itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Nỗi khắc khoải của thầy giáo già nhất Việt Nam

Nỗi khắc khoải của thầy giáo già nhất Việt Nam

Thầy giáo Bùi Văn Huyền và cuốn

“Dự biên chữ viết Việt Nam”.

89 tuổi mà vẫn còn đứng lớp, trong người lại mang căn bệnh ung thư nhưng suốt 33 năm qua, thầy giáo Bùi Văn Huyền vẫn cặm cụi với việc dạy từ thiện. Giờ, mắt thầy đã mờ, chân tay thầy đều đã run lắm rồi mỗi khi tô từng con chữ dạy cho trẻ. Dù vậy, trong lòng thầy vẫn thấp thỏm một nỗi chờ đợi không nguôi...

Thầy giáo Bùi Văn Huyền đến nay đã dạy được hơn 1.000 trẻ em và không thu bất kỳ một đồng học phí nào. Người ta biết nhiều đến thầy với các tên gọi như “người đưa đò không công ở chân núi Tản”, “Ông đồ xứ Đoài”... Thầy Huyền còn là một nhân vật được đưa vào trong sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 7.

“Tôi tiền của không có để làm từ thiện thì tôi làm từ thiện bằng việc dạy học vậy. Tôi dạy học không lấy tiền cho trẻ em nghèo từ năm 1974. Ban đầu là trẻ bình thường, rồi có trẻ bị tật nguyền. Lúc đầu là một vài cháu, sau đông dần...”. Sự nghiệp dạy học từ thiện của thầy Huyền được bắt đầu như vậy.

Lớp học mở ngay trong căn nhà 4 gian vách đất nhỏ bé nằm giữa một khu vườn tốt tươi. Chiếc bảng tự tạo được đóng trên tường hơn 30 năm qua đã ken dầy đặc bụi phấn, bàn ghế học sinh làm bằng những chiếc đòn kê và lũ học trò tập viết bằng những chiếc bút có ngòi như hình cái lá tre lách cách bên những lọ mực tím. Dụng cụ giảng dạy của ông cũng chỉ là cái thước kẻ làm bằng tre mà ở nơi tay cầm, thời gian đã gọt cho nó thành nhẵn bóng. Học trò mù chữ được ông dạy chữ và toán .

Thôn Thái Bình, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Tây có một “”ngôi trường” đặc biệt như vậy nên kể từ năm 1999, Đồng Thái đã không còn trẻ thất học.

Nhân kỷ niệm 25 ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy giáo Bùi Văn Huyền có vinh dự được góp mặt cùng 104 thầy, cô giáo đại diện cho các thế hệ nhà giáo tiêu biểu diện kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chiều 19/11.

Nhỏ bé và xanh xao trong bộ veston đã sờn bạc, trong đôi mắt đã gần loà của người thầy giáo già này vẫn ánh lên một niềm hy vọng. Chúng tôi đã nhìn thấy suốt từ lúc bắt đầu lên xe ô tô và suốt quãng đường từ cổng Bộ GD-ĐT đến Phủ Chủ tịch, đôi bàn tay gầy guộc của ông luôn giữ chặt một cuốn sách mỏng giống như một bản tiểu luận thực tập của sinh viên. Ông đã nâng niu nó như vậy vì để dành trân trọng tặng Chủ tịch nước trong vài phút tới.

Trong quãng thời gian ngắn ngủi trên đường đi này, chúng tôi cũng đã “khám phá” được cuốn sách mỏng ấy. Đó là cuốn “Dự biên chữ viết Việt Nam”. Đây là một tài liệu do ông tự mày mò nghiên cứu và hoàn thành vào năm 1996 để dâng mừng Đại hội Đảng VIII.

Cuốn sách được viết lên từ kinh nghiệm dạy học tiểu học và thầy Huyền đã dành rất nhiều tâm huyết và công sức vào “công trình” này. “Dự biên chữ viết Việt Nam” được viết đi viết lại tới 3 lần. Cuốn tài liệu này đã nêu lên 10 điểm hạn chế của chữ Quốc ngữ như cách gieo vần, ghép từ.

Theo “Dự biên chữ viết Việt Nam”, bảng chữ cái tiếng Việt sẽ có 30 chữ, gồm 12 nguyên âm, 18 phụ âm đơn, 8 phụ âm ghép và 5 dấu giọng. Công trình của thầy đã thống kê các cách ghép chữ. Những chữ nào có thể ghép được với nhau, chữ nào không.

“Dự biên chữ viết Việt Nam” đã được Ban Khoa giáo khi ấy đánh giá là một công trình khoa học. Cũng ngay trong năm 1996, Bộ GD-ĐT cho xe về tận làng đón thầy xuống về Hà Nội để dự Hội thảo “Đại biểu tiêu biểu toàn quốc các thế hệ nhà giáo Việt Nam”.

Năm 2001, bà Đặng Huỳnh Mai - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lúc đó sau khi đọc xong công trình của thầy đã đích thân thăm và đón thầy đi Hà Nội nhận Huy chương vì sự nghiệp khuyến học.

Nhưng sau tất cả những ồn ào như vậy, cuốn sách gần như bị chìm vào lãng quên và chỉ để lại những nỗi buồn vời vợi cho người thầy giáo già. 7 năm đã qua đi trong khắc khoải và chờ đợi. Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai giờ đã nghỉ hưu nhưng bút tích của bà Mai trên cuốn sách này vẫn còn làm thầy Bùi Văn Huyền day dứt không nguôi: “Tài liệu thì quý đấy nhưng chúng ta đã trên con đường mòn rồi thì cứ đi đã!”

Bao giờ thì “con đường mòn” này đến đích? Không biết thầy Huyền có còn đợi được không?

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhận cuốn sách đó và cho biết sẽ giao lại cho Bộ GD-ĐT.

Thầy Bùi Văn Huyền thực sự đã vừa trải qua những ngày 20/11 tràn ngập hoa và có lẽ chưa 20/11 nào thầy vui như năm nay, dù khi rời Phủ Chủ tịch, trong lòng của người thầy giáo già nhất Việt Nam này vẫn còn nhiều lắm những nỗi niềm khắc khoải...

Mai Minh (Theo Dân Trí)