itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Ông chủ sòng bạc số một thế giới

Ông chủ sòng bạc số một thế giới

Sheldon Adelson, người giàu thứ ba

nước Mỹ hiện nay.

Chủ tịch hãng phần mềm Microsoft Bill Gates và ông trùm đầu tư Warren Buffett, hai người nắm giữ vị trí thứ nhất và thứ hai trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ, đã quá nổi tiếng khắp thế giới.

Bản thân người giàu thứ ba nước Mỹ không được nhắc đến nhiều như hai nhân vật này và không phải ai cũng biết rằng, ông là chủ của những sòng bạc hàng đầu thế giới hiện nay. Ông là Sheldon Adelson.

Năm nay 74 tuổi, Adelson hiện nắm giữ cổ phần trị giá khoảng 20 tỷ USD tại Las Vegas Sands, tập đoàn điều hành tổ hợp khách sạn, khu nghỉ mát và sòng bạc Venetian tọa lạc tại trung tâm bài bạc lừng danh Las Vegas. Ngoài ra, tập đoàn này còn là hãng mẹ của hai sòng bạc khổng lồ nữa tại Macao, nơi cách đây không lâu đã vượt Las Vegas để trở thành “thủ đô bài bạc” của thế giới nhờ sự ra đời của chính hai sòng bạc này.

”Nhà giàu” mới nổi

Mới đây, Las Vegas Sands còn đầu tư xây dựng một tòa tháp mang tên Palazzo trong tổ hợp Venetian tại Las Vegas, nâng con số phòng khách sạn tại đây lên con số 7.200 phòng, đưa nơi này thành tổ hợp khách sạn lớn nhất thế giới.
Là ông chủ của những công trình lừng danh như vậy, tại sao Adelson lại ít tiếng tăm? Có thể đó là do ông là một “nhà giàu” mới nổi. Tập đoàn Las Vegas Sands mới được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ vào tháng 12/2004 và chỉ 2 năm sau đó, tài sản của Adelson đã tăng thêm tới 17,5 tỷ USD.

Giới quan sát cho biết, trong lịch sử, chưa có ai lại giàu lên với tốc độ nhanh chóng như ông. Tính ra, mỗi giờ ông kiếm được trên dưới 1 triệu USD và cứ tốc độ này, có lẽ viễn cảnh ông vượt Bill Gates để trở thành người giàu nhất nước Mỹ còn cách không xa, mặc dù, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm trong thời gian qua đã khiến tài sản của ông “bay hơi” mất 15 tỷ USD. Năm 2007, ông được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu thứ 6 trên thế giới.

Adelson cũng được mệnh danh là người Mỹ kiếm được nhiều tiền nhất tại Trung Quốc nhờ hoạt động kinh doanh sòng bạc và là nhà tại trợ lớn nhất cho các hoạt động của Đảng Dân chủ của Mỹ.

Những người thân cận với Adelson đều có chung nhận xét rằng, ông là một doanh nhân xuất sắc, nhưng rất nóng tính, hay cáu bẳn và chặt chẽ quá mức cần thiết. Tính cách này một phần có thể là do ông đã trải qua một thời thơ ấu cơ cực tại khu ổ chuột của người Do Thái ở Boston, nơi gia đình ông sống nhờ vào đồng lương còm cõi của người cha làm nghề lái xe. Một người bạn của ông từ hồi còn học tiểu học cho biết, thời đó, ai có 3 USD trong túi đã được coi là giàu có. Vây mà hiện nay, nhiều trong số những người bạn thuở hàn vi đó đã là ông chủ của những ngôi nhà sang trọng ở Las Vegas hay Malibu và thậm chí có cả máy bay Boeing.

Adelson bắt đầu đời kinh doanh của mình bằng nghề bán báo, sau đó, có một thời gian ngắn ông tham gia vào hoạt động môi giới cho vay cầm cố. Cũng giống như Bill Gates, Adelson cũng là một người bỏ học đại học giữa chừng. Tới những năm 1960, ông cùng với hai người bạn nữa mở một công ty du lịch. Công việc làm ăn cũng không đến nỗi nào nhưng tới thập niên 1980, ông quyết định xoay sang tổ chức một triển lãm thương mại dành cho các sản phẩm máy tính cao cấp.
Chắc chắn không phải niềm đam mê công nghệ đã thúc đẩy Adelson chuyển sang lĩnh vực mới này, vì nhiều người bạn thân của Adelson cho biết, đến tận bây giờ, họ vẫn không dám chắc là ông biết sử dụng máy vi tính. Ban đầu, mọi việc chỉ đơn giản là, Adelson phát hiện ra một địa điểm tổ chức sự kiện được bán với giá quá “bèo”.

Trong đầu, ông nhẩm tính sẽ thuê lại khu vực này với giá 0,25 USD mỗi foot vuông và cho thuê lại với mức giá cao gấp 100 lần là 25 USD mỗi foot vuông, hoặc thậm chí còn cao hơn. Vậy là triển lãm máy tính cao cấp mang tên Comdex ra đời vào năm 1987 và được tổ chức liên tục vào tháng 11 hàng năm tại Las Vegas.

Với công việc làm ăn diễn ra “xuôi chèo mát mái”, Adelson và một số người bạn hùn vốn để mua lại khách sạn và sòng bạc mang thương hiệu Sands của tập đoàn Kirk Kerkorian với giá 128 triệu USD. Lúc đầu, ông bị hấp dẫn bởi ý nghĩ rằng, Sands có đủ diện tích đất đủ lớn để ông đầu tư xây dựng một trung tâm tổ chức sự kiện. Nhưng chính việc mua lại Sands đã vô tình kéo ông vào lĩnh vực kinh doanh sòng bạc - lĩnh vực đưa ông lên vị trí giàu thứ ba nước Mỹ như ngày hôm nay.

Cuối thập niên 1990, Adelson hoàn thành công trình trung tâm triển lãm và tổ chức sự kiện Sands và công trình này ngay lập tức trở thành trung tâm tổ chức sự kiện thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất nước Mỹ.

Năm 1995, Adelson bán lại Comdex cho ngân hàng Softbank của Nhật Bản với giá 862 triệu USD, trong đó phần của ông là hơn 500 triệu USD. Năm đó, ông và nhiều đồng sự làm ăn đều đã ở độ tuổi trên 60 tuổi và nhiều người trong số họ bắt đầu chuyển sang nghỉ ngơi. Nhưng Adelson thì khác, ông thậm chí còn lao vào những vụ làm ăn lớn hơn. Đến năm 1999, cùng với số tiền bán Comdex, ông vay mượn thêm hàng trăm triệu USD nữa rồi cho phá hủy toàn bộ trung tâm tổ chức sự kiện Sands để xây nên tổ hợp sòng bạc và khách sạn Venetian với trị giá 1,5 tỷ USD.

Ông chủ khó tính

Với Venetian, Adelson phá vỡ những quy tắc cơ bản trong thiết kế của một sòng bạc. Các sòng bạc từ trước đến nay vẫn thường hướng du khách dành thời gian cho khu vực đánh bài bằng cách cung cấp ít tiện nghi nhưng Adelson lại xây dựng một tòa nhà hướng tới việc tổ chức sự kiện hơn là tập trung vào sòng bạc. Với quan điểm này, bên trong Venetian có những quán bar nhỏ và máy fax ngay trong mỗi phòng dành cho khách.

Cách bài trí này khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng thành công của Venetian. Tuy nhiên, hiện Venetian hiện chính là tổ hợp khách sạn và sòng bạc có mức lợi nhuận cao thứ hai ở Las Vegas, chỉ sau Bellagio, mặc dù, bộ phận sòng bạc chỉ đóng góp có 1/3 doanh thu cho tổ hợp này. Ai cũng phải công nhận rằng, Adelson cho cả thế giới thấy, đến Las Vegas không có nghĩa là chỉ để đánh bạc.

Ở Las Vegas, Adelson nổi tiếng là một người “khó tính”. Những người làm việc dưới quyền Andelson thường bị ám ảnh bởi tiếng quát của ông. Thỉnh thoảng, ông lại lên cơn thịnh nộ và nhằm vào một nhân viên cụ thể nào đó. Tuy nhiên, ông thường xuyên dùng biện pháp quát tháo để điều hành công việc. Đây là cách khiến ông trở thành một ông chủ đầy uy quyền và có những đòi hỏi cao, mà chính những điều này lại giúp ông trở nên giàu có.

Ông còn thường xuyên là tâm điểm của sự chú ý “nhờ” những vụ va chạm và kiện tụng. Người ta vẫn hay nhắc tới vụ ông phản đối các đầu bếp ở Las Vegas đứng đình công bên ngoài lối đi trước Venetian. Ông đã kiện họ lên tận Tòa án Tối cao của Mỹ và đã bị thua kiện. Vào cuối những năm 1990, ông còn phát đi vô số đơn kiện nhằm vào các nhà thầu tham gia vào dự án xây dựng trung tâm triển lãm Sands. Ngoài ra, đến cả công ty điện lực địa phương ở đây cũng bị ông kiện vì ông cho rằng, đúng ra công ty này phải dọn sạch các cột điện trên khu vực dự án của ông.

Người ta cũng hay nhắc tới mối thù truyền kiếp giữa ông với ông trùm Stephen Wynn, chủ của các sòng bạc Mirage và Bellagio cũng như nhiều địa chỉ lớn khác ở Las Vegas. Hai “đại gia” này tranh chấp nhau đủ mọi thứ, từ tiếng động của những ngọn núi lửa nhân tạo trước cửa Mirage tới kích thước bãi đỗ xe của Venetian.

Và giờ đây, cuộc chiến giữa hai nhân vật này lại tiếp tục diễn ra trên đất Macao và có vẻ như Adelson đang vượt lên trên đối thủ lâu năm của ông. Hiện Adelson đang làm chủ hai tổ hợp sòng bạc lớn ở Macao, trong đó có một sòng bạc lớn gấp ba lần so với sòng bạc lớn nhất ở Las Vegas. Đồng thời, tập đoàn của ông cũng đang đầu tư 7 - 9 tỷ USD để xây dựng thêm 13 khách sạn nữa tại Macao và 3,6 tỷ USD để xây dựng một tổ hợp sòng bạc và khách sạn ở Singapore. Hiện Aldenson còn đang “ngắm nghía” cả thị trường châu Âu và tìm địa điểm để xây dựng một phiên bản mini của Las Vegas ở đó.

Kiều Oanh / VnEconomy