itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Có thể mình đã quyết định sai lầm

Hãy nghĩ rằng: có thể mình đã quyết định sai lầm

Bạn cần phải chấp nhận 1 thực tế: có nhiều khi các quyết định sai lầm sẽ chiếm đến ½ tổng số các quyết định mà bạn đưa ra. Việc chấp nhận điều đó để cắt giảm thua lỗ và tính toán cho các quyết định tiếp theo là một hành động khôn ngoan.

Khi theo học ngành quản trị kinh doanh tại trường Đại học, chúng tôi luôn nghe thấy thầy cô nhắc nhở sinh viên của mình rằng: “Lợi nhuận luôn tỷ lệ thuận với rủi ro. Vì thế khi gặp rủi ro trong đầu tư, các anh chị phải học cách chấp nhận và cắt giảm thua lỗ”. Nó được nhắc đi nhắc lại nhiều đến mức, chúng tôi ngầm định với nhau rằng đây là nguyên tắc được ưu tiên số 1 trong công việc kinh doanh sau này của mình. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự “ngấm” sau khi chúng tôi có được những trải nghiệm trong thực tế.

Bạn sẽ tiến hành cắt giảm thua lỗ khi nào? Câu trả lời là khi bạn xác định được rằng: “mình đã sai trong quá trình đầu tư”. Nhưng rõ ràng, để nghĩ rằng bản thân đã đưa ra những quyết định sai lầm là một vấn đề tương đối khó khăn. Trong thời điểm hiện nay, giao dịch trên thị trường chứng khoán của chúng ta ngày càng ảm đạm. Nguyên nhân chính là gì? Những người đang nắm giữ cổ phiếu mà giá của chúng có chiều hướng đi xuống thì không muốn bán ra, họ có tâm lý chờ đợi và hy vọng giá của những cổ phiếu này sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Một số người khác lại cho rằng giá sẽ còn xuống nữa và họ đợi chờ để mua được cổ phiếu với giá thấp hơn.

Chị T – một nhà đầu tư tại sàn BVSC là trường hợp khá điển hình mà tôi được biết. Khi nghe được thông tin quỹ VFMVF1 chuẩn bị tăng vốn điều lệ lên 1,000 tỷ đồng và sẽ thực hiện chào bán chứng chỉ cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 với giá ưu đãi, chị đã tiến hành mua khoảng 10,000 chứng chỉ quỹ. Giá bình quân mà chị mua được trong thời điểm đấy là 49,000đ/chứng chỉ. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, thị trường có sự điều chỉnh khiến giá của VF1 xuống dốc không phanh. Chị T vẫn không chịu bán ra, bất chấp lời cảnh báo của những nhà đầu tư có kinh nghiệm vì nghĩ quyết định của mình là đúng. Theo chị, giá giảm sẽ khiến cho giá mua ưu đãi được chốt vào 5 ngày cuối sẽ giảm theo và sau đó giá sẽ tăng ngược trở lại. Thời gian tiếp theo tình hình vẫn không mấy khả quan, sau khi thực hiện 10,000 quyền mua với giá 33,164đ/chứng chỉ thì hiện nay giá của chứng chỉ này đang được giao dịch quoanh mức giá 32,000đ. Thua lỗ khoảng 23%, chị T cho rằng: “tôi quyết định đầu tư lâu dài”.

Quả thật, rất khó để chấp nhận mình đã quyết định sai lầm.

Thị trường chứng khoán là nơi chứa đựng đầy rủi ro, tỷ lệ thành công hay thất bại cho một quyết định đầu tư là 50 – 50. Vì thế, bạn cũng cần phải chấp nhận 1 thực tế là: có nhiều khi các quyết định sai lầm sẽ chiếm đến ½ tổng số các quyết định mà bạn đưa ra. Việc chấp nhận điều đó để cắt giảm thua lỗ và tính toán cho các quyết định tiếp theo là một hành động khôn ngoan. Nếu tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đã giảm giá quá nhiều và tìm mọi cách để biện hộ cho hành động đó, có thể bạn sẽ phải chịu những thua lỗ lớn hơn.

Vấn đề then chốt cần giải quyết khi tâm lý đã được chuẩn bị là: giá cổ phiếu giảm đến mức nào thì chúng ta sẽ phải tiến hành cắt lỗ. Có nhiều ý kiến khác nhau: 8%, 10% hoặc 15%... Tuy nhiên, không có 1 công thức nào có thể áp dụng mọi cho mọi hoàn cảnh, trong quá trình kinh doanh của bạn. Tùy vào diễn biến thị trường, vào tình hình tài chính của bản thân, vào loại cổ phiếu đang nắm giữ mà bạn phải đưa ra các quyết định phù hợp và đúng thời điểm. Bạn có thể chịu đựng thua lỗ ở một mức độ nào đó nhưng đó không phải cái ngưỡng khiến bạn không còn tồn tại để tiếp tục đầu tư. Một lời khuyên nhỏ là hãy tự đặt ra cho mình một nguyên tắc cắt lỗ và tuyệt đối tuân thủ nó. Chẳng hạn mức thua lỗ max mà bạn ước tính là 10% thì đến ngưỡng đấy bạn phải ra tay cắt lỗ và tìm cơ hội khác cho mình.

Tìm kiếm lợi nhuận trong quá trình đầu tư chứng khoán ( hay những ngành khác nữa) luôn là mục đích số 1. Tuy nhiên đây là hoạt động rất khó khăn, cần bản lĩnh, kinh nghiệm và rất nhiều sự cố gắng. Không có ai thành công mà chưa từng thất bại. Bản thân tôi cũng chưa từng gặp một ai đấy có thể quyết định đúng trong tất cả các trường hợp. Và bạn cũng thế. Vì vậy, hãy cố gắng chấp nhận thất bại và theo đuổi các mục tiêu mình đã đề ra để trở thành 1 nhà đầu tư thông thái.

Thương Nguyễn