai năm trở lại đây (5,14% và 5,1% trong năm 2013 và 2012). Con số này là tín hiệu tích cực vì sáu tháng đầu năm nay, GDP chỉ tăng 5,18%.

Mức tăng trưởng nhảy vọt riêng trong quí 3, tới 6,19%, cao hơn hẳn so với mức 5,54% của cùng kỳ năm ngoái, đã đóng góp đáng kể vào mức tăng chung. Hai khu vực kinh tế là nông-lâm-thủy sản và công nghiệp xây dựng đều có sự cải thiện mạnh (lần lượt tăng 3% và 6,42% so với mức 2,39% và 5,2% cùng kỳ năm 2013). Lĩnh vực dịch vụ có sự suy giảm nhẹ khi chỉ tăng 5,99% so với mức 6,25% của cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng mục tiêu tăng trưởng 5,8% là có thể đạt được.

Năm tuần, tín dụng tăng 2,5%

Tăng trưởng tín dụng cũng “đột biến” trong tháng 9 vừa qua. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình trong phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tín dụng tính đến cuối tháng 9 ước tăng 7% so với cuối năm 2013. Trong khi, các con số công bố trước đó cho biết tính đến ngày 26-8-2014, tín dụng mới chỉ tăng 4,5%. Như vậy là chỉ trong khoảng năm tuần, dư nợ cho vay đã có bước nhảy ngoạn mục, tăng 2,5% - mức tăng cao nhất qua các tháng kể từ đầu năm đến nay. Nếu tốc độ này được duy trì trong ba tháng tới thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12-14% trong năm nay nhiều khả năng sẽ về đích vào thời điểm cuối năm. Rất có thể sự tăng cao của tín dụng đã hỗ trợ phần nào cho bước tăng tốc của GDP trong quí 3.

Kỳ vọng giảm lãi suất cho vay

Mặt bằng lãi suất đã liên tục được điều chỉnh giảm kể từ đầu năm đến nay. Tuy vậy, thị trường đang kỳ vọng cuộc họp của Thủ tướng với NHNN có thể giúp lãi suất có thêm những chuyển biến mới. Mặc dù dư địa để giảm tiếp lãi suất không còn nhiều nhưng thị trường vẫn kỳ vọng vào khả năng giảm các mức lãi suất chủ chốt như lãi suất tái chiết khấu (hiện đang ở mức 4,5%), lãi suất tái cấp vốn (hiện là 6,5%), lãi suất trên thị trường mở (hiện là 5%)... điều đó sẽ tạo ra định hướng giảm lãi suất rõ rệt hơn trong toàn hệ thống.

Theo Thesaigontimes