itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / 9 nữ CEO nổi tiếng nhất thế giới năm 2007

9 nữ CEO nổi tiếng nhất thế giới năm 2007

Angela Braly

Trong báo cáo mới nhất của tạp chí FORTUNE về 500 gương mặt xuất sắc trong giới kinh doanh Mỹ, ngoài những doanh nhân “nổi đình nổi đám” là nam giới, năm nay đã xuất hiện khá nhiều các tổng giám đốc điều hành (CEO) là nữ giới. Dưới đây là 9 gương mặt nữ doanh nhân xuất sắc nhất.

1. Angela Braly - Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Wellpoint

Tập đoàn y tế cộng đồng Well Point được thành lập vào năm 1992, là một trong những tập đoàn y tế lớn nhất đồng và phát triển nhanh nhất về chăm sóc y tế trên phạm vi toàn thế giới. Chỉ trong vòng 15 năm xây dựng và trưởng thành, hiện nay Well Point đã đứng vị trí thứ 35 trong danh sách 500 doanh nghiệp mạnh nhất Hoa Kỳ. Và vị CEO của công ty này là một phụ nữ 45 tuổi, bà Angela Braly

Angela Braly nhận chức giám đốc điều hành Well Point vào tháng 1 năm 2007. Trước đây bà đã từng giữ chức phó giám đốc điều hành chuyên quản lý về các vấn đề như: pháp luật, ngoại giao, kinh doanh, kế hoạch…cũng của tập đoàn này và là một trợ thủ đắc lực của vị CEO tiền nhiệm Larry Glasscock. Năm 2007, Angela Braly là người phụ nữ duy nhất lọt vào danh sách 50 doanh nhân nổi tiếng nhất của tạp chí FORTUNE.

2. Patricia Woertz - Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn ADM

ADM là tên viết tắt của Archer Daniels Midlan, là tập đoàn sản xuất và chế biến các sản phẩm từ ngô lớn nhất của Mỹ. Với tốc độ phát triển nhanh chóng cùng với chính sách khuyến khích của chính phủ Mỹ về phát triển nông nghiệp, tập đoàn ADM đã đạt được những thành công hết sức ngoạn mục. Năm 2007, ADM đã leo lên vị trí thứ 57 trong số 500 công ty lớn nhất nước Mỹ. Vị chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của ADM là một phụ nữ 54 tuổi, bà Patricia Woertz. Dưới sự điều hành của bà Woertz, tập đoàn ADM đã có những hướng chuyển biến trong kinh doanh sang các loại nhiên liệu thay thế khác như cồn ethanol và dầu diesel sinh học.

Năm 2001 công ty Chevron và công ty Texaco sáp nhập, lấy tên là tập đoàn ADM, Patricia Woertz được bầu làm phó tổng giám đốc của tập đoàn mới này trên phạm vi toàn cầu. Năm 2006, bà trở thành chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của AMD. Hiện nay, sản phẩm của tập đoàn như bột cô-ca, ngô, lúa mỳ… đã có mặt trên khắp thế giới, với số nhân công lên tới 3 vạn người và doanh thu hằng năm đạt đến con số hàng chục tỷ đô la.

3. Indra Nooyi - Chủ tịch kiêm CEO của Pepsi Cola

Pepsi Cola là tập đoàn giải khát nổi tiếng trên phạm vi toàn thế giới. Năm 2007, tập đoàn này đứng thứ 63 trong số 500 tập đoàn lớn nhất của Mỹ. Và lần đầu tiên vào năm 2006, lần đầu tiên trong lịch sử công ty có một vị chủ tịch kiêm tổng giám đốc là nữ, bà Indra Nooyi- một người gốc Ấn Độ.

Tập đoàn PepsiCo đã tăng trưởng vượt bậc trong năm năm 2001-2005 với tổng doanh thu tăng 70%. Tổng giá trị của tập đoàn PepsiCo là 105,4 tỷ USD, vượt qua trên đối thủ truyền kiếp CocaCola (103 tỷ USD). Tất cả những thành công đó đều nhờ công đóng góp rất lớn của Indra Nooyi với tư cách là Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính của PepsiCo, vị trí mà bà đảm nhận trước khi được bầu làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.

4. Anne Lauvergeon - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Areva

Areva là một trong những tập đoàn lớn nhất của Pháp cũng như thế giới, chuyên nghiên cứu và ứng dụng năng lượng hạt nhân. Năm 1999, bà Anne Lauvergeon trở thành vị CEO của tập đoàn này khi mới 40 tuổi.

Anne Lauvergeon sinh năm 1959 tại Pháp. Bà đã theo học và tốt nghiệp ngành vật lý của trường đại học danh tiếng Ecole Normale Supérieure (Pháp). Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc tại chi nhánh của một công ty gang thép tại Canađa, sau này làm việc tại công ty Usinor. Năm 1985, bà giữ chức phó chủ tịch hiệp hội nghiên cứu khoáng sản thuộc bộ công nghiệp Pháp. Năm 1990, bà là cố vấn ban kinh tế quốc tế của chính phủ và năm 1991 là trợ lý của tổng thống Pháp. Năm 1999, Anne Lauvergeon trở thành tổng giám đốc của Areva. Dưới sự lãnh đạo của bà, tập đoàn Areva không ngừng nâng cao doanh số và vị thế của mình không chỉ ở Pháp mà ở trên phạm vi toàn thế giới.

5. Brenda C. Barnes - CEO Tập đoàn Sara Lee

Brenda C. Barnes tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế trường đại học Augustana năm 1975. Trước khi trở thành tổng giám đốc tập đoàn chuyên cung cấp thực phẩm Sara Lee, Brenda đã có 22 năm kinh nghiệm làm việc tại tập đoàn Pepsi Cola. Năm 2004, bà đã đảm nhận cương vị tổng giám đốc điều hành Sara Lee ở tuổi 50.

Dưới sự lãnh đạo của Brenda C. Barnes, sản phẩm của Sara Lee đã có mặt ở 58 quốc gia trên thế giới với doanh số là 18,5 tỷ đô la/năm và đưa công ty lên vị trí thứ 125 trong 500 tập đoàn lớn nhất của Mỹ.

6. Anne Mulcahy - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Xerox

Anne Mulcahy, nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử của tập đoàn máy in và photo khổng lồ Xerox, đã đưa tập đoàn này thoát khỏi bờ vực phá sản và ngày một phát triển.

Anne Mulcahy tốt nghiệp chuyên ngành tiếng An, đại học Marymount ở NewYork. Năm 1976, bà bắt đầu làm việc tại Xerox với chức vụ… người bán hàng. Vì làm tốt công việc của mình, không lâu sau Anne Mulcahy đã đảm nhiệm vai trò là người đứng đầu trong đội ngũ những nhân viên bán hàng giỏi của hãng. Từ năm 1992-1995, bà giữ chức trưởng phòng nhân sự của Xerox. Năm 1998, Anne giữ chức phó tổng giám đốc của Xerox và sang tháng 8 năm 2001 là tổng giám đốc điều hành kiêm chủ tịch của tập đoàn này. Mulcahy đã trở thành nữ chủ tịch đầu tiên trong lịch sử tập đoàn Xerox nhờ phần lớn thành tích trong vai trò giám đốc điều hành trước đây, vị trí mà bà đã đảm đương vào năm 2000 sau khi kế nhiệm những giám đốc nam giới chịu thất bại. Cùng với tài năng thiên bẩm và sự cổ vũ lớn lao của gia đình, Mulcahy trở thành tấm gương cho nỗ lực lao động vượt khó để đi đến thành công rực rỡ.

7. Mary F.Sammons - Tổng giám đốc của Rite Aid

Rite Aid là chuỗi các cửa hàng kinh doanh thuốc lớn thứ 3 của Mỹ, hiện nay trên toàn nước Mỹ có khoảng 3.000 cửa hàng thuộc sự quản lý của Rite Aid với doanh thu hàng năm là 17,27 tỷ đô la, đồng thời cũng là một trong những công ty mới nhất có mặt trong danh sách 500 công ty lớn nhất của Mỹ nhưng cũng đã chiếm vị trí thứ 134.

Tổng giám đốc của Rite Aid là bà Mary F.Sammons, năm nay vừa tròn 60 tuổi. Gia nhập Rite Aid vào tháng 2 năm 1999, đến tháng 6 năm 2003, Mary F.Sammons được bầu vào chức tổng giám đốc công ty nhờ công lao đưa công ty thoát khỏi bờ vực phá sản.

8. Patricia Russo - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn viễn thông Lucent Technologies

Patricia Russo tốt nghiệp tại đại học danh tiếng Georgetown của Mỹ vào những năm 70 của thế kỷ trước. Sau đó bà bắt

đầu gây dựng sự nghiệp của mình tại công ty máy tính nổi tiếng IBM. Năm 1981, bà gia nhập tập đoàn viễn thông hàng đầu của Mỹ là AT&T (tập đoàn tiền thân của Lucent Technologies). Những năm 90 của thế kỷ 20, một tay bà đã cứu AT&T khỏi nguy cơ phá sản và dành được những thành công to lớn.

Năm 1996, sau khi rời bỏ AT&T, bà được mời về làm CEO tại tập đoàn Kodak. Tuy nhiên, năm 2002, sau khi bị tổn thất nặng nề trong kinh doanh, Lucent Technologies lại mời Patricia Russo về làm tổng giám đốc kiêm chủ tịch của tập đoàn. Đến năm 2006, Patricia Russo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi giải quyết được tổn thất của vài năm trước đây và đưa tập đoàn Lucent Technologies trở thành một trong những tập đoàn viễn thông hàng đầu của Mỹ. Năm 2006, Tập đoàn viễn thông Pháp Alcatel và Lucent Technologies chính thức sáp nhập, tạo nên một "gã khổng lồ" trị giá trị giá 33 tỷ USD, gần ngang ngửa với nhà cung cấp thiết bị mạng hàng đầu Cisco.

9. Andrea Jung - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn AVON

AVON là tập đoàn mỹ phẩm nổi tiếng trên toàn thế giới bởi những sản phẩm làm đẹp mang nhiều phong cách mới, và bà chủ của tập đoàn này là một người Mỹ gốc Hoa: Andrea Jung.

Sau khi gia nhập vào tập đoàn AVON vào năm 1994 với cương vị giám đốc bán hàng, Andrea Jung thực sự chứng tỏ vai trò của mình trong chiến dịch cạnh tranh chống lại những người khổng lồ của lĩnh vực làm đẹp Procter & Gamble Co. và L'Oréal SA. Năm 1996, bà đảm nhận chức tổng giám đốc AVON, và đến năm 1999, với sự tín nhiệm cao, Andrea Jung tiếp tục giữ chức vụ tổng giám đốc trước khi có cương vị mới là Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn AVON năm 2001. Andrea Jung đã có công rất lớn đưa AVON trở thành tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất của Mỹ và trên toàn thế giới với doanh thu 8,7 tỷ đô la/năm.

Theo Hải Hiền (VietNamNet)