itaexpress / Tin ITA / Khoa học / Thế giới / Trong nước / Phát hiện nhiều di vật ở Đắk Lắk

Phát hiện nhiều di vật có cách đây khoảng 3.000 - 3.500 năm ở Đắk Lắk

Nguồn ảnh: vietnamgateway.org

Từ ngày 19/5 đến nay, Đoàn khai quật khảo cổ học của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học Buôn Râu và đã phát hiện nhiều di vật có cách đây từ 3.000 năm đến 3.500 năm trở lên.

Di chỉ khảo cổ học Buôn Râu ở thôn 1A, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pách (Đắk Lắk) phân bố ở phần chân núi thấp, ba mặt chung quanh được bao bọc bởi một vùng ruộng trũng, tập trung nửa gò phía Đông Nam, trong khu vực rẫy cà phê của các hộ gia đình ông Nguyễn Đức Thịnh, Trần Văn Lân, Hồ Văn Thành, với diện tích phân bố khoảng 10.000 m2.

Qua khai quật, Đoàn đã phát hiện 5 mộ táng gồm 3 mộ vò, chôn cùng độ sâu xuất lộ so với mặt đất từ 35cm đến 55cm và 2 mộ huyệt đất, có di cốt người tìm thấy trong mộ ở độ sâu 60cm. Đồ tùy táng gồm 2 rìu đá, trong đó có 1 rìu có vai, 4 đồ xếp dọc một bên thân từ hông xuống chân người chết. Cả 2 mộ huyệt đất đều chôn người chết theo tư thế nằm thẳng và một bên thân đều được đặt 4 đồ gốm tùy táng. Trong hố khai quật cũng thu được 117 hiện vật đồ đá, hàng trăm mảnh vỡ đồ đá, mảnh tước các loại.

Nhóm hiện vật đồ đá gồm các loại hình: Công cụ lao động (có rìu bôn, đục, cưa, bàn mài, bàn đập, hòn gè...), đồ trang sức (có các mảnh vòng, hạt chuỗi....), phát vật (có rìu, vòng...), phế vật có (lõi vòng, mảnh tước...). Đối với đồ gốm, mảnh gốm, với diện tích 48 m2 khai quật, địa tầng di tích chỗ dày nhất là 60cm đã thu được trên 2 vạn mảnh gốm. Đây là di chỉ khảo cổ học có mật độ tập trung mảnh gốm cao nhất từ trước đến nay đã được khai quật ở tỉnh Đắk Lắk.

Về loại hình đồ gốm Buôn Râu đa dạng, phong phú về kiểu dáng như bát bồng chân cao, bát chân đế thấp và loe choãi, nồi gốm với nhiều kích cỡ khác nhau, nồi thân hình cầu, nồi thân gãy góc, vò, chậu có chân đế... Chất liệu gốm chủ yếu được làm từ loại đất sét pha cát, kích cỡ trung bình và có thêm một ít chất phụ gia khác như bã thực vật tạo cho xương gốm nhẹ, độ nung không cao. Về kỹ thuật, người Việt cổ Buôn Râu đã nắm vững và kết hợp nhiều phương pháp chế tạo đồ gốm như nặn tay kết hợp với bàn xoay, thêm vào đó có phương pháp đắp thêm và gắn chắp cũng được sử dụng phổ biến. Về hoa văn, kỹ thuật được sử dụng phổ biến là văn thừng, văn chải. Loại văn trang trí có số lượng ít, chủ yếu là văn khắc vạch đơn giản. Kỹ thuật tô chì cũng tìm thấy ở một số mảnh gốm...

Theo Tiến sĩ Trần Quý Thịnh, Chủ trì dự án khai quật: Buôn Râu là một di chỉ khảo cổ học quan trọng trong việc nghiên cứu giai đoạn tiền sơ sử ở Đắk Lắk. Buôn Râu vừa mang tính tính chất di chỉ cư trú - mộ táng, vừa mang tính chất di chỉ xưởng, trong đó nổi bật là tính chất cư trú của di chỉ. Nhóm di tích di vật thu được cũng khá tương đồng với nhóm di tích di vật ở các di chỉ khảo cổ học Cư Kty (huyện Krông Pách), Dhapông (thành phố Buôn Ma Thuột) đã khai quật ở Đắk Lắk. Buôn Râu cũng là nơi có sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ với các di tích ở các tỉnh ven biển miền Trung như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Đông Nam bộ. Cũng tại Buôn Râu tìm thấy 2 mảnh khuôn đúc đồng, một mảnh trong hố khai quật, mảnh kia thu được trong đợt khảo sát trước đó, đồng thời, trong quá trình sản xuất, người dân địa phương cũng phát hiện nhiều mảnh đồng nát vụn từ một số đồ đồng.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Quý Thịnh: Các hiện vật trên cho thấy, cư dân Buôn Râu đã chuyển từ giai đoạn hậu kỳ đá mới sang giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ đồng, có niên đại cách đây khoảng từ 3.000 đến 3.500 năm trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, Buôn Râu mới chỉ được khai quật ở một diện tích còn khá khiêm tốn, trong khi di tích đang bị xâm hại nặng nề và có nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn. Do vậy, các cơ quan, ban ngành, địa phương có liên quan phối hợp cùng với Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, Viện Khảo cổ học Việt Nam cần có kế hoạch tiếp tục khai quật nhằm thu thập tư liệu di tích, di vật phục vụ cho việc nghiên cứu khảo cổ học và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk sau này.