itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Trần Lập: Lập dị không xấu, không làm tổn hại ai!

Trần Lập: Lập dị không xấu, không làm tổn hại ai!

Bức Tường của tôi cũng có được gì đâu sau 12 năm danh tiếng? Khán giả ngày nay dành cho tương lai của chúng tôi bao nhiêu cơ hội?

Siu Black chỉ nói đùa!

Ca sĩ Siu Black khi trả lời phỏng vấn báo chí có nói rằng “Ở VN chưa có người thực sự hát được rock”. Anh thấy nhận định này thế nào?

- Tôi cho là chị ấy nói đùa thôi.

Nhưng thực tế cho thấy chưa một rocker hay một ban nhạc rock nào có đủ sức lan toả trong showbiz Việt?

- Báo chí cũng đã nói showbiz của chúng ta như cái “ao làng”. Cái “ao” ấy chưa có mấy ai tâm huyết kè bờ, khơi trong gạn đục, khơi dòng chảy mới. Showbiz của chúng ta đang ở đâu và nó có đủ tư cách đề nhìn rock với con mắt bề trên không?

Nếu “làng” showbiz mà chịu khó thay đổi cái nhìn thực sự thì hãy ngả mũ ra mà chào rock với một thái độ chân thành và cùng nhau đi lên.

Bản thân các rocker Việt phần lớn cũng chỉ tìm đến rock để thoả mãn niềm đam mê thôi, chứ mấy ai có ý định coi đó là một nghề nghiệp thực sự?

- Rất tiếc khi phải thừa nhận rằng nó đang là một sự thật không sáng sủa gì cho giới rock Việt. Những người chơi rock không thấy có tương lai nên họ chỉ chơi nhạc vì đam mê nhất thời. Họ coi nghề khác mới là sự nghiệp chính.

Tôi có thể hiểu và đồng cảm với những suy nghĩ ấy. Bởi chính Bức Tường của tôi cũng có được gì đâu sau 12 năm danh tiếng? Khán giả ngày nay dành cho tương lai của chúng tôi bao nhiêu cơ hội?

Tuy nhiên, nếu ban nhạc nào cũng mang tư tưởng là chơi nhạc chỉ để cho vui thôi, không cần tạo dựng sự nghiệp thì đúng là đáng buồn cho âm nhạc Việt Nam và chẳng có tương lai hay ho nào hết. Tụt hậu sẽ mãi mãi tụt hậu.

Lại nói về Bức Tường, có nhiều nhận xét cho rằng "Bức Tường, ban nhạc khai sáng phong trào rock ở VN nhờ vào chủ trương giảm nhẹ sự gay gắt trong tư tưởng sáng tác, viết nhiều về tình yêu trai gái, cuộc sống và giảm luôn sự cuồng nộ, dữ dội của rock để lấy khán giả”. Anh nghĩ sao về nhận xét này ?

- Tôi không đồng tình với quan điểm này, tư tưởng của Bức Tường đã quá rõ ràng, họ không thể quy chụp chúng tôi với một sự “hồn nhiên” như vậy.

Rock là sự phản ánh hiện thực, sự phơi bày cảm xúc. Mỗi người có một cuộc sống khác nhau, một quan niệm sống khác nhau. Có người khi đau đớn, khi tức giận thì gào khóc, nên âm nhạc của họ có thể mang “chất đập phá”.

Bức Tường thì khác, sự đau đớn là nội tâm hay sự cáu giận cần sự điềm tĩnh mà chỉ trút thịnh nộ vào lúc cần thiết mà thôi. Chính vì vậy âm nhạc trong sự sáng tạo của chúng tôi luôn mạch lạc và không “trưng trổ” lên gân lên cốt.

Ai cũng cần có khán giả, đó là khát khao chính đáng của người nghệ sĩ. Những kẻ xấu bụng hoặc hẹp hòi và kém hiểu biết thì đâu phân biệt nổi khái niệm “lấy khán giả” và “câu khán giả” mà đòi nhận xét chúng tôi? Bỏ qua đi.

Lập dị chẳng có gì là xấu cả!

Anh có sợ một lúc nào đó, rock Việt sẽ chỉ còn là hoài niệm?

- Rất có thể là như vậy, nếu tất cả chẳng chuyển động gì.

Nhiều người không dành thiện cảm cho rock, bởi lẽ họ thấy tên tuổi các rocker thường gắn với các scandal không hay, khán giả trẻ thì thể hiện niềm đam mê của mình với rock bằng cách ăn mặc lập dị?

- Có một nhận định sai là nhạc rock ở Việt Nam chỉ dành cho, hoặc chỉ có giới học sinh sinh viên nghe. Hơn nữa chẳng lẽ học sinh và sinh viên không đủ độ hiểu biết về rock và văn hoá của nó?

Tôi không đồng tình với thành kiến về sự ăn mặc lập dị. Lập dị chẳng xấu và chẳng làm ai bị tổn hại cả. Chúng ta nên chỉ trích lối ăn mặc kệch cỡm dở ông dở thằng, dở trai dở gái và thiếu tôn trọng xã hội mà thôi.

Còn sandal ư? Ô, scandal của giới rock và giới “không rock” bên nào nhiều hơn? Đừng chủ quan thế chứ! Sự lập dị mà người ta gán cho họ không hẳn thế đâu. Họ chỉ khác với những - người- thích - giống - nhau mà thôi! Một xã hội mà toàn người sống giống nhau, ăn mặc giống nhau, thái độ ứng xử giống nhau là xã hội của người máy chứ không phải là xã hội văn minh.

Các rocker có vẻ là những người rất cực đoan?

- Điều này chỉ đúng với một số thành phần nào đó thôi. Khách quan thì nguồn gốc của sự cực đoan ấy đi từ tình yêu rock mà ra.

Sự cực đoan ấy khó mà tránh khỏi, nhưng tôi nghĩ rồi nó sẽ bớt dần đi khi họ được đi nhiều, được gặp nhiều và được va chạm nhiều. Chứ cứ “bo bo” tư tưởng loanh quanh “bờ ao” thì không thể phát triển được đâu.

Một số rocker thường kêu ca là gặp khó khăn trong công tác kiểm duyệt của các nhà quản lý văn hóa?

- Tôi thấy nhận xét vậy là không đúng. Các sản phẩm rock chẳng có tội gì, và chẳng có ai làm khó dễ khi nó mang tư tưởng phù hợp văn hoá và đời sống người Việt, thế thôi. Đừng trách các nhà quản lý văn hoá, đừng cho là họ không biết gì mà chỉ nhăm nhe làm khó cho nghệ sĩ. Hãy nhìn mình trước đã nào, mình đã đi đúng hướng chưa? có phù hợp văn hoá không? và dành cho ai?

Theo tôi, đã là dân chuyên nghiệp thì nên luôn sẵn sàng và tìm cho ra các đáp số cho mọi dấu hỏi trước khi chỉ trích.

Có người đã đưa ra cái vòng tròn luẩn quẩn sau: Rock ---> khó kiểm duyệt ---> nhà tài trợ e ngại ----> thiếu kinh phí --> diễn chui ---> bị can thiệp---> định kiến xấu ---> khó được kiểm duyệt? Anh thấy thế nào?

- Vâng, đầu tiên cần khẳng định đây đúng là vòng luẩn quẩn. Nhưng đây là vòng luẩn quẩn có nguồn gốc từ những lời đồn. Người đưa ra cái vòng này đang thể hiện một sự thiếu thực tế sâu sắc trên một loạt xâu chuỗi thông tin đã cũ kỹ từ hơn 10 năm nay và thiếu chuẩn xác.

Theo anh thì các rocker có gì giống và khác so với các ca sĩ theo thể loại nhạc khác?

- Chà, so sánh thế này khó mà ổn đây. Thôi thế này nhé, họ giống nhau bởi cùng lãnh vực hoạt động giải trí nghệ thuật. Họ khác nhau là bởi là rocker thì luôn có tư tưởng rõ ràng trong lối chơi và con đường âm nhạc mà không thể bị lẫn. Còn các ca sĩ khác thì ít chính kiến nghệ thuật và rất hay lẫn (ở Việt Nam thôi đấy nhé)

Theo cách nhìn của riêng anh thì Rock là gì?

- Là 12 năm tuổi trẻ đã qua và nhiều năm tiếp theo nữa. Hãy thử cắt nghĩa xem.

Thu Giang (Theo VietNamNet)