itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Chứng khoán một chiều hè tháng bảy

Chứng khoán một chiều hè tháng bảy

Ảnh: VnExpress

Tuy cơn sốt chứng khoán không còn hầm hập nữa và có vẻ đang lắng lại thì đâu đó những hội hè offline của CLB chứng khoán, những toan tính chiến lược riêng của nhà đầu tư cho mỗi cổ phiếu vẫn nóng âm thầm, chờ ngày trỗi dậy như dạo trước.

Cái buổi tranh nhau đứng chờ khớp lệnh ở các sàn giao dịch tại Hà Nội không còn nóng như trước, các nhà đầu tư vẫn biết cách làm nóng như một kiểu “gom hang” để chờ cơ hội mới. Bầu không khí này được thấy ngay ở các quán café chứng khoán. Không tranh luận sôi nổi hoặc cuồng nhiệt hớn hở như dạo “tất cả chúng ta đánh là thắng” nữa mà thay vào đó là những khuôn mặt trầm ngâm, tính tính toán toán từng nước cờ cổ phiếu. Những người khá tiếng Anh thì bên cạnh laptop của mình, họ không chỉ lướt các website chứng khoán trong nước mà những website chứng khoán nước ngoài, những bài bình luận của các chuyên gia thì không thể bỏ qua.

Với các đại gia trong làng chứng khoán, sinh lực tài chính luôn luôn “đông” và “dồi dào” nên những lúc “up” hay “down” của thị trường đối với họ là chuyện thường, họ đủ sức, đủ kinh nghiệm, đủ bản lĩnh để gánh chịu rủi ro nhưng cũng chờ thời cơ để “quất” lại. Còn các nhà đầu tư nước ngoài thì sao? Họ bản lĩnh bậc thầy, họ biết cách và có thể là đầu cơ để tạo thị trường ảo, thị trường lúc nóng, lúc “nguội”, nhưng có một điều họ đã tiết lộ, khi thâm nhập để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, họ không chỉ quan tâm đến những con số thống kê làm ăn kinh doanh của những công ty phát hành cổ phiếu đó, điều quan trong hơn, họ luôn tìm hiểu giám đốc là ai, nam hay nữ, tính cách thế nào, độ bản lĩnh trong công việc ra sao? Theo họ, điều này rất quan trọng trong việc đầu tư chứng khoán có quy mô. Và dĩ nhiên họ phải thuê người bản địa tìm hiểu. Nhưng cách làm của họ cũng đáng để học tập và không thể xem thường.

Vẫn biết rằng thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ nhưng đã có bước tiến và độ “hot” trong khu vực Đông Nam Á, vì vậy nhiều khách quốc tế khi đến Việt Nam du lich cũng kết hợp luôn việc tìm kiếm thông tin, các cổ phiếu, chỉ số nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với dân nội thì cụm từ “chơi chứng khoán” gần như chỉ hợp với thời buổi thị trường nóng sốt, còn bây giờ là “đầu tư”, cụm từ đầu tư chứng khoán phù hợp với hoàn cảnh bây giờ phải có đầu tư, phải biết chờ đợi thì mới có kết quả. Đặng Huy, một nhà đầu tư chứng khoán, hiện đang nắm trong tay hơn 10 loại cổ phiếu như ACB, FPT… cho biết lúc này là thời điểm thị trường phân loại nhà đầu tư, việc chơi nhỏ lẻ không còn thích hợp nữa, nếu ai đó chỉ bước dạo vào thị trường chứng khoán để “chơi” thì hiển nhiên không có kết quả và sẽ nản chí, những người chưa có kinh nghiệm và tâm tính nóng sốt rất dễ mắc nợ, là con nợ vì chứng khoán như đã từng xảy ra với một số người.

Từ 30/07/2007, hai sàn giao dịch thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có sự thay đổi về phiên giao dịch. Sàn giao dịch thành phố HCM mở 3 phiên: phiên 1 định kỳ, phiên 2 liên tục, phiên 3 định kỳ. Sàn giao dịch tại Hà Nội chỉ có 1 phiên thực hiện liên tục trong khoảng 2 tiếng. Thị trường chứng khoán giờ đang “nắng hạn” nhưng có lẽ sắp tới sẽ gặp “mưa rào” để “tắm mát”.

Ngô Quang Vinh