itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Nữ nhi mà chẳng ...thường tình

Nữ nhi mà chẳng ...thường tình

Hiếm ai biết người giữ tay hòm chìa khóa của kinh tế thế giới - nữ tổng giám đốc đầu tiên của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) - lại từng hai lần trượt vỏ chuối khi nộp đơn vào Học viện Hành chính Quốc gia Pháp.

Bà Christine Lagarde hơi trễ một chút so với giờ hẹn. Trợ lý của bà nói bà đang làm việc với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong điện Élysée. Khi bà đến văn phòng, nơi hẹn gặp nhà báo, ngay lập tức, uy lực của bà được người đối diện cảm nhận rõ. Khi người ta gọi ai đó là một ngôi sao, đôi khi người ta hàm ý trong đó có sự quyến rũ.

Đời thường của người đàn bà thép

Bà Lagarde trông rất có nét. Bà mặc bộ cánh màu bột yến mạch, áo cánh trắng, hoa tai lủng lẳng và đeo túi Kelly của hãng Hermès. Bộ quần áo hợp với mái tóc màu bạc và nụ cười của bà, trông trẻ hơn so với tuổi 55 của bà. Bà sinh tại quận 9 (Paris, Pháp), tên con gái là Christine Madeleine Odette Lallouette. Bà lớn lên trong một gia đình Thiên Chúa giáo mộ đạo. Thời còn đi học, bà tham gia đội nữ hướng đạo sinh, là thành viên của đội bơi đồng diễn giành chức vô địch quốc gia Pháp năm 1973.

Bà là luật sư công ty nhưng chưa bao giờ là một nhà kinh tế và theo sự miêu tả của chính bà thì bà không giỏi toán. Bà kết hôn hai lần, cả hai lần đều ly dị và có hai con trai, một 23 tuổi và một 25 tuổi. “Không, tôi không phải là “Mẹ Hổ” (cách chơi chữ dựa vào tên cuốn sách Chiến ca của Mẹ Hổ của tác giả người Mỹ gốc Hoa Amy Chua với quan điểm dạy con cái nghiêm khắc để chúng thành công theo ý muốn của cha mẹ). Tôi sẽ không có thời gian. Tuy nhiên, làm hổ mẹ cũng không ích gì. Ví dụ, khi con trai tôi, đứa bây giờ theo nghề âm ​​nhạc đấy, 15 tuổi, nó đòi tôi sắm cho nó đàn guitar và tự học đàn. Nhưng năm nó lên bảy, tôi muốn nó chơi piano và tôi bắt nó thực hành đến khi nào có kết quả mới thôi, nó không thích và không chịu tập tiếp” - bà tâm sự.

Người bạn đời hiện nay của bà là ông Xavier Giocanti, một doanh nhân gốc đảo Corse mà bà gặp gỡ lần đầu năm 20 tuổi ở trường luật, hiện kinh doanh ở TP Marseilles, bà chỉ nói thế và lưu ý rằng ông không đến Washington ở với bà. “Ông ấy hứa mỗi tháng sẽ dành cho tôi một tuần” - bà nói. “Nói thật, với tôi thế là tốt rồi. Tôi bận rộn như thế đấy, thành ra sẽ dễ dàng hơn cho tôi khi tôi không phải lo lắng về người khác hoặc tranh luận sẽ ăn tối món gì, hay ai sẽ đem rác đi đổ”.

Cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, bà Christine Lagarde đã hình thành nên một bộ tứ nổi bật của giới quyền lực nữ của thế giới. Đối với họ, sự rực rỡ và năng lực là điều kiện tiên quyết nhưng người ta còn cảm thấy yên tâm khi nhận ra ở bà Lagarde sự tự nhiên, cởi mở và nữ tính tuyệt đối.

Ngoài chuyện về kinh tế và chính trị, bà Lagarde sẵn sàng chia sẻ bí mật rất phụ nữ của mình: “Vâng, đó là số một, tôi may mắn là cơ thể không thay đổi nhiều. Tôi có ba chỗ chính để sắm quần áo: Bắt đầu là nơi cao cấp nhất, Chanel. Có một người phụ nữ đáng yêu, cô Geraldine, người biết được thị hiếu và túi tiền của tôi cũng như những thứ phù hợp với tôi; tôi gọi cho cô ấy và nói rằng bạn có thể lựa ra một vài thứ và cô ấy chuẩn bị đâu ra đó để tôi xem. Tiếp đó có Lisa tại Ventilo, một nhãn hiệu quần áo dễ thương của Pháp. Và cuối cùng là hãng Austin Reed của Anh; họ làm ra những bộ cánh tuyệt vời, những bộ quần áo cho doanh nhân, vừa vặn và thích hợp để đi máy bay”.

“Ví đây đổi phận làm trai được…”

Hầu hết chính trị gia Pháp là nam giới và nhiều người trong số họ, cả tả khuynh lẫn hữu khuynh, là thành viên của Hội Cựu học viên Học viện Hành chính Quốc gia Pháp (ENA), nơi đào tạo công chức nổi tiếng. Bà Lagarde từng hai lần “nộp đơn” vào đây nhưng cả hai lần đều bị… trượt.

Tài chính toàn cầu cũng là lĩnh vực của đàn ông, có điều người ta cho rằng họ đã và đang tạo ra một mớ lộn xộn. Trong khi từ năm 2007, ở cương vị bộ trưởng Tài chính, bà Lagarde đã đưa nước Pháp - giữa cuộc khủng hoảng tài chính thế giới - vào hoàn cảnh tốt hơn so với hầu hết các nền kinh tế khác.

Tuy vậy, không ít người lại tỏ ra chẳng mấy tin tưởng vào khả năng giữ tay hòm chìa khóa cho nền kinh tế thế giới của một phụ nữ như bà.

Paul Krugman, nhà kinh tế Mỹ từng đoạt giải Nobel - viết trên blog của tờ New York Times rằng: “Theo những thông tin thu thập được, bà ấy nghiêm túc, có trách nhiệm và sáng suốt. Nhưng tất nhiên, đó chính là điều tôi lấy làm lo lắng. Vì chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà ở đó, sự thận trọng thông thường là dại dột, đức hạnh theo thói thường là không ra gì”.

GS chính trị học Philippe Marlière của Trường ĐH Luân Đôn cho rằng bà Lagarde là một người Pháp khó hiểu nhưng chính thống một cách rõ ràng trước những sự lựa chọn về kinh tế; việc bổ nhiệm bà ấy báo hiệu sự trở lại của chính sách kiểm tra sự lưu thông tiền tệ để ổn định kinh tế theo phong cách sách giáo khoa và rằng ông - cũng như ông Krugman - có vẻ xem cách làm việc đó rốt cuộc chẳng có ích lợi gì và có thể có hại. Tổng thống Nicolas Sarkozy, sếp của bà trước đây, tỏ ra dè dặt hơn khi lúc đầu chỉ nói mơ hồ rằng bà “có nhiều phẩm chất” và một “tính cách có thể đoán định được”.

Các đảng viên Xã hội Pháp, muốn vị giám đốc tiếp theo của IMF là “người của mình” và vì vậy không hoàn toàn hài lòng với việc người ta chọn bộ trưởng Tài chính của ông Sarkozy vào vị trí này. Chính trị gia Laurent Fabius chế nhạo bà Lagarde “thanh lịch”, tờ Libération ở Paris giải thích rằng “bà ấy là một người tầng lớp trên xuất thân từ dân thường và chú tâm vào cái nhìn của bà nhiều hơn sự thịnh vượng của họ”. Bên cạnh đó, một số người châu Âu quy bà “là người Mỹ” với hàm ý không hề là một lời khen.

Nghênh diện thế gian

Vẻ đáng mến của bà Lagarde sẽ phần nào giảm bớt công việc khó khăn mà bà đang đương đầu. Nhưng tờ báo Pháp Le Figaro nhận xét ​​sau khi được bổ nhiệm vào ngày 3-7, bà đã “đem” rất nhiều sự thanh lịch, sự bặt thiệp và kiên quyết - khả năng đặc thù của một luật sư - của mình để giải quyết những vấn đề toàn cầu do sự thâm hụt của Mỹ gây ra.

Do, hoặc bất chấp, những nét đức tính theo thói thường của bà, bà được bầu vào ban quản trị toàn nam của IMF và ngay lập tức bà chuyển đến Georgetown, tự tìm chỗ ở trong khu cho thuê để tự ổn định đặng làm việc. Bà đã coi ngó hoạt động của IMF, trước cả khi tổ chức này bị rung chuyển bởi các vụ bê bối của Strauss-Kahn và tự ném mình vào một chiến dịch marathon để giành chiến thắng cho vị trí hiện nay.

Nói về quá trình thuyết phục Mỹ và đặc biệt là các nước đang phát triển rằng IMF sẽ không phải là một thái ấp của châu Âu hay của Mỹ, bà Lagarde mô tả: “Hãy hình dung một căn phòng với 24 người đàn ông và bạn là người phụ nữ duy nhất. Ngày đầu tiên, tôi phải gặp riêng từng người trong số họ, 20 phút cho mỗi người và sau đó chỉ còn 5 phút. Đó là một ngày dài. Rồi hôm sau, cả 24 người, cái “câu lạc bộ” toàn đàn ông ấy, “tra tấn” tôi. Ở tuổi 55, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi phải trải qua cái tình huống như khi đi phỏng vấn xin việc lần đầu tiên hồi tuổi 20”.

Nhưng bà là một người ấn tượng. Bà phải gây được ấn tượng ở các đồng nghiệp nam của bà ở IMF cũng như ở Công ty luật Baker Mỹ & Mc Kenzie, nơi bà đã vượt qua “cái ngưỡng” địa vị ở Paris và Chicago để trở thành giám đốc nữ đầu tiên vào năm 1999.

Việc bà nói tiếng Anh như gió và nằm lòng những vấn đề nước Mỹ khiến người ta có ấn tượng bà từng sống ở Mỹ một thời gian dài, dù thực tế bà chỉ sống ở đó có bảy năm. Sau khi lấy bằng cử nhân tiếng Pháp, bà đến ở Washington DC một năm vào những năm đầu thập niên 1970. Nơi đây bà là sinh viên được cấp học bổng theo học chuyên ngành dịch vụ công của Mỹ tại Trường Holton-Arms sang trọng, tọa lạc ở Bethesda, bang Maryland. Năm 2005, bà được bổ nhiệm bộ trưởng trong chính phủ Pháp, người ta có cảm giác bà am hiểu nước Mỹ hơn so với hầu hết các đồng nghiệp của bà.

Việc trở thành nữ bộ trưởng tài chính đầu tiên của một nền kinh tế lớn của thế giới là một niềm hạnh phúc lớn đối với bà Christine Lagarde, bởi giới truyền thông chủ yếu quan tâm đến tài năng bơi đồng diễn của bà. Đây là một cách nói hàm ý. Các nhà báo có một số bức ảnh vui chụp cảnh bà nhào lộn trong hồ bơi, bôi thứ son môi không thấm nước và mang kẹp mũi. Bà nói đùa rằng thể thao đã dạy cho bà một kỹ năng chính trị hữu ích: Nghiến răng lại và cười.

KHIẾT ĐAM/ PLTP.HCM