itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Nụ cười của Tổng thống Bush ở Annapolis 2007

Nụ cười của Tổng thống Bush ở Annapolis 2007

Chưa bao giờ thấy ông Bush cười tươi như mấy ngày nay. Lần cuối cùng ông sếp nước Mỹ nở nụ cười hớn hở như vậy là đầu tháng giêng năm 2001, lúc ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ nhất giữa cơn giá lạnh mùa đông của thủ đô Washington. Chẳng bao lâu sau sóng gió nổi lên, và nụ cười của ông biến mất. Thỉnh thoảng trong các cuộc họp báo ông có nói đùa, có cười, nhưng rõ ràng chỉ là những nụ cười gượng gạo.

Lần này ở phiên khai mạc hội nghị hoà bình Trung Đông diễn ra tại thủ phủ Annapolis của bang Maryland, ông Bush đã lấy lại nụ cười hớn hở đó, khi báo tin Israel và Palestine đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán hoà bình, đặt mục tiêu hoàn tất vào cuối năm tới. Thông báo đầy bất ngờ này được ông công bố với Thủ tướng Israel Ehud Olmert và Chủ tịch Palestine Mamoud Abbas đứng ở hai bên.

Dù trọng tâm của hội nghị là những tranh chấp giữa hai dân tộc Israel và Palestine, nhưng ngay chính các viên chức cao cấp Nhà Trắng đều tin thành công tại Annapolis sẽ giúp giải quyết được những trở ngại đang xảy ra ở Tehran, Beirut, Baghdad và những điểm nóng khác trong vùng Trung Đông.

Giới ngoại giao và những nhà phân tích ở Washington có một cái nhìn thực tế hơn: “Hội nghị đã giúp tạo dựng một hình ảnh hay hơn cho ông Bush đối với cộng đồng Hồi giáo. Sự kiện nhà lãnh đạo Mỹ quyết tâm giúp giải quyết những trở ngại đang xảy ra giữa hai dân tộc Israel và Palestine gây thêm thanh thế cho nước Mỹ trong cộng đồng các nước Ả Rập, đặc biệt giúp các đồng minh Ả Rập thêm vững tâm khi phải đối phó với Iran và thành phần bảo thủ cực đoan đem đến”.

Bà Tamara Cofman Wittes, chuyên gia về Trung Đông của viện Nghiên cứu Brookings nói sự kiện Iran không được mời phó hội cùng thoả thuận mới đạt được giữa Palestine và Israel “là những thành công vượt bậc của chính quyền Bush”. Theo bà, không phải chỉ có Hoa Kỳ mà ngay Israel, Jordan và các nước dự hội nghị đều coi đây là cơ hội dựng bức tường cách biệt với các tập thể quá khích Hồi giáo, bất kể đó là Hamas, Hezbollah hoặc Iran.

Việc Syria đồng ý tham dự cũng được các nhà quan sát chú ý đến, dù đại biểu của Syria chỉ ở cấp thứ trưởng ngoại giao. Ông Allen Keiswetter, cố vấn Trung Đông cho phái đoàn Hoa Kỳ ở hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhận định: “Dù quan hệ Washington và Damacus đang rất lạnh nhạt, nhưng việc Hoa Kỳ đồng ý đem chuyện Israel chiếm cao nguyên Golan ra thảo luận sẽ được Syria đánh giá cao, xem là một bước tiến mới cho quan hệ đôi bên”.

Có lẽ đó là những lý do khiến ông Bush lấy lại được nụ cười, dù ông biết vẫn còn rất nhiều khó khăn trước ngày hoà bình đến với Trung Đông. Những khó khăn đó trong lộ trình hoà bình Trung Đông có thể thấy qua việc Palestine đòi lấy đất Đông Jerusalem để làm thủ đô, trong khi người dân Israel coi thành phố này là Thánh Địa không thể chia cắt cho bất kỳ dân tộc nào, hoặc Israel đòi duy trì những khu định cư ở vùng Tây Ngạn, nơi hiện có 2,5 triệu người Palestine sinh sống.

Nhưng Tổng thống Bush vẫn cười, dù chưa hẳn đã là nụ cười mãn nguyện. Sau bảy năm ngồi ở Nhà Trắng, hơn ai hết, ông biết kiếm được nụ cười không phải dễ, và cười vui được lúc nào thì phải nắm lấy cơ hội để cười vui ngay. Chuyện ngày mai để đến… ngày mai hẵng tính

Hội nghị thượng đỉnh Annapolis 2007, Mỹ, đã kết thúc vào ngày 28.11. Sau hội nghị Annapolis lộ trình hoà bình Trung Đông sẽ bao gồm các sự kiện như: cuộc gặp ngày 12.12 giữa lãnh đạo Palestine và Israel, hội nghị tài trợ ngày 17.12 tại Paris, Pháp, hội nghị hoà bình Trung Đông tại Nga vào đầu năm 2008 và các cuộc gặp gỡ mỗi tuần hai lần giữa Tổng thống Palestine và Thủ tướng Israel.

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cùng ngày đã chỉ định tướng về hưu James Jones, 63 tuổi, cựu tư lệnh các lực lượng NATO tại châu Âu, làm đặc phái viên chịu trách nhiệm cải thiện an ninh của Palestine và thúc đẩy các cuộc đàm phán hoà bình với Israel.

Theo SGTT