itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / Giá cổ phiếu có gây nên suy thoái kinh tế?

Sự thay đổi trong giá cổ phiếu có gây nên suy thoái kinh tế?

Nền kinh tế và thị trường chứng khoán có liên hệ chặt chẽ với nhau. Nhiều người thường theo dõi biến động của thị trường chứng khoán để dự đoán nền kinh tế vận hành như thế nào.

Đã từ lâu người ta biết rằng nếu thị trường chứng khoán suy giảm trong một thời gian dài thì nền kinh tế cũng chắc chắn suy giảm theo. Tuy nhiên không có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng thị trường chứng khoán làm cho nền kinh tế tăng trưởng hoặc suy giảm. Thị trường chứng khoán không trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế. Thị trường này chỉ đơn giản như một cái gương phản ánh gần như chính xác những điều mà người ta tin rằng sắp xảy ra trong nền kinh tế. Cách tốt nhất để hiểu rõ điều này là thấy rõ rằng chỉ số chứng khoán Vnindex chỉ đơn giản là như một giá cả; nó có hai cơ sở để xác định là: cung và cầu.

Cung

Theo quy luật cung cầu trong nguyên lý kinh tế, đối với hầu hết các hàng hóa, trong ngắn hạn khi mà lượng cung tăng thì giá cả hàng hóa đó sẽ giảm. Chẳng hạn như một công ty ô tô đột ngột tăng sản lượng ô tô của họ lên gấp đôi thì chúng ta đoán rằng giá ô tô của họ sẽ giảm.

Nếu theo quy tắc này thì chúng ta có lẽ cho rằng sự thay đổi trong lượng cung của cổ phiếu là nguyên nhân chính làm thị trường cổ phiếu tăng hoặc giảm. Nếu giá của cổ phiếu được xác định bởi quy luật trên và thị trường chứng khoán giảm sẽ dẫn đến nền kinh tế suy giảm, thì chúng ta có lẽ sẽ thấy cổ phiếu mới được phát hành ồ ạt trước một đợt suy thoái kinh tế. Tuy nhiên trên thực tế không hoàn toàn như vậy, các cổ phiếu mới thường được phát hành khi nền kinh tế bắt đầu bước vào thời kỳ tăng trưởng. Điều này là bởi vì tiền thu được từ phát hành cổ phiếu mới sẽ được dùng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, do đó làm cho nền kinh tế tăng trưởng.

Sự thay đổi trong giá cổ phiếu có gây nên sự suy thoái?

Nếu chúng ta muốn hiểu được tại sao nền kinh tế lại vận động theo xu hướng của thị trường cổ phiếu chúng ta cần phải xem xét cầu về chứng khoán. Để làm được điều này, chúng ta cần phải tìm hiểu động lực nào làm cho các nhà đầu tư bán hoặc mua cổ phần. Nhiều nhà đầu tư đánh giá danh mục đầu tư của họ dựa trên giá trị thực của cổ phiếu. Giá trị thực của cổ phiếu là tổng thu nhập của một công ty tính trên một cổ phiếu qua một thời kỳ, được chiết khấu theo lạm phát. Nếu nhà đầu tư nghĩ rằng suy thoái sắp xảy ra thì họ sẽ tin rằng công ty sẽ kiếm được ít hơn trong tương lai (vì điều đó thường diễn ra trong giai đoạn suy thoái) và sẽ làm giảm giá trị thực của cổ phiếu. Khi giá trị thực của cổ phiếu giảm xuống thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường, nhà đầu tư sẽ bán cổ phiếu ra làm cho giá thị trường của cổ phiếu giảm xuống.

Nếu nhà đầu tư tin rằng một sự bùng nổ sắp xảy ra, họ sẽ đánh giá cao giá trị thực của cổ phiếu hơn bởi vì thu nhập từ cổ phiếu trong tương lai sẽ cao hơn dự đoán của họ. Thông thường thì điều này dẫn đến giá trị thực sẽ tăng cao hơn giá trị thị trường của cổ phiếu, bởi vậy nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu vào và giá cổ phiếu sẽ tăng.

Việc nghĩ rằng thị trường chứng khoán điều khiển nền kinh tế là một điều sai logic. Thông thường chúng ta nghĩ rằng nếu A đến trước B thì A gây ra B. Các nhà triết học cho rằng suy nghĩ này là hoàn toàn ảo tưởng. Trong trường hợp này là dự đoán về sự suy giảm của nền kinh tế làm cho thị trường chứng khoán suy giảm ngày hôm nay. Hoặc theo logic học thì A đến trước B bởi vì dự đoán B gây ra A. Nhưng cũng cần phải nhận ra rằng, không chỉ mỗi việc dự đoán sự thay đổi của nền kinh tế trong tương lai gây ra sự thay đổi trong giá cổ phiếu. Thực tế là mọi người ít khi hành động dựa trên dự đoán này. Nếu nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu dựa trên thuật bói toán và dự đoán tương lai thì sẽ không cần phải nghiên cứu nền kinh tế nữa.

Vì phần lớn các nhà đầu tư hành động trên nguyên tắc giá trị thực của cổ phiếu nên nền kinh tế có xu hướng đi theo thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư thường dựa vào các biến vĩ mô để thử xác định đợt suy giảm tới của nền kinh tế sẽ xảy ra khi nào. Và kết quả là họ thường bán tống bán tháo cổ phần của họ trước khi nền kinh tế lâm vào suy thoái, do vậy làm cho người ta tưởng rằng sự suy giảm trên thị trường chứng khoán là nguyên nhân gây ra suy thoái kinh tế.

Đỗ Ngọc Lạc