itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Độc giả của tôi cần tiếng cười hơn nước mắt

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Độc giả của tôi cần tiếng cười hơn nước mắt

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Kết thúc cuộc thi Bình chọn những quyển sách hay lần I - 2007 do Báo Người Lao Động tổ chức, tác phẩm Tôi là Bêtô (NXB Trẻ, 2007) của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được bạn đọc bầu chọn là quyển sách hay nhất trong năm

. Phóng viên: Anh có điều gì muốn chia sẻ với độc giả nhân dịp tập truyện Tôi là Bêtô được đứng đầu danh sách bình chọn lần này?

- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Những gì cần chia sẻ với độc giả, tôi đã gửi gắm trong từng trang viết của cuốn Tôi là Bêtô rồi. Ở đây, tôi chỉ muốn nói thêm: Tôi luôn quan niệm đích đến cuối cùng của nhà văn bao giờ cũng là độc giả, vì vậy tình cảm mà bạn đọc dành cho Tôi là Bêtô là một khích lệ tinh thần vô cùng lớn lao đối với tôi.

. Với thành công này, anh có dự định viết tiếp Tôi là Bêtô phần 2 (như bộ truyện Kính vạn hoa)?

- Trước nay, bạn đọc từng yêu cầu tôi viết tiếp nhiều tác phẩm. Trong một số trường hợp, tôi đã xiêu lòng. Bồ câu không đưa thư và Buổi chiều Windows là phần tiếp theo của Nữ sinh, cũng như Những cô em gái là phần tiếp theo của Hoa hồng xứ khác. Ngay cả tác phẩm tôi không nghĩ tôi sẽ viết tiếp là bộ truyện Kính vạn hoa, thế mà sau 5 năm kết thúc, vì nhiều lý do tôi đã cầm bút lên. Nhưng cũng có những tác phẩm tôi tin chắc tôi sẽ không bao giờ viết tiếp dù có nhiều người yêu cầu: Ngôi trường mọi khi và Tôi là Bêtô là những ví dụ. Với tôi, viết tiếp hay không viết tiếp một tác phẩm không phải vì nó thành công hay không, mà vì có những tác phẩm tồn tại như một kỷ niệm, không nên đụng chạm tới (mà kỷ niệm dang dở thường là kỷ niệm đẹp). Với những tác phẩm đó, viết tiếp dù có hay hơn cũng là một cách làm hỏng nó, theo một nghĩa nào đó.

. Anh có dự định sẽ chuyển thể tác phẩm Tôi là Bêtô và cả Chuyện xứ Lang Biang thành kịch bản phim truyền hình?

- Hiện nay đã có một số hãng phim đề nghị chuyển thể bộ truyện Chuyện xứ Lang Biang thành phim, nhưng tôi chưa có thời gian. Hơn nữa, tôi cũng hơi ngần ngừ vì đây là bộ truyện dính líu đến pháp thuật, tôi e rằng khâu kỹ xảo của điện ảnh nước ta (cả kỹ thuật lẫn kinh phí thực hiện) không kham nổi, đặc biệt khi phải thiết kế các mô hình phức tạp và có kích thước lớn. Riêng tác phẩm Tôi là Bêtô, tôi nghĩ rằng nếu dựng thành phim hoạt hình thì khả thi hơn.

. Nhiều người cho rằng nhà văn viết bằng ký ức thì dễ dàng hơn là viết đuổi theo thời cuộc. Anh nghĩ sao?

- “Ký ức” thực ra là một cách nói khác của khái niệm “kinh nghiệm sống”. Không phải điều gì xảy ra trong cuộc đời mỗi con người cũng đều trở thành ký ức. Tâm trí chúng ta luôn sàng lọc và chỉ lưu giữ lại những gì có ý nghĩa. “Kinh nghiệm sống”, đó là tài nguyên của nhà văn, bởi mọi nhà văn đều viết bằng sự trải nghiệm cá nhân. Trên đại thể, về phương diện chất liệu, nhà văn này chỉ khác nhà văn kia ở chỗ anh huy động ký ức nào, chọn kinh nghiệm nào để phục vụ cho đề tài nào. Với một số nhà văn, như Nguyễn Khải chẳng hạn, yếu tố thời cuộc chỉ là bề nổi của tác phẩm, nó chỉ là chiếc đinh để ông treo lên chiếc áo suy tư.

. Viết khá nhiều tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng độc giả, vậy anh có nghĩ về một khái niệm to tát hơn là “một tác phẩm để đời”?

- Viết một tác phẩm để đời là một ý định tốt đẹp. Tôi cho đó là tham vọng chính đáng của mọi nhà văn. Nhưng giữa ý muốn “viết tác phẩm để đời” với thực tế “đời có cho anh để hay không” là hai chuyện hoàn toàn khác nhau và thường ít khi gặp nhau. Nhà văn thường rất chủ quan, người ta vẫn nói “văn mình vợ người” đó thôi, trong khi thành tựu văn chương xưa nay thường nằm ngoài ý chí của con người.

. Đã bỏ qua khá xa cái tuổi mới lớn, nhưng người ta vẫn nhắc đến anh bằng danh hiệu nhà văn của tuổi mới lớn. Anh có nghĩ đến, và thấy cần một sự thay đổi nào hay không?

- Tôi nghĩ là không. Thậm chí tôi nghĩ nước ta cần nhiều hơn nữa những nhà văn viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn. Đã có nhiều sách viết cho người lớn ra đời hằng năm. Tôi nghĩ hiện nay trẻ em cần tôi hơn. Tôi không biết chắc có một lúc nào đó tôi sẽ viết truyện cho người lớn hay không, nhưng nếu điều đó xảy ra là do sự thôi thúc sáng tạo bên trong. Người phương Tây nói: “Ôm nhiều thì ôm không chặt”. Nên tôi không muốn thử “ôm” thêm một kiểu viết nữa. Hơn nữa, tôi vẫn tin rằng độc giả của tôi cần tiếng cười hơn nước mắt. Cuộc sống vốn đã có sẵn lo toan, vất vả, đau buồn phiền muộn, sinh ly tử biệt rồi. Người muốn khóc đâu cần tới văn chương.

. Đúng là trong những tác phẩm của anh, người đọc luôn tìm thấy sự vui tươi, hóm hỉnh. Vậy anh thả nỗi buồn của riêng mình vào đâu?

- Tôi thả nỗi buồn vào thơ: “Sông chưa kịp lớn. Hoa lau đã già. Lòng như chợ vãn. Vắng chân người qua… Gặp em bữa nọ. Tóc xõa ngang mày. Hồn ta lá đỏ. Về thức bên cây. Từ xa ta thấy. Mây thời gian bay...”.

Theo Người Lao Động