itaexpress / Tin ITA / Khoa học / Bí ẩn khoa học / Kết quả khai quật đàn tế Nam Giao: Nhiều bí ẩn được giải mã

Kết quả khai quật đàn tế Nam Giao: Nhiều bí ẩn được giải mã

Sáng 24.11, tại huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá), Viện Khảo cổ học VN phối hợp cùng Sở VHTT công bố kết quả khai quật lần 2 di tích đàn tế Nam Giao do Hồ Hán Thương xây dựng năm 1402 tại khu vực núi Đốn Sơn, xã Vĩnh Thành. Những cứ liệu lịch sử của vương triều Hồ được tìm thấy trong lần khai quật này là vô cùng quý giá.

Hình dung được kết cấu đàn tế
Đợt khai quật lần 2 tiến hành từ ngày 1.7.2007 trên tổng diện tích 2.000m2 với 5 hố lớn ở 5 vị trí. Tại các hố khai quật đều tìm thấy rất nhiều di tích kiến trúc như móng tường đá, tường đá, sân nền, móng đường, cống thoát nước và nhiều di vật liên quan. Theo nhận xét sơ bộ của Viện Khảo cổ học thì các di tích đã xuất lộ ở Nam Giao chủ yếu là các móng đá, tường đá với 3 kiểu kiến trúc, trong đó một số tường đá được lợp mái ngói.
Từ đây, các nhà khai quật khảo cổ học dự đoán: Cấu trúc đàn tế Nam Giao Tây Đô có rất nhiều cửa. Các nhà khoa học đã tìm thấy 3 vị trí bố trí cửa ra vào, đó là điểm quan trọng để tìm hiểu đường đi lối lại trong di tích.
Trên cơ sở nhận diện các loại hình di tích ở Nam Giao, bước đầu có thể đoán nhận cấu trúc mặt bằng của cấp nền hai và một phần cấp nền ba. Cấp nền hai đóng vai trò hết sức quan trọng, là nơi diễn ra các nghi thức tế giao hàng năm của nhà vua. Theo ông Tống Trung Tín - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, tại hiện trường xuất lộ cho thấy đặc trưng của đàn không có khung và không có mái, chỉ có cấu trúc cấp nền, sân, tường mang đặc trưng riêng biệt của nhà Hồ.
Khẳng định di tích Nam Giao thời Hồ
Vẫn theo đánh giá của ông Tống Trung Tín, đây là di tích đàn tế Nam Giao cổ nhất còn tương đối nguyên vẹn dấu tích nền móng ở khu vực trung tâm trong lịch sử xây dựng đàn tế ở VN. Tuy ở đàn tế này mới phát lộ một phần nhỏ, nhưng đã tìm thấy những di tích khá độc đáo.
Các dấu tích nêu trên cho thấy không có một chứng cứ nào về dấu tích móng trụ, chân tảng của các kiến trúc khung gỗ có mái được tìm thấy trong đợt khai quật này. Điều đó nói lên rằng, đây là một dạng kiến trúc đặc trưng của các loại đàn tế. Hơn thế, đây cũng chính là đặc trưng của khu vực trung tâm đàn tế, bởi lẽ tường đá ở cấp nền hai đã xác định rõ quy mô bao quanh cấp nền trung tâm.
Các đàn tế giao ở Trung Quốc đều thống nhất nguyên tắc bình đồ, ngoài vuông, chính giữa hình tròn. Còn ở đàn tế Nam Giao thành nhà Hồ, sơ bộ có thể thấy có nhiều cấp nền được xây tường đá cao ở 3 mặt đông, tây, bắc, riêng mặt nam dựa hoàn toàn vào dãy núi Đốn Sơn. Đây là một kiểu bình đồ rất riêng của đàn tế Nam Giao ở Thanh Hoá. Mặt bằng bình đồ này và các di vật khá độc đáo nơi đây sẽ đóng góp một loại kiến trúc độc đáo vào kho tàng lịch sử kiến trúc và điêu khắc VN.
Kết quả khai quật lần này sẽ làm tăng thêm giá trị vốn có của vương triều Hồ và góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu kinh thành Thăng Long. Nhiều di vật ở đàn Nam Giao Tây Đô sau khi phát hiện, được giới nghiên cứu cho rằng, được dỡ mang từ Thăng Long vào. Do đó, các di tích, di vật ở Nam Giao Tây Đô được tìm thấy sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần vào việc tìm hiểu mối quan hệ của hai kinh đô trong lịch sử giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV.

Theo LĐ