itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Ủy ban Giám sát: Kinh tế khởi sắc nhưng còn nhiều thách thức

Ủy ban Giám sát: Kinh tế khởi sắc nhưng còn nhiều thách thức

Báo cáo tình hình kinh tế tháng Bảy và 7 tháng đầu năm 2015 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa công bố nhận định, tăng trưởng tiếp tục đà hồi phục đã khuyến khích tiêu dùng và đầu tư tư nhân.

Tăng trưởng phục hồi

Theo báo cáo này, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,28% (so với cùng kỳ năm trước). Với đà phục hồi trên, Uỷ ban Giám sát dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,4% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%.

Theo nhận định của Ủy ban này, tăng trưởng tiếp tục đà hồi phục nhờ đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,9% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,2% của nửa đầu năm trước. Trong đó, IIP ngành công nghiệp chế biến chế tăng 10,1% (cùng kỳ 2013 tăng 5,8%, năm 2014 tăng 8,1%).

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt, nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu giảm so với 6 tháng đầu năm. Biểu hiện ở con số 7 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 92,3 tỷ USD, tăng 16,4%; nhập siêu ước 3,4 tỷ USD, bằng 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (giảm 1,2 điểm % so với 6 tháng năm 2015).

Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi khá, tăng trưởng về quy mô tốt nhất kể từ năm 2009. Quy mô khu vực doanh nghiệp phi tài chính tại quý 1 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Tổng doanh thu bình quân, tổng tài sản bình quân và vốn chủ sở hữu bình quân toàn khu vực trong quý 1 lần lượt tăng 49,29%, 86,31% và 79,69% so với cùng kỳ năm 2014; mức cao nhất kể từ quý 1/2009.

Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ kể từ cuối năm 2014. Điều này biểu hiện ở mức tăng trưởng doanh thu bình quân tại quý 1 của khu vực là 60,93%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 (15,89%).

"Sau thời gian dài, cùng với sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tình hình sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có nhiều cải thiện tích cực," các chuyên gia của Ủy ban Tài chính nhận định.

Đặc biệt, đầu tư khu vực tư nhân từ đầu năm đến nay đã tăng 11,4%, là mức tăng cao nhất so với các khu vực còn lại của nền kinh tế.

Tính đến 20/7, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,32% so với cuối năm 2014 (cùng kỳ 2014 tăng 3,15%). Theo khảo sát tại quý 2​ năm nay của Ủy ban này, hộ gia đình có xu hướng đầu tư vào sản xuất trở lại kể từ quý 1/2014.

Cụ thể, 31% số người được hỏi đang có dự định đầu tư vào sản xuất và cung cấp dịch vụ, tăng 10 điểm ​% so với quý trước và ở mức tương đương với quý 3/2014.

Cũng theo cuộc khảo sát này, 51% số người được khảo sát có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, giảm khoảng 11% so với khảo sát trước đó vào quý 3/2014 (63%) và ở mức thấp nhất kể từ năm 2012. Điều này cũng tương xứng với thông tin các hộ gia đình tăng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề điều hành tỷ giá, các chuyên gia của Ủy ban Giám sát cũng đánh giá thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì ổn định trong 7 tháng qua.

Các yếu tố giúp thị trường ngoại hối duy trì sự ổn định là việc Ngân hàng Nhà nước cho thấy sự nhất quán trong điều hành tỷ giá. Và mức giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ vai trò ngưỡng chặn trên vững chắc của thị trường.

Cùng với đó, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng ổn định. Tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) tăng nhẹ từ 83,3% (năm 2014) lên 84,7% (tháng 5/2015). Tiền gửi và vay liên ngân hàng giảm đáng kể so với cuối năm 2014 (giảm 16,83%), do đó tỷ trọng vốn liên ngân hàng/tổng nguồn vốn cũng giảm từ 13,9% (tháng 12/2014) xuống còn 11,5% (tháng 5/2015). Trừ một số ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu, cần hỗ trợ thanh khoản, các tổ chức tín dụng khác thanh khoản tương đối ổn định.

Phát hành trái phiếu Chính phủ vẫn thấp

Mặc dù nền kinh tế đang có nhiều điểm sáng nhưng các chuyên gia của Ủy ban Giám sát Tài chính vẫn cho rằng nền kinh tế vẫn còn một số khó khăn.

Cụ thể, tháng Bảy, phát hành trái phiếu Chính phủ mới đạt 34% so với kế hoạch cả năm. Lũy kế 7 tháng phát hành trái phiếu Chính phủ vẫn thấp so với kế hoạch năm, mặc dù tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ trong tháng Bảy cải thiện hơn. Tính từ đầu năm đã phát hành được 86.106 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua Kho bạc Nhà nước, đạt 34,4% kế hoạch năm với tỷ lệ huy động thành công là 58,4% và kỳ hạn phát hành bình quân đạt 8,48 năm.

Ngoài ra, tính đến 15/7, thu ngân sách mới đạt 52,3% so với dự toán cả năm 2015, thấp hơn so với cùng kỳ 2014 (57,3%). Giá dầu giảm là nguyên nhân chính khiến thu ngân sách khó khăn; thu từ dầu thô giảm (-32,5%) so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ thu nội địa tăng khá (tăng 15,1% so với cùng kỳ) và dự kiến tiếp tục cải thiện 5 tháng cuối năm nên dự báo thu ngân sách đạt dự toán.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, mục tiêu điều hành tỷ giá cũng chịu không ít sức ép. Trong nước, do yếu tố mùa vụ nên cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đặc biệt trong bối cảnh sản xuất phục hồi tốt, khu vực doanh nghiệp mở rộng quy mô.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất vào cuối năm sẽ làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam (mặc dù tác động này tới Việt Nam không lớn), cũng như làm giảm tính hấp dẫn của VND. ​Đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng nhất định lên tỷ giá trong nước.

Thúy Hà

Vietnam+