itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / "Dân phải là người đầu tiên được hưởng lợi"

Ông Bùi Văn Bình - Phó Chủ tịch huyện Côn Đảo: "Dân phải là người đầu tiên được hưởng lợi"

Ông Bùi Văn Bình.

Đến Côn Đảo lúc này, du khách sẽ bắt gặp những hình ảnh trái ngược. Những bức tường rêu phong loang lổ nằm dọc theo những con đường sạch sẽ tinh tươm. Những resort sang trọng kề bên các ngôi nhà cũ kỹ, nép dưới tán bàng cổ thụ. Đường sá cầu cống mới mẻ chạy qua những khu đất không một bóng... nhà, dù nằm ngay trong trung tâm thị trấn.

Ông Bùi Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo - cho biết hiện nay UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản yêu cầu trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch tất cả những cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép xây dựng tại Côn Đảo. Ông nói:

- Làm thế nào vừa phát huy được kinh tế nhưng cũng giữ được rừng, giữ được di tích lịch sử, mang tính chất hài hoà và bền vững. Hai yếu tố đó đặt cho lãnh đạo tỉnh và huyện cân nhắc cái nào nên hy sinh, cái nào nên để lại. Rút kinh nghiệm những địa phương khác, Côn Đảo sẽ làm rất kỹ và chặt quy hoạch. Sau khi quy hoạch xong mới tính về xây dựng, quản lý về mặt kiến trúc không gian, cảnh quan đô thị, màu sắc, cự ly, các phân khu chức năng.

- Ông có đề cập tới việc sẽ phải "cân nhắc xem để lại cái gì và hy sinh cái gì". Với một vùng đất có thể nói là đụng đâu cũng là di tích, thì các ông căn cứ vào tiêu chí nào để lựa chọn cái phải "hy sinh"?

- Việc này phải có sự trợ giúp của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, do các nhà khoa học quyết định. Thú thực là việc này đảo không tự chủ động được mà địa phương sẽ phối hợp thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt.

Như nghĩa trang Hàng Dương không thuộc quản lý của UBND huyện mà trước đây thuộc Bộ Văn hoá Thông tin và hiện nay do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) quản lý. Chỉ có 19% diện tích Côn Đảo thuộc quyền quản lý của UBND huyện, còn lại là đất văn hoá, di tích, vườn quốc gia.

Các nhà tù cũng phân ra khu vực nghiêm ngặt kèm với từ 200-400m vùng đệm. Chính quyền địa phương chỉ biết rằng khu di tích này nằm trong quy hoạch của Bộ, vùng nào là vùng cấm, vùng nào là vùng đệm, không cho dân vào xây cất nhà cửa trái phép. Nếu tính tỉ lệ với diện tích của cả đảo thì với ranh giới quy định hiện nay các di tích chiếm rất nhiều đất, cần phải quy hoạch lại để sử dụng hợp lý hơn.

Nhưng nói gì thì nói, không thể hy sinh di tích một cách quá đáng. Trung tuần tháng 10.2007 tỉnh BR-VT và huyện Côn Đảo đã tổ chức cuộc thi ý tưởng về Côn Đảo, mang tính chất quy hoạch không gian đô thị của Côn Đảo, định hướng phát triển như thế nào, mô hình hoạt động ra làm sao.

Cuộc thi thu hút được khoảng 7 nhà tư vấn nước ngoài. Qua triển lãm chọn được mô hình chuẩn và mô hình đó sẽ được thẩm định để làm tiền đề, cũng là tư liệu khung cho các kế hoạch xa hơn sắp tới của Côn Đảo.

- Người dân phải chờ quy hoạch mới được xây dựng. Nhưng nếu chờ quá lâu sẽ ảnh hưởng tới đời sống của bà con. Hay nếu quy hoạch quá công phu, bản thân người dân không đủ lực để thực hiện, thì sẽ giải quyết ra sao, thưa ông?

- Chính quyền phải nắm giữ quy hoạch, tránh tình trạng như một số địa phương khác nhà đầu tư đến không còn đất hay đất không "sạch", dân mua bán đất trao tay, do đó gây hỗn loạn mất trật tự, làm nản lòng nhà đầu tư, chậm tiến độ. Những khu quan trọng được định hướng trước như khu hành chính, ngân hàng, dịch vụ cao cấp..., tỉnh không cho xây dựng phân tán mà phải tập trung.

Muốn tập trung được phải định hướng chờ quy hoạch. Còn những chỗ đã có nhà sẵn dân vẫn được sửa chữa xây cất ở phạm vi nhất định. Những khu như khu số 1 một số nhà xây sau này khang trang hơn nhà cũ, nhưng phải tuân thủ đúng yêu cầu cách đường bao xa, xây ở vị trí như thế nào.

- Theo Đề án thì dự kiến du lịch Côn Đảo sẽ phát triển lớn trong khi dân cư không nhiều. Các ông chuẩn bị nhân lực như thế nào? Định hướng gì cho con em trên đảo?

- Dân số trên đảo hiện có hơn 6 nghìn người với tỉ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm 65%. Con người quyết định tất cả. Chính quyền địa phương có trách nhiệm hàng năm đề ra những chỉ tiêu đào tạo ngành nghề cần thiết. Riêng đối với ngành du lịch, chúng tôi sẽ tính theo quy định chuẩn của ngành du lịch, theo những công thức một nhân viên phục vụ bao nhiêu du khách, phục vụ khách "tây" ra sao, phục vụ khách ta thế nào...
Chúng tôi đề nghị các nhà đầu tư khi ra đảo ưu tiên nhận người địa phương vào làm việc và có kinh phí để đào tạo họ. Các nhà đầu tư rất ủng hộ đề nghị này bởi sẽ không ai gắn bó với Côn Đảo bằng người địa phương. Đối với các bạn trẻ từ đất liền xung phong ra lập nghiệp ở Côn Đảo, ngoài chính sách ưu đãi về tiền lương, sau này đảo sẽ xây dựng khu chung cư dành cho những người có thu nhập thấp để tạo chỗ ở cho họ.

Biển và núi ở Côn Đảo.

Để dân làm du lịch tự phát như hiện nay chưa ổn. Hướng tới chất lượng du lịch lâu dài, chúng tôi có kế hoạch hướng dẫn làm du lịch nhân dân. Cái này các tỉnh phía Bắc đã làm rồi, năm 2008 sẽ tổ chức cho một số bà con Côn Đảo ra Bắc đi tham quan học tập.

Ví dụ thay vì khai thác san hô về làm đồ thủ công đem bán thì Nhà nước hoặc tổ chức nào đó bỏ kinh phí, mở lớp hướng dẫn cho người dân biết chỗ nào có san hô đẹp để dẫn khách du lịch đến xem. Nhà dân cũng có thể tổ chức thành chỗ ở, nếu du khách có yêu cầu.

- Trên đảo hiện nay vẫn có những bác là cựu tù nhân. Các ông có nghĩ đến việc mời cựu tù tham gia hướng dẫn, giới thiệu tại các di tích lịch sử? Việc này có thể tạo nên nét đặc sắc riêng đối với mảng du lịch lịch sử của đảo, bởi du khách sẽ có ấn tượng sâu sắc hơn nếu được nghe những câu chuyện "người thật việc thật".

- Hiện nay trên đảo có 7 người vốn là cựu tù nhân. Trước đây có bác Bảy Oanh là cựu tù làm Giám đốc khu Bảo tàng Lịch sử. Đúng là nếu có các bác tham gia hướng dẫn, kể chuyện thì rất hay, nhưng các bác tuổi cũng đã cao, sức khoẻ không còn cho phép. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cho hướng dẫn viên đến học hỏi thêm từ các bác.
Ngay bản thân tôi bây giờ cũng chưa hài lòng về đội ngũ hưỡng dẫn viên. Hướng dẫn viên sau này sẽ được đưa đi đào tạo chính quy về nghiệp vụ và văn hoá-xã hội, sẽ phải thuyết minh trực tiếp được bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung.
Người chạy xe ôm chở tôi ra thăm bãi biển Đầm Trầu - một trong những bãi biển đẹp nhất của Côn Đảo - vui miệng kể bãi biển này là nơi trong mấy ngày Tết người dân ra chơi rất đông. Các gia đình, các nhóm bạn bè mang đồ ăn thức uống ra cắm trại cả ngày trên bãi biển.

"Năm trước có công ty nhận xây dựng tại bãi đã rào đường đi vào, dân kêu quá trời nên họ phải dỡ rào ra. Nghe đâu năm nay sẽ xây dựng ở bãi này". Bãi Đất Dốc - một bãi biển đẹp không kém Đầm Trầu, lại có lợi thế nằm gần thị trấn - thì đang trở thành công trường xây dựng cho một dự án resort 23 triệu USD.

- Ở một số khúc biển miền Trung đã và đang xảy ra tình trạng bãi biển chung biến thành của riêng của các khách sạn, resort. Với những dự án phân đất đã và sẽ thực hiện, ở Côn Đảo liệu sẽ xảy ra tình trạng người dân và khách du lịch bình dân bị đẩy khỏi những bãi biển đẹp nhất, chỉ còn được dành cho những bãi không tốt, không nhà đầu tư nào thèm nhòm ngó tới?

- Trong bối cảnh chung chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhưng ở Côn Đảo hiện nay những bãi đẹp nhất hiện nay vẫn thuộc quản lý của Nhà nước, của toàn dân chứ tỉnh và huyện chưa có chính sách giao mặt nước. Các nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư. Trong tổ hợp các nhà nghỉ khách sạn sẽ phân ra khu cao cấp và vẫn dành khu vui chơi cho bình dân, nên tôi nghĩ Côn Đảo không đến nỗi "mất biển".

Địa phương nếu chỉ lo cho các nhà đầu tư, làm giàu lên cho một số người mà không lo mặt tinh thần, văn hoá, phúc lợi cho người dân thì đâu còn ý nghĩa gì nữa. Đây là bài toán khó cho nhà quản lý và nhà đầu tư, phải giải thế nào để người dân địa phương là người đầu tiên được hưởng lợi.

- Vườn quốc gia Côn Đảo hiện nay hấp dẫn bởi sự hoang sơ. Với những kế hoạch như tổ chức leo núi, lặn biển, khu nghỉ dưỡng như ông nói liệu có làm mất đi nét hấp dẫn này, biến Côn Đảo thành ra bình thường như nhiều khu du lịch khác?

- Với môi trường nếu làm không khéo sẽ bị ảnh hưởng ngược, sẽ gây tai hại sinh thái sau này, đời con cháu sẽ lên án. Chúng tôi đã đưa vấn đề này ra nhiều hội thảo, thu nhận lời khuyên của các nhà khoa học. Có lời khuyên hữu ích, có lời khuyên không được.

Chẳng hạn có nhà đầu tư của Nhật mong muốn thuê trọn cả Hòn Cau nhưng chưa được đồng ý. Nhưng cũng có nhà đầu tư có tư duy độc đáo về môi trường, như định xây dựng khu nghỉ dưỡng là những ngôi nhà nằm dưới tán cây với những con đường mòn đi bộ trong rừng chứ không đổ đường nhựa.

Trên đảo đã triển khai dự án khôi phục lại san hô, nuôi ốc vú nàng - một đặc sản của Côn Đảo đang cạn dần vì bị khai thác quá mức. Hơn một năm nay chúng tôi cho thực hiện dự án khôi phục mai rừng. Trước đây rừng Côn Đảo rất nhiều mai, người dân đến Tết hay lên chặt về trưng.

Năm ngoái UBND huyện đã có lệnh cấm dân không được chặt hay chở vào đất liền, đồng thời cho một bộ phận anh em đã được học đàng hoàng xây dựng một làng mai, tập trung nuôi dưỡng, nhân giống mai. Tết đến nhà nào cần có thể đến mượn mai về trưng, sau đó đem trả. Dân rất đồng tình với dự án này.

Mục đích của chính quyền và nhà đầu tư là khai thác được tiềm năng của Côn Đảo để phát triển kinh tế, nhưng bên cạnh đó là tâm nguyện giữ gìn môi trường bằng mọi giá.

- Xin cảm ơn ông.

Hạnh Ngân / Laodong