itaexpress / Tin ITA / Khoa học / Bí ẩn khoa học / Ngôi mộ hiếm thấy của một quan chức Ai Cập cổ

Ngôi mộ hiếm thấy của một quan chức Ai Cập cổ

Các nhà khảo cổ vừa khai quật một hầm mộ còn nguyên vẹn của một viên chức Ai Cập cổ, hé lộ những chi tiết quan trọng về phương thức mai táng của tầng lớp trung lưu cổ đại.

Ngôi mộ khiêm tốn thuộc về một tăng lữ đồng thời là chính trị gia thuộc triều đại thứ 5 tên Neferinpu đã được phát hiện vào năm 2006 tại Abusir, “thành phố của những người chết” cổ đại thuộc giữa triều đại thứ 5 và 26, nằm gần Cairo ngày nay. Tuy nhiên, chỉ mới gần đây một nhóm khảo cổ người Czech khai quật hầm mộ này và phát hiện một căn phòng nhỏ cách mặt đất 10m chứa đầy những đồ cúng tế và tài sản cá nhân còn nguyên vẹn trong suốt gần 4.500 năm.

Miroslav Barta, chỉ huy nhóm khảo cổ, phát biểu: “Kết luận quan trọng nhất từ phát hiện này là mọi thứ chúng tôi tìm thấy đều còn nguyên vẹn, nghĩa là không ai từng thấy hoặc động đến từ thời Cựu Thế giới.” Rất hiếm khi hầm mộ của một viên chức tầng lớp trung lưu như Neferinpu – cấp bậc chỉ đứng sau hoàng gia và trên tất cả các tầng lớp khác – được phát hiện nguyên vẹn.

Barta cho biết: “Ngôi mộ này không chứa vàng hoặc bạc nhưng thông tin mà nó cung cấp khiến cho nó trở nên độc đáo”. Năm trước, nhóm khảo cổ của ông phát hiện 4 hầm mộ khác nghèo nàn hơn hầm mộ này, gần như không có gì ngoài xương người. “Ngành khảo cổ Ai Cập cổ đại ngày nay không chỉ là khám phá vànhững điều đẹp đẽ mà là thông tin.”

Bên trong hầm mộ

Nhóm khảo cổ phát hiện hầm mộ của Neferinpu phía sau một bức tường gạch-bùn nằm phía đông của một khu hầm mộ cổ.

Barta nói: “Chỉ trong vài giờ, chúng tôi biết rằng ngôi mộ ngay trước mặt chưa hề bị cướp bóc. Tôi vô cùng phấn khích trong một vài giây. Sau khi khoảng thời gian ngắn ngủi này qua đi, chỉ còn lại cảm giác trách nhiệm là phải làm những gì tốt nhất cho ngôi mộ và người chủ của nó.”

Bên trong căn phòng diện tích khoảng 8m2, nhóm khảo cổ tìm thấy hàng tá những đồ tế lễ, bao gồm 10 bình chứa bia niêm phong kín, hơn 80 bình chứa thu nhỏ bằng đá vôi, một lọ nước hoa nhỏ, đĩa và tách mang ý nghĩa biểu tượng thức ăn và nước uống. Trong đó bao gồm cả 4 bình đáy dẹt được biết như là “canopies”, dùng để chứa cơ quan nội tạng lấy ra khỏi cơ thể trong quá trình ướp xác.

Xương sọ của Neferinpu, một viên chức thuộc tầng lớp trung lưu Ai Cập cổ.
Hầm mộ của Neferinpu được phát hiện hoàn toàn nguyên vẹn.
(Ảnh: Miroslav Barta, National Geographic)

Bên dưới nắp quan tài là xác ướp bị phân hủy nặng nề vì được chôn cất trước khi các phương pháp bảo quản được hoàn thiện. Xác được dát vào hàng trăm hạt sứ, gậy chống của viên quan này dài khoàng 2m và được trang trí ở phần đầu bịt với những mẩu vàng chôn ngay bên cạnh ông.

Theo Tarek El-Awadi, một quan chức tại Hội đồng Khảo cổ tối cao Ai Cập (SCA) và chịu trách nhiệm khảo sát chính tại Abusir, quan tài cũng chứa một vương trượng bằng gỗ mà Neferinpu giữ bằng tay trái để chứng tỏ cấp bậc của mình.

Phát hiện hiếm có

Theo các hình chạm trổ trên một cánh cửa ra vào hầm mộ, Neferinpu phục vụ dưới quyền của hai vị vua thuộc triều đại thứ 5, Neferirkara (2475 đến 2455 trước Công nguyên) và Nyuserra (2445 đến 2421 trước Công nguyên).

Theo Barta, nhân vật này giữ vai trò kép – một tăng lữ và một vị quan và có lẽ chịu trách nhiệm về những dự án xây dựng, một vai trò quen thuộc đối với các quan vào thời đó. Mặc dù những vị trí trên có vẻ quan trọng, những viên chức như thế lại không được liệt vào tầng lớp cấp cao trong xã hội và hầm mộ của họ thường rất khiêm tốn.

Salima Ikram, giáo sư về Ai Cập học tại Đại học Mỹ - Cairo nói: “Ông ta giàu có, nhưng không phải là giàu có nhất. Ông ta không được như vị trưởng tăng. Những chi tiết trên cung cấp thông tin thú vị về các tầng lớp trong xã hội Ai Cập. Đây là những chi tiết về một nhân vật không thuộc cấp bậc cao và những gì chính xác nhất về người thuộc cấp bậc đó.”

Theo Barta, hầm mộ này tương ứng với thông tin đã có về những viên chức thuộc triều đại thứ 5. Những người này trung thành với ngai vàng hơn những người kế nhiệm vào triều đại thứ 6.

“Vào triều đại thứ 6, hầm mộ thường giàu có hơn vì sự suy đồi của cấp quản lý và các viên chức ngày càng trở nên độc lập hơn. Tuy nhiên, nhân vật này lại khá trung thành khi sự nghiệp, kiến trúc, kích cỡ, các đồ chôn kèm ngôi mộ được quyết định bởi một người duy nhất: Nhà vua.”

Vận may

Barta cho biết có khả năng hầm mộ của Neferinpu còn nguyên vẹn là nhờ vào kiến trúc khiêm tốn và vị trí ngẫu nhiên của nó. Một ngôi mộ đối diện nằm ở cuối khu hầm mộ về phía Tây đã bị cướp mất cổ vật. Thông thường những tên cướp mộ tìm những ngôi mộ nằm về hướng tây. Trong trường hợp đặc biệt này, ngôi mộ kia bị đột nhập từ một khu mộ khác không tiếp cận được với phần phía tây nên hầm mộ này thoát khỏi sự chú ý.

El-Awadi thuộc SCA, cho rằng ngôi mộ bị cướp bóc là mục tiêu hấp dẫn hơn đối với những tên trộm vì của cải chôn trong mộ. “Ngôi mộ kia và quan tài trong đó ở trong tình trạng rất tốt. Nó được xây dựng tốt hơn, chạm trổ đẹp hơn và giàu có hơn. Ngược lại, hầm mộ của Neferinpu được hoàn thành rất sơ sài, nó không được đánh bóng và rất thiếu thốn. Bọn trộm biết chúng sẽ không tìm được gì ở đó."

Các nhà khoa học cho biết phát hiện trên là một phát hiện hiếm và nhất quán về đời sống và cái chết của những người không thuộc hoàng gia Ai Cập cổ.

Tuệ Minh / Khoahoc.com.vn (Theo National Geographic)