itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Tôi bấm chân xuống bùn mà đi

Tôi bấm chân xuống bùn mà đi

Độp. Độp. Độp. Mưa nặng hạt dần rồi nhạt nhòa trước mặt. Cô bé Huân nhanh chân bước, mười đầu ngón chân bấu chặt xuống bờ đất sình lầy trơn trượt. Nhanh để còn kịp giờ học mà rổ khoai, quả trứng cũng không bị ướt.

Gánh chữ nửa đường thì đứt

Đó là mảng ký ức trong khoảng thời gian tôi còn học tiểu học. Ngày đó ba má tôi lam lũ, vất vả để nuôi tám đứa con. Nuôi đủ ba bữa cơm một ngày còn khó, huống chi còn nuôi cho học chữ. Hằng ngày, ba đi ghe từ Long An tới Phước Kiển (Q.7, TP.HCM) đập bồ mướn. Còn má đi mua dạo trứng gà, trứng vịt lên Sài Gòn bán. Lúc về má mang theo bánh mì, kẹo đục để tôi quẩy bán trong xóm.

Hằng ngày, trước khi tôi đi học, má lụi sẵn khoai lang, khoai từ giao tôi mang theo. Tranh thủ giờ ra chơi, lúc tan trường tôi bán cho các bạn học. Tôi dạn tay dạn chân, lại lanh lẹ nên má khen tôi có khiếu buôn bán. Thỉnh thoảng má đi chợ Gò Công cũng mang về ít tai trầu để tôi đi giáp vòng xóm bán. Tiền có được, tôi mua lại trứng gà, trứng vịt cho má. Những hôm má đi bán ở chợ, tôi ẵm em theo quanh quẩn chờ em đòi bú. Đêm về, tôi châm đèn dầu, đọc chữ rót rót. Nhưng ngặt nỗi nghèo quá, ba má ép lòng khuyên tôi ở nhà chú tâm đi làm, nuôi các em. Vậy là học đến năm lớp 4 tôi nghỉ.

Tôi ham được đi hát măng non cho tới lúc lớn bằng các cô chú văn công. Nhưng mơ mộng đó chỉ có thể gói lại, đến khuya chìm trong giấc ngủ mới dám mở ra. Lớn hơn chút, tôi chỉ ước có cái sạp bán trứng thiệt lớn để không phải cắp giỏ đi bán dạo nữa.

Nghiệp với quả trứng

Đến năm tôi 16 tuổi, mẹ yên tâm giao việc buôn bán lại cho tôi. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi vào làm ở Công ty Nông sản thực phẩm tỉnh Kiên Giang. Tôi phụ trách khâu vận chuyển trứng từ các tỉnh đến các quận huyện trong thành phố, bảo đảm chất lượng 95% số lượng trứng giao về. Với 5% được cho phép hao hụt trong lúc vận chuyển đó, tôi đem bán trứng vỡ cho các bếp ăn, các tiệm làm mì sợi, làm bánh. Với 5% đó, tôi có đủ tiền nuôi gia đình và dành dụm thêm tiền mua đất. Sau đó, doanh nghiệp giải thể, tôi ra làm tư nhân. Công việc ngày càng thuận lợi, tôi mở rộng thêm mối quan hệ, nhà xưởng. Năng suất cũng theo đó mà tăng lên không ngừng.

Năm 2003, dịch cúm gia cầm tràn tới. Hàng loạt gà, vịt bị mang đi tiêu hủy. Chuồng trại trống trơn. Người tiêu dùng tránh xa các sản phẩm làm từ gia cầm. Các hộ nông dân và chủ vựa nhỏ lần lượt trắng tay. Nông dân gặp tôi ôm mặt khóc ròng. Tôi cũng khóc. Tài sản gầy dựng mấy chục năm vơi đi như đất sạt, lỗ khoảng 6 tỉ đồng. Choáng váng và tuyệt vọng, tôi ngã bệnh. Đầu năm 2004, tôi gượng dậy, đến gõ cửa Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn và Chi cục Thú y vạch lối ra. Bắt được thông tin về quy trình sục khí ozon vào công đoạn vệ sinh trứng, tôi bán liền một căn nhà để sửa sang nhà xưởng, nhập máy móc về.

Vừa mới tưởng yên ổn, năm 2005 dịch bùng phát trở lại. Những thiết bị sục ozon bị vô hiệu hóa trước các biến chứng dịch. Người em bỏ nhỏ với tôi về cách xử lý dịch cúm tiên tiến của nước ngoài. Ít học, coi qua các catalogue máy móc, tôi không hiểu gì. Tôi muốn tận mắt mình nhìn thấy sự tiên tiến, nên xách vali đi khắp các nước đã kiểm soát thành công dịch cúm gia cầm. Cuối cùng, tôi cũng tìm được công nghệ mình muốn ở đất nước Hà Lan. Tôi định gom tiền thử áp dụng thì cả gia đình đều cản. Ai cũng hoang mang lo sợ, nếu lần thử nghiệm này thất bại thì gia tài tiêu tan.

Nhưng suy đi tính lại, tôi quyết định quay trở về bán bớt nhà xưởng, vay mượn tứ phương cho đủ 30 tỉ đồng để nhập cho bằng được hệ thống mới đó. Ngày khánh thành, tôi mừng rớt nước mắt. Việc làm ăn coi như lướt qua được những đợt sóng lớn, trôi chảy đến hôm nay.

Nhìn lên đón ánh sáng

Nhưng cuộc sống không ai được hoàn toàn tròn trịa. Tôi lấy chồng năm 18 tuổi. 20 tuổi sinh con. Con trai ngoan và giỏi. Một lần, con tôi xuống Kiên Giang coi sao đợt đó hàng về ít. Em tôi chở nó vào trang trại gặp trời mưa. Đường trơn. Áo quấn vào căm xe, nó té xuống đường... Tôi mất nó. Đau đến không gượng dậy nổi. Tôi quên cả công việc, tối ngày quanh quẩn thẫn thờ trong mấy ngôi chùa. Mấy em xúm lại khuyên, vì cả nhà đang trông cậy vào tôi. Tôi sực tỉnh.

Sau này tôi sinh thêm hai đứa con nhưng không được như ý muốn của mình. Tôi rất buồn nhưng tự nghĩ phải chấp nhận thực tế để sống. Tôi đến với những người bất hạnh hơn mình. Tôi đi trại phong, trại tâm thần, trại mồ côi, tham gia các chương trình từ thiện... Tết tôi cũng đi trao quà cho người khó khăn đến 28, 29 tết. Tôi luộc từng chảo trứng đem đến cho họ. Tôi giúp họ thì ít mà họ giúp tôi có thêm nghị lực sống thì nhiều. Nỗi buồn nhờ thế cũng vơi đi phần nào. Đêm về, tôi lấy việc tập luyện cho các con dần hòa nhập với cuộc sống bình thường làm niềm vui.

Cuộc đời cứ thế trôi và tôi yên dạ mỉm cười.

HÀ THANH ghi/ Tuổi Trẻ