itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Những “người bạn” tỷ phú của ông Obama

Những “người bạn” tỷ phú của ông Obama

Tổng thống Barack Obama trong cuộc gặp với một số đại diện doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ, hôm 28/1 tại Nhà Trắng - Ảnh: Getty Images.

Từ khi ra tranh cử ghế thượng nghị sỹ vào năm 2004 tới khi trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng, tân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có 10 nhân vật tỷ phú đóng vai trò cố vấn và hỗ trợ tài chính cho ông.

Mặc dù phần lớn nguồn tài chính cho quá trình tranh cử tổng thống của ông Obama là những khoản đóng góp nhỏ bé 5 USD từ những người dân thường của nước Mỹ, những “người bạn” tỷ phú này đã đóng một phần quan trọng trong việc đưa ra những lời khuyên về kinh tế và chính trị, cũng như giúp huy động cho ông một nguồn tiền lớn.
Do tiền tài trợ tranh cử tổng thống được hạn chế ở mức 2.300 USD mỗi nhà tài trợ, và các khoản tài trợ cho ủy ban chịu trách nhiệm về lễ nhậm chức giới hạn ở mức 50.000 USD mỗi nhà tài trợ, phần lớn các tỷ phú giúp ông Obama qua con đường huy động tài trợ từ gia đình, bạn bè và đối tác.
Chủ tịch ủy ban tài chính của ông Obama trong chiến dịch tranh cử là bà Penny Pritzker, thành viên của gia đình Pritzker nổi tiếng ở Chicago. Gia đình này có tới 11 thành viên góp mặt trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ, với tổng tài sản 21,6 tỷ USD. Bản thân bà Penny cũng có mặt trong danh sách này.
Tới ngày 24/11/2008, chiến dịch tranh cử của ông Obama đã huy động được số tiền kỷ lục 742 triệu USD. Bà Pritzker vì thế được giới quan sát xem là một ứng cử viên tiềm tàng cho ghế bộ trưởng bộ thương mại cho tới khi bà rút lui khỏi vị trí đề cử này vào cuối năm ngoái.
Trong năm 2008, bà đã huy động cho chiến dịch tranh cử của ông Obama số tiền 178.782 USD. Tới trước ngày nhậm chức của ông Obama hôm 20/1 vừa qua, bà cũng đã huy động được cho buổi lễ này số tiền 300.000 USD.
CEO Eric Schmidt của “người khổng lồ” tìm kiếm trực tuyến Google thì đóng vai trò cố vấn công nghệ trong quá trình chuyển giao quyền lực cho ông Obama. Vị CEO này và người đồng sáng lập Google Larry Page đã đóng góp 25.000 USD mỗi người cho lễ nhậm chức của ông Obama.
Không chịu lép vế trước đối thủ Google, người sáng lập Bill Gates của “đại gia” phần mềm Microsoft và CEO của hãng này Steve Ballmer cũng đóng góp cho lễ nhậm chức của tân Tổng thống 50.000 USD mỗi người. Vợ Bill Gates, bà Melinda Gates, cũng ủng hộ 50.000 USD cho ngày lễ trọng đại này.
Thế giới giải trí cũng dành cho ông Obama sự ủng hộ lớn. Đạo diễn lừng danh của Hollywood Steven Spielberg, người đồng sáng lập David Geffen của hãng phim Dreamworks, đạo diễn George Lucas của bộ phim "Chiến tranh giữa các vì sao"… đều nằm trong danh sách các nhà tài trợ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ thứ 44.
Geffen là một trong những gương mặt của kinh đô điện ảnh Hollywood đi đầu trong chiến dịch ủng hộ ông Obama. Đầu năm 2007, Geffen đã tuyên bố ủng hộ ông Obama trong khi nhiều người ở Hollywood còn ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton.
Có nguồn tin cho hay, cùng với đạo diễn Spielberg và người đồng sáng lập Jeffrey Katzenberg của hãng Dreamworks, ông Geffen đã huy động khoảng 1,3 triệu USD cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Obama.
Về phần mình, đạo diễn George Lucas đã ủng hộ 2.300 USD cho chiến dịch tranh cử và 50.000 USD cho buổi lễ nhậm chức của ông Obama.
Tất nhiên, các tỷ phú trong giới tài chính cũng không nằm ngoài danh sách những “người bạn” giàu có của ông Obama. Nhà tài chính Ken Griffin đứng đầu quỹ đầu cơ Citadel, tỷ phú George Soros và cả nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đều dành cho ông Obama sự ủng hộ lớn.
Các tỷ phú này đều dành cho chiến dịch tranh cử và lễ nhậm chức của ông Obama số tiền tài trợ tối đa. Tỷ phú Griffin còn huy động cho chiến dịch tranh cử của ông Obama tổng số 228.800 USD.
Trong nhiều bài diễn thuyết tranh cử của mình, ông Obama vẫn luôn nhắc tới sự ủng hộ của tỷ phú giàu thứ hai nước Mỹ năm 2008 theo xếp hạng của Forbes, tỷ phú Buffett, dành cho ông. Chính tỷ phú này đã được xem là một trong những ứng cử viên tiềm năng cho ghế bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông cũng là một thành viên trong ban cố vấn kinh tế trong thời kỳ chuyển giao quyền lực cho ông Obama.
Trong quá trình tranh cử, ông Obama đã cam kết với các cử tri rằng, giới doanh nghiệp sẽ không thể gây ảnh hưởng trong quá trình hoạch định chính sách của ông. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn đặt câu hỏi, với nhiều “người bạn” giàu có như vậy, liệu ông Obama có thực hiện được lời hứa của mình?
Kiều Oanh (Theo Forbes)