itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa có tiếng nói chung

Nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa có tiếng nói chung

Nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa có tiếng nói chung là vấn đề trọng tâm được đặt ra tại hội thảo phối hợp đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp do Trường Cao đẳng kinh tế Công nghệ TP.HCM tổ chức sáng 18/4.

Tại buổi hội thảo, nhiều vấn đề đã được đặt ra là làm sao để các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn Tp.HCM có thể liên kết phối hợp với nhau trong đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực cao đáp ứng nhu cầu xã hội. Bà Bùi Thị Thư, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường Cao đẳng kinh tế Công nghệ TP.HCM nêu ra vấn đề, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi phát triển thị trường lao động theo thể chế kinh tế thị trường là vô cùng bức thiết và phải đặt lên hàng đầu. Để phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực (trường học) và nơi sử dụng nguồn nhân lực (doanh nghiệp) phải có tiếng nói chung, có quan điểm đổi mới, để cùng nhau bàn bạc, chia sẻ trách nhiệm. Như thế mới có thể thực hiện hiệu quả sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, đạt về chất lượng.

Mặc khác, thời gian qua, do nhận thức và quan điểm trong công tác đào tạo chưa theo kịp đà tăng trưởng và yêu cầu phát triển vững mạnh về kinh tế xã hội của đất nước. Cụ thể là hệ thống giáo dục còn phức tạp, chương trình đào tạo chưa thật cập nhật, tài chính còn hạn hẹp… nên việc đáp ứng nhu cầu nhân lực và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ, dư thừa nguồn nhân lực, chất lượng sinh viên ra trường không đáp ứng được công việc, phải đào tạo lại, gây lãng phí… vẫn còn tồn tại.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp luôn mong muốn được liên kết với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo đáp ứng nhu cầu về nguốn nhân lực, đạt yêu cầu về kỹ năng tay nghề, thái độ lao động và tác phong công nghiệp. Họ luôn sẵn sàng chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện hỗ trợ nhà trường về cơ sở thực tập, bồi dưỡng giáo viên, đào tạo nhân lực tại chỗ, thử nghiệm sản phẩm nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sẵn sàng tiếp nhận sinh viên của các trường đến nghiên cứu, thực tập trong môi trường doanh nghiệp.

Ông Justin Yeoh, Hiệu trưởng Trường Sunway College IPOH (Maylaysia) nêu ý kiến tại hội thảo

Qua trao đổi và nhiều vấn đề được nêu ra, PGS.TS Đồng Thị Thanh Phương, Trưởng khoa Kinh tế trường Trường Cao đẳng kinh tế Công nghệ, nêu ra một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự hỗ trợ qua lại giữa doanh nghiệp với nhà trường. Đặc biệt, doanh nghiệp phải thực sự là môi trường thực tế, cung cấp những bài học toàn diện cũng như thông tin phản hồi chất lượng đào tạo từ nhà trường và là đầu ra cho sinh viên. PGS.TS Thanh Phương cũng mong muốn doanh nghiệp cũng nên có những ý kiến bổ sung cho chương trình và phương pháp đào tạo, hỗ trợ cho sinh viên ngay từ khi mới vào trường, đặt hàng về đề tài nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng vào thực tiễn… có như vậy sinh viên mới ra trường sẽ hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực.

Công Huy