itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Tiêu cực ở các trường ĐH Hoa Kỳ

Tiêu cực ở các trường Đại học Hoa Kỳ trong năm qua: Đâu là giải pháp?

Marilee Jones

Năm học 2006-2007 ở Mỹ sắp kết thúc, nhiều sự kiện quan trọng đã xảy ra mà điển hình là việc lần đầu tiên một người phụ nữ được chọn làm giám đốc trường ĐH danh tiếng Harvard. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất của ngành giáo dục Mỹ năm học qua lại là những tiêu cực đáng lo ngại leo thang trên mọi cấp độ học vấn.

Tai tiếng nhất là vụ 9 sinh viên cử nhân chuyên ngành tại Trường Thương Mai Fuqua trực thuộc Đại học Duke bị buộc thôi học và 25 sinh viên khác chịu những hình phạt nhẹ hơn do có dính líu đến một số vụ tai tiếng gian lận thi cử.

Ngoài ra, tại trường Nha khoa thuộc Đại học Indiana, 9 sinh viên bị đuổi học và 37 người khác nhận những hình phạt nhẹ hơn cũng do dính líu đến gian lận trong thi cử. Học viện Không quân Hoa Kỳ trục xuất 18 học viên và 13 người được đưa vào danh sách cá biệt. Đại học Ohio thì vẫn đang đau đầu với một báo cáo cho thấy hành vi đạo văn trắng trợn của các sinh viên tốt nghiệp khoa Cơ khí.

Marilee Jones, nổi tiếng và được sự yêu quý của nhiều sinh viên trong vai trò phụ trách chiêu sinh tại MIT, đã từ chức sau khi thừa nhận đã cung cấp thông tin sai lệch trong CV xin việc vào MIT những năm 1970 mà không hề có ý định đính chính. Jones được yêu quý đặc biệt bởi cô đã phát động nhiều phong trào hữu ích giúp sinh viên giảm được lo lắng trong việc gây ấn tượng và xin nhập học ở các trường điểm, vì thế mà lời thú nhận của cô đã gây bàng hoàng cho rất nhiều người.

Một vài quan chức của các trường đại học danh tiếng đang phải chịu án treo trong khi cảnh sát điều tra cổ phần của họ tại một số công ty cho vay. Vào thứ Hai, Đại học Texas khởi kiện Giám đốc quản lý hỗ trợ tài chính Lawrence Burt.

Có thể nhiều người sẽ bàng quang cho rằng những vụ việc trên là không đáng kể khi mà Hoa Kỳ có đến 4000 trường đại học với hơn 17 triệu sinh viên; tuy nhiên, bởi lẽ trường học là nơi đào tạo ra những nhà lãnh đạo trong tương lai, việc xử phạt thích đáng những tệ nạn học đường sẽ là biện pháp tối ưu để răn đe các sinh viên khác. Điều các trường Đại học cần quan tâm không chỉ là phương pháp giảng dạy và điều hành của họ mà họ cần chú tâm đến cả phẩm chất của những nhà học thức trong tương lai.

Marvin Kaiser, quản lý chuyên ngành Khoa học và Nghệ thuật tự do Đại học Portland Oregon cho biết nhiều trường đại học đang có những cuộc trao đổi nghiêm túc về việc giảng dạy các giá trị đạo đức cho sinh viên. Tuy nhiên ông cũng bình luận thêm rằng nói chuyện về đạo đức và áp đặt chúng lên sinh viên là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Quay cóp là một ví dụ điển hình. Dù một số trường đại học đã đưa ra nhiều lời kêu gọi dưới vô số hình thức, thống kê vẫn cho thấy rằng gần 70% sinh viên chưa tốt nghiệp thừa nhận họ đã từng quay cóp, và khoảng 25% thừa nhận đã quay cóp từ 5 lần trở lên. Tim Dodd, giám đốc điều hành Trung tâm Liên kết Giáo dục, đặt tại Duke bình luận: “Việc hơn ¼ số sinh viên thừa nhận hành vi quay cóp liên tục khiến chúng ta không khỏi lo ngại về mức độ đáng tin của cậy bằng cấp của họ”. Một nghiên cứu mới đây của Donald McCade, giáo sư Đại học Rutgers cho thấy có tới 56% sinh viên ngành khoa học xã hội thừa nhận đã từng gian lận, con số này ở sinh viên cơ khí là 54%, sư phạm là 48% và luật là 45%. Những con số cho thấy rõ mức độ xuống cấp trong việc nhận thức các giá trị đạo đức của sinh viên. Vấn đề là một số trường cũng đã quen với việc này. Họ cho rằng các hành động trừng phạt sẽ kéo theo các vụ kiện, tai tiếng, và tổn thất cho doanh thu của trường (trong trường hợp sinh viên bị đuổi học). Chính vì thế, những hình phạt mà các trường đại học như Duke, Indiana và MIT đã áp dụng là rất đáng khuyến khích. Điều các hiệu trưởng cần làm không phải chỉ là cứ nhón chân đi khẽ xung quanh vấn đề danh dự và trung thực trong khuôn viên trường học, họ cần đưa ra những quyết tâm chung cứng rắn và đi thẳng vào các vấn đề thực chất để vấn nạn học đường ở Mỹ có thể nhanh chóng được giải quyết và các công ty có thể yên tâm hơn khi nhìn vào bảng thành tích của nhân viên mình.

Công Hùng (Theo WashingtonPost)