itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Cảnh cáo vi phạm giao dịch CK: Chẳng có tính răn đe!

Cảnh cáo vi phạm giao dịch CK: Chẳng có tính răn đe!

Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong vòng chưa đầy một tháng, hơn 10 công ty chứng khoán (CTCK) đã bị Sở GDCK TP HCM (HOSE) cảnh cáo!

Mới nhất, HOSE thông báo cảnh cáo đại diện giao dịch của 6 CTCK do vi phạm quy định giao dịch: CTCK Ngân hàng Công Thương, CTCK Sài Gòn, CTCK Châu Á - Thái Bình Dương, CTCK Tầm Nhìn, CTCK Thăng Long, CTCK Ngân hàng Ngoại Thương ngày 27/8/2007. Hơn ai hết, các CTCK biết rõ các quy định, lợi và hại của việc vi phạm nhưng họ vẫn “thi” nhau làm...

Nếu tính từ đầu năm đến nay thì các vụ việc xử phạt các CTCK chỉ riêng tại HOSE đã lên đến gần 100 vụ. Trớ trêu thay, dù đã phạt tiền (có vụ như ACBS bị phạt đến 70 triệu đồng) hay “cảnh cáo, nhắc nhở” thì tần suất vi phạm càng gia tăng và tháng 8 là tháng mà nhiều CTCK bị HOSE “cảnh cáo” nhất.

Gần đây những lỗi “cố ý” đã xuất hiện như CTCK Tràng An đã dùng tài khoản tự doanh vừa đặt lệnh mua, vừa đặt lệnh bán chứng chỉ quỹ PRUBF1 trong phiên ngày 14/8/2007 và CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam cũng vừa mua vừa bán cổ phiếu VSH trong phiên ngày 10/8/2007.

Tuy nhiên những lỗi này chỉ bị HOSE đề nghị “giải trình” và cho đến nay những đơn vị vi phạm giải trình thế nào vẫn chưa được công bố. Nếu so với lỗi “không công bố thông tin” của nhiều cổ đông “VIP” đã bị phạt 10 triệu đồng/người trước đó thì việc “cảnh cáo” có vẻ chẳng răn đe nổi các CTCK không vi phạm thêm và thực tế đã diễn ra như vậy!

Ông Trần Đắc Sinh Tổng Giám đốc HOSE cho rằng: “quyền hạn và quy định chỉ cho phép chúng tôi xử lý như vậy”. Tuy nhiên, tuyên bố: “Từ Trung tâm chuyển thành Sở, HOSE sẽ có nhiều quyền hơn để buộc các thành viên tham gia phải tuân theo quy định với những hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn” của ông Sinh phải là “căn cứ” để nhà đầu tư tin vào “quyền lực” của HOSE chứ không thể “giơ cao đánh khẽ” mãi.

Nhà phân tích chứng khoán Trần Ngọc Nam cho biết: “Nhiều nhà đầu tư rất bức xúc trước việc nhiều nhân viên của các CTCK vừa “đá bóng vừa thổi còi” do mở nhiều tài khoản ở các CTCK khác nhau, vi phạm nghiêm trọng quy định nhưng đặc quyền này cũng chỉ bị xử lý rất nhẹ.

Theo quy định, nhân viên CTCK nếu muốn đầu tư, chỉ được phép mở một tài khoản, tại chính đơn vị mình. Quy định mở và giao dịch trên một tài khoản duy nhất cũng áp dụng chung với tất cả các nhà đầu tư cá nhân khác trên thị trường, không chỉ với nhân viên CTCK.

Tuy nhiên, HOSE đã từng phát hiện nhiều nhân viên của 6 CTCK SEABS TVSC, PSC, NSI, VPBS ,VSC vi phạm quy định này. Nhà đầu tư Vũ Ngọc Nam (sàn SBS TP HCM) bức xúc: “Họ cố tình vi phạm vì lợi ích cá nhân, chưa kể thông đồng với các đại gia để cùng trục lợi. Vậy mà chỉ có cảnh cáo, nhắc nhở thì ai mà chẳng muốn vi phạm để được nhắc nhở!”.
HOSE cũng đã xử lý không ít nhân viên CTCK vi phạm việc hủy lệnh trong cùng một phiên giao dịch, nhưng nặng nhất cũng chỉ dừng lại ở “đình chỉ tư cách đại diện giao dịch 3 tháng”.

Phạt cảnh cáo không đủ tính răn đe các CTCK không cố tình vi phạm giao dịch

Giám đốc một CTCK cho rằng: “Với cách xử phạt như hiện nay thì chỉ thiệt các CTCK không... vi phạm. Tôi khẳng định, không ai cố tình vi phạm mà không thu lợi về cho mình”.

Chuyên gia chứng khoán Bùi Ngọc Tước khẳng định: “CTCK nào cũng có chương trình kiểm soát tự động, bất cứ tài khoản nào sau khi đặt lệnh mua, bán rồi lại tiếp tục đặt lệnh mua bán cùng 1 loại chứng khoán một phiên giao dịch thì lệnh đặt sau sẽ không được chấp nhận. Vậy mà lệnh sau vẫn lọt qua! Theo tôi thì nhân viên của CTCK đã “bỏ nhỏ” nhân viên nhập lệnh của CTCK mình ngồi tại sàn HOSE đưa lệnh trực tiếp mà không qua hệ thống. Lệnh được nhập trực tiếp đồng nghĩa với lệnh giao dịch của khách hàng đã đẩy xuống sau. Ai cũng biết, trong đầu tư chứng khoán, chỉ cần trước hay sau là có thể được hay mất tiền tỷ như chơi. Đây có lẽ là động cơ rõ nhất để các CTCK và nhân viên của họ cố tình vi phạm”.

Ông Tước nói thêm: “Nếu được bạc tỷ đem so với phạt nặng vài chục triệu (hơn 10 vụ CTCK vi phạm trong tháng 8 chỉ bị cảnh cáo - PV) thì các CTCK hay nhân viên vi phạm vẫn còn lời chán”.

Bên cạnh đó việc xử phạt kiểu này đang gây bất công và bất bình với các thành viên tham gia giao dịch tại HOSE. Đáng chú ý hơn, tại TTGDCK Hà Nội những vi phạm kiểu trên hầu như không có!

Đã đến lúc UBCKNN và HOSE thể hiện mạnh hơn nữa “quyền uy” của mình không chỉ vì nhà đầu tư, các CTCK khác mà chính vì sự phát triển lành mạnh của TTCK VN và uy tín của chính hai cơ quan này.

Bài: Yến Trang

Ảnh: Lê Anh Dũng