itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Chứng khoán / TTCK: Khởi đầu chu kỳ phục hồi?

TTCK: Khởi đầu chu kỳ phục hồi?

Khởi đầu năm 2014 ở mốc 500 điểm, VN Index đã có lúc tăng lên 610 điểm trước khi kết thúc quý I tại mốc 580 điểm, giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng mạnh nhất quý I-2014. Nếu nhìn vào dòng tiền tham gia thị trường sẽ còn thấy ấn tượng hơn. Không ít phiên giao dịch, ngay cả nhà đầu tư (NĐT) dày dạn cũng cảm thấy choáng váng: tiền ở đâu mà nhiều vậy.

Tốc độ rượt đuổi

Tính từ đầu tháng 2 đến nay, hiếm khi nào giá trị giao dịch (GTGD) trên thị trường đạt dưới 3.000 tỷ đồng/phiên, vượt xa kỳ vọng của dân chứng khoán. Đối với các công ty chứng khoán (CTCK), GTGD khoảng 1.000-1.500 tỷ đồng là mức sống được, từ 1.500-2.000 tỷ đồng sống khỏe và trên mốc này thì thênh thang. Đó cũng là lý do vì sao cổ phiếu (CP) của các CTCK đã tăng mạnh trong quý I, không kém cạnh so với CP bất động sản.

CP của CTCK Sài Gòn (SSI), đơn vị dẫn đầu thị phần sàn HOSE quý I, đã tăng từ 1.8 lên gần 3.0, tỷ lệ tăng 66%, VND (CTCK VN Direct) tăng mạnh hơn với tỷ lệ 80%, từ 1.0 lên 1.8. Trong 3 tuần qua có thể xem là 3 tuần thử thách dành cho VN Index khi các phiên điều chỉnh xuất hiện nhiều hơn. Nhưng nhiều NĐT lại không hề tỏ ra lo ngại, vì theo họ VN Index đã tăng quá nhiều, phải có lúc điều chỉnh.

Vấn đề đang được quan tâm hơn cả là dòng tiền tham gia thị trường có còn mạnh hay không. Rốt cuộc trong 3 phiên 31-3, 1-4 và 2-4, mặc dù VN Index giảm khoảng 15 điểm từ 595 xuống 580, HNX mất 5 điểm từ 90 xuống 85, nhưng thanh khoản cả 2 sàn vẫn trên mức 3.000 tỷ đồng. Theo dõi trực tiếp trong phiên có thể thấy lực bắt đáy CP giá rẻ rất hùng hậu, bất chấp bên bán nỗ lực xả hàng. Phiên cuối tuần qua, GTGD trên cả 2 sàn HOSE và HNX đạt 2.300 tỷ đồng, lâu lắm thị trường mới có thanh khoản như vậy.

Dẫu sao, đây mới chỉ là một phiên giao dịch và thanh khoản thấp có thể là do lực bán ra giảm, trong khi bên mua chưa chấp nhận đua lệnh giá cao, nên để đánh giá thanh khoản cần nhìn cả quá trình và một loạt biến số khác nhau. Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK BIDV-BSC, cho rằng TTCK đang vào giai đoạn cuối của chu kỳ phục hồi đầu tiên trước khi bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ hơn tiếp theo, với độ rộng thị trường lớn hơn. Các nhóm ngành theo sau đã tăng trưởng và các nhóm CP mid cap phục hồi mạnh mẽ nhưng vẫn ở mức giá khá thấp. Vì vậy các CP cơ bản tốt, quy mô lớn vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng cơ hội lớn nhất vẫn đến từ CP mid cap.

Niềm tin tạo dòng tiền

Có 2 điều tưởng chừng rất nghịch lý, nhưng vẫn diễn ra trên TTCK Việt Nam gần chục năm nay: Thứ nhất, khi ai cũng nghĩ thị trường hết tiền sau khi trải qua thời gian dài èo uột, chỉ cần thời gian ngắn phục hồi dòng tiền sẽ quay trở lại một cách mạnh mẽ. Gần nhất là việc một lượng tiền từ kênh gửi tiết kiệm đã được đổ sang TTCK góp phần gia tăng thanh khoản.

Trong số những người rút tiền gửi chuyển sang thị trường có cả những người trước đây đã có kinh nghiệm đầu tư vì quá chán nản đã tạm lánh khỏi “chứng trường”. Năm 2009, cũng không khác năm 2014 là mấy, sau năm 2008 thua lỗ đến vỡ mặt, năm 2009 thị trường phục hồi và ngay lập tức dòng tiền lại đổ vào rất mạnh. Thứ hai, CP dù có xuống cỡ nào, nhưng nếu có một số yếu tố hấp dẫn đặt trong điều kiện TTCK thuận lợi đều thu hút NĐT.

2 điều trên chỉ ra rằng niềm tin còn quan trọng hơn cả dòng tiền trên TTCK, có niềm tin, sẽ lập tức có dòng tiền. Có rất nhiều yếu tố để củng cố niềm tin cho NĐT, nhưng ở đây có thể xem xét trên yếu tố phổ biến nhất đó là thông tin. Khoảng nửa năm qua, dân chứng khoán có đúc kết ra quy luật: Hễ khi nào TTCK giảm điểm lại có… tin khủng hỗ trợ, nên thị trường không giảm mà cứ tăng. Không quá khó để lý giải cho quy luật, thậm chí là những sự trùng hợp này.

Bởi những thông tin đó là minh chứng cho một loạt động thái để giải quyết những thách thức của nền kinh tế, hỗ trợ TTCK của các cơ quan quản lý. Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài cho biết ông cảm thấy những luồng thông tin xuất hiện trong thời gian gần đây, từ việc ổn định tỷ giá, cho đến nới room, quyết liệt cổ phần hóa đều rất phù hợp và khiến các NĐT nước ngoài cảm thấy yên tâm, lạc quan.

Niềm tin được củng cố, dòng tiền gia tăng, vấn đề cần bàn tiếp theo là dòng tiền sẽ chảy vào thị trường theo cách thức nào? Những năm trước, khi nói đến các quỹ đầu tư nước ngoài, người ta nghĩ ngay đến VinaCapital (VC) và Dragon Capital (DC). Nhưng giờ đây cả 2 quỹ này sẽ phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt với một loạt tân binh có tiềm lực khác. Một nhóm quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi như Asean Small Cap Fund, Mutual Fund Elite, Lucerne Enterprise… hiện nay đang giải ngân vào những CP ở nhóm mid cap hoặc penny cực kỳ tích cực.

Một NĐT dày dạn kinh nghiệm nhận xét thời gian gần đây có nhiều bóng dáng lãnh đạo một số quỹ mới phát biểu trên các diễn đàn truyền thông rất nhiều, chẳng mấy chốc họ sẽ nổi bật không kém gì các nhân vật lãnh đạo trước đây ở DC hay VC.

Vẫn nặng yếu tố đầu cơ

Tính từ đầu năm tới nay, mới chỉ có một ông lớn thực sự niêm yết là BIDV (BID), trong khi một loạt ông lớn khác hoặc chưa lên sàn, hoặc còn chưa cổ phần hóa và IPO. Những doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả trên sàn như FPT, REE, Vinamilk (VNM), Nhựa Bình Minh(BMP)… đã hết room. Và nhiều khả năng, khi những doanh nghiệp này được mở room, nguồn cung CP chưa chắc đã đáp ứng được nhu cầu.

Giá trị vốn hóa của BMP hiện đang vào khoảng 3.700 tỷ đồng, tương đương 176 triệu USD và hiện đã hết room. Giả sử BMP được mở room thêm 10%, giá trị cổ phần NĐT nước ngoài có thể mua thêm chỉ 17,6 triệu USD và dám chắc có rất nhiều quỹ đầu tư, các đối tác nước ngoài thừa sức gom hết CP này. Trong khi đó, lướt qua các giao dịch của khối ngoại tại GAS (PVGas), CP có vốn hóa lớn nhất thị trường, giá trị cả mua lẫn bán phiên nào khá từ mức 10-20 tỷ đồng, nếu không dưới 10 tỷ đồng, tức đều dưới 1 triệu USD. Với đặc trưng một CP như GAS vừa vốn hóa lớn, vừa làm ăn hiệu quả, chia cổ tức ổn định nhưng số CP lưu hành lại quá thấp, các tổ chức thường sẽ có xu hướng mua vào để nắm giữ nhiều hơn là mua bán liên tục vì dễ mất hàng.

Như vậy, vấn đề mở room thực tế chỉ là một phần trong một chiến dịch tổng thể là tạo hàng cho thị trường, bao gồm cả việc tích cực thúc đẩy cổ phần hóa, IPO và niêm yết CP lên sàn. Mới đây, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, cho biết trong 2 năm 2014-2015 bình quân 1 ngày sẽ phải cổ phần hóa hơn 1 doanh nghiệp nhà nước.

Khi hàng hóa mới và cả hàng hóa cũ (được kỳ vọng sẽ làm mới, thông qua việc mở room) vẫn chưa xuất hiện, dòng tiền sẽ dịch chuyển đi đâu? Không khó để chỉ ra rằng dòng tiền với ưu thế từ NĐT cá nhân trong nước sẽ tìm đến những CP mid cap và penny. Và khi dòng tiền lớn, mang tính dài hạn và giải ngân vào hàng lớn vẫn còn đợi, dòng tiền đầu cơ cũng vẫn sẽ chiếm ưu thế.

Nhưng quy mô vốn hóa của nhóm mid cap chỉ ở mức trung bình, thậm chí nhỏ, trong khi thanh khoản thị trường ở mức 3.000 tỷ đồng/phiên là lớn, nên ngoài việc đổ vào nhóm mid cap, dòng tiền sẽ tập trung ở các blue chip.

Một điểm khác biệt là blue chip bây giờ vẫn mang tính chất đầu cơ đậm nét. Rõ ràng việc đầu cơ hay lướt sóng ngắn hạn tại blue chip an toàn hơn rất nhiều so với những CP mid cap hay penny, bởi CP này có nền tảng hoạt động ổn định, thanh khoản lớn.

Và như vậy, cho đến khi nguồn cung hàng hóa lớn cỡ BID, GAS, VNM… xuất hiện nhiều hơn trên thị trường thông qua việc thúc đẩy cổ phần hóa, IPO, dòng tiền trên TTCK vẫn sẽ chịu ảnh hưởng khá đậm nét bởi yếu tố đầu cơ, và dòng tiền trong nước (của NĐT cá nhân) vẫn chiếm ưu thế.

Theo Ngọc Long

Sài gòn Đầu tư tài chính