itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / “Diễn biến thị trường hiện nay là bình thường”

“Diễn biến thị trường hiện nay là bình thường”

Ông Ashok Sud, Tổng Giám đốc Ngân

hàng Standard Chartered

Diễn diễn của thị trường chứng khoán Việt Nam đang khiến nhiều người nghĩ tới một điều gì đó bất ổn, dễ đổ vỡ. Tuy nhiên dưới góc nhìn của ông Ashok Sud, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered (khu vực Đông Nam Á) thì đây là một điều bình thường.

Bên lề Hội nghị Thị trường vốn và Tài chính Việt Nam 2008 khai mạc sáng 23/1, ông Ashok Sud đã chia sẻ với báo giới như vậy.

Theo ông Ashok Sud: Thị trường châu Á và thế giới nói chung đều có những diễn biến phức tạp, rất tiêu cực, chẳng hạn như thị trường Srilanca gần đây đã giảm 5% trong 2 hôm liên tiếp, các thị trường khác cũng giảm từ 5-7%, trong khi thị trường Việt Nam giảm cứ cho là 20% đi nhưng trong vòng 2 tháng.

Nếu so những yếu tố này với nhau và trong một điều kiện chung như vậy, tôi cho rằng, diễn biến của thị trường Việt Nam cũng không có gì quá khác biệt.

Trong vòng 5-6 năm vừa qua, châu Á đã được hưởng một sự ổn định về tài chính, tương đối êm ả, nhưng tôi nghĩ rằng, với cuộc khủng hoảng bùng phát từ nước Mỹ, trong vòng 6 - 8 tháng tới, chúng ta sẽ còn nhìn thấy nhiều sự trồi sụt của các chỉ số tài chính và sẽ có ảnh hưởng khá rộng đến những chỉ số chứng khoán ở châu Á, cũng như Vn-Index.

Vậy theo ông, trong thời gian tới, Vn-Index sẽ như thế nào?

Nếu tôi biết được các chỉ số lên, xuống như thế nào thì tôi đã rất giàu rồi. Chỉ số chỉ phản ánh tâm lý của thị trường tại thời điểm đó, cái mà tôi quan tâm hơn là những quy định về quản trị doanh nghiệp, cái khung để hoạt động. Đây là điều quan trọng nhất.

Giãn IPO, ban hành các biện pháp nhằm kích cầu thị trường, ông có cho rằng các cơ quan quản lý đang lúng túng trong việc ngăn chặn sự sụt giảm của Vn-Index?

Tôi nghĩ rằng, chức năng của Chính phủ không phải là đảm bảo thị trường lên hay thị trường xuống, mà là đảm bảo sân chơi bình đẳng. Đó là tạo được những quy định hợp lý và lâu dài, mang tính chất vĩ mô, chứ không phải là can thiệp thẳng vào thị trường. Một chức năng quan trọng nữa là tạo kênh để cho những nguồn vốn nhàn rỗi đến được với thị trường.

Thị trường chứng khoán “đuối sức” một phần do thiếu nguồn tiền VND, trong khi ngoại tệ lại rất nhiều. Chính sách tiền tệ Việt Nam dưới góc nhìn của ông ra sao?

Để giải quyết vấn đề này, chính sách tiền tệ dài hạn là quan trọng nhất. Một vấn đề đặc thù tại Việt Nam là nền kinh tế bị đô la hoá, ở mức độ nhiều hơn là các bạn nghĩ. Chuyện vay mượn bằng tiền đô la, theo tôi là quá dễ dàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 03 điều chỉnh tỷ lệ cho vay đối với đầu tư chứng khoán. Với tư cách là lãnh đạo một ngân hàng, ông có suy nghĩ gì?

Tôi cho rằng, cơ quan quản lý đã có một quyết định rất kịp thời và đúng đắn là hạn chế nguồn vốn từ các ngân hàng chuyển sang đầu tư chứng khoán, bởi các bạn đã thấy điều gì đã xảy ra với thị trường bất động sản thế chấp tại Mỹ.

Khi bất động sản lên, những người đi vay ở bên Mỹ kiếm được rất nhiều tiền, nhưng khi nó có vấn đề đã lan sang thị trường ngân hàng, làm chấn động cả hệ thống ngân hàng. Điều tương tự rất có thể xảy ra ở chứng khoán nếu những biện pháp không được đưa ra một cách kịp thời.

Tôi hoàn toàn ủng hộ động thái của Chính phủ trong riêng vấn đề này, bởi sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán có thể dẫn tới đổ vỡ thị trường tiền tệ, hoặc có thể dẫn tới các ngân hàng cho vay có thể phá sản.

- Xin cám ơn ông!

Theo Dân Trí