itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Vĩnh biệt nhà thơ Vũ Cao: Người đi để lại một "Núi Đôi"

Vĩnh biệt nhà thơ Vũ Cao: Người đi để lại một "Núi Đôi"

Nhà thơ Vũ Cao

"Nhà thơ Vũ Cao đã từ trần vào giờ sửu (1h50) sáng ngày tân mùi, thứ hai đầu tuần (3.12.2007), thọ 86 tuổi" - nhà thơ Ngô Thế Oanh thông báo với chúng tôi như thế giữa tiệc cưới của cháu Linh Tâm (thứ nữ cố nhà văn - dịch giả Nguyễn Trung Đức mà nhà thơ Vũ Cao rất yêu mến). Một tia buồn ập đến giữa một ngày vui. Nhà thơ của "Núi Đôi" đã ra đi...

Thuở nhỏ, ngày Hải Phòng giải phóng vài năm, tôi nghe các bà chị mình đang học cấp ba phổ thông cứ rảnh ra là đọc cho nhau: "Bảy năm về trước em mười bảy/Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng/Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/Bữa thì em tới bữa anh sang..." rồi tấm tắc khen hay.
Tôi chưa hiểu gì, nhưng những câu thơ ấy đã ngấm vào đời tôi như một nguồn suối lành và cứ thế róc rách trong tôi mãi. Lớn lên, tôi mới biết đó là những câu thơ mở đầu bài thơ "Núi Đôi" của nhà thơ Vũ Cao. Và tên ông - Vũ Cao - lại tiếp tục khắc vào trí nhớ tôi cùng những Hồng Nguyên, Thôi Hữu, Trần Đăng... như hình tượng những người lính làm thơ thời chống Pháp. Tôi bắt đầu đọc và thích thơ Vũ Cao khi ở rừng Trường Sơn vớ được tập thơ "Đèo Trúc".
Vào cuối mùa xuân năm 1977, tôi mới được gặp chính tác giả "Núi Đôi" tại trại sáng tác Quân khu V ở TP.Đà Nẵng. Đấy là một người cao lớn, nhưng tính cởi mở và dịu dàng. Ông đối với những anh em trong trại sáng tác thật chan hoà như anh em, như đồng đội. Khi đó, ông là Tổng Biên tập Tạp chí "Văn nghệ Quân đội" - một tạp chí mà tôi nằm mơ cũng chưa có thơ in ở đấy, dẫu báo "Văn nghệ" đã in thơ tôi từ năm 1975.
Khi tôi bày tỏ ước muốn ấy với ông, rất nhỏ nhẹ, ông cười: "Mình đọc ông rồi. Cứ gửi thơ. Sẽ in cả thôi". Tôi nghe ông gọi mình bằng ông mà lạnh cả gáy. "Bác cứ đùa vậy chứ chắc gì". Khi nói lại câu chuyện trong cuộc rượu, Thanh Thảo và Thái Bá Lợi cười ha hả: "Bác ấy nói thật đấy. Mày cứ gửi ra tạp chí một chùm mà xem".
Thú thực, khi đó, đọc "Văn nghệ Quân đội" rất thú vị, chỉ mong được in thơ ở đấy thì sung sướng gì bằng. Song, sự cởi mở của ông đã khiến tôi dằn lòng để tập viết cho xứng với mong mỏi của ông. Mãi tới cuối năm 1978, tôi mới gửi thơ tới tạp chí. Và không ngờ, bài "Lại đến mùa khô" lại được in trên tạp chí đúng số tháng 2.1979 khi chiến tranh biên giới nổ ra.
Gặp tôi đến lấy báo, ông nói: "Cậu lên biên giới, cố làm thơ ngay gửi về nhé. Tạp chí đang nóng mà". Sự ân cần của ông đã dẫn dắt tôi và không biết bao nhiêu bạn bè lính cùng trang lứa góp sức, góp tài làm nên một tờ tạp chí Văn nghệ của quân đội, lừng danh một thời binh lửa.
Yêu và quý ông, lại được ông đáp lại ân cần, tôi mới biết ông tên thật là Vũ Hữu Chỉnh, tuổi Nhâm Tuất 1922, đồng niên với Hoàng Cầm, cùng quê Vụ Bản (Nam Định) với Văn Cao và là anh của các nhà văn: Vũ Ngọc Bình, Vũ Tú Nam. Vùng đất của Nguyễn Bính sao lắm người tài văn chương, văn nghệ đến thế. Cũng nhờ vậy mà tôi mới hiểu cái tích ra đời của bài "Núi Đôi" mà ông viết vào tháng 12.1956 khi Sư đoàn 312 của ông đóng quân ở Sóc Sơn, bên cạnh núi Đôi.
Thân hơn một chút về nghề, tôi hay đùa ông: "Núi Đôi" làm ra tên tuổi Vũ Cao, nhưng "Đèo Trúc" mới làm ra một Vũ Cao thi sĩ". Ông cười: "Sao vậy?". Tôi đọc: "Dãy Yên Tử trùng trùng bao năm vẫn vắng/vết chân người, nay rợp bóng quân ta/ồ trúc xanh, lá biếc mượt, da ngà/hay xứ sở từ xưa đây của trúc...". Ông lại cười hiền hoà, lão thực.
Thời đổi mới, khi Vũ Cao về làm GĐ Nhà xuất bản Hà Nội, rồi làm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, thấy ông cởi mở và trẻ trung hơn thời áo lính. Vừa yêu thơ, vừa chăm thể dục, ở tuổi 70, vẫn thấy ông đầy phong độ. Ông thường tâm niệm: "Văn chương có phần thật và phần không thật, nhưng phần thật là quan trọng nhất. Chính phần thật của cuộc đời mới làm người đọc xúc động và nhớ lâu".
Trong làng văn, người luôn có những tác phẩm đã là điều quý, nhưng có người như Vũ Cao, tuy không có nhiều tác phẩm, nhưng lại có cách nhìn, cách chăm sóc anh em đến quên hiểm nguy tới mình thì cũng thật đáng trân trọng và kính nể. Có lẽ vì tín nhiệm ấy, trong một nhiệm kỳ rất nhạy cảm (1995 - 2000), Vũ Cao đã đảm nhận làm Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn VN để cùng anh em vực dậy một lứa thơ trẻ tràn đầy sức lực.
Ông đã khiêm nhường góp phần dinh dưỡng nền văn học VN hiện đại bằng chính sự am hiểu lịch lãm và bao dung như một người đàn anh đôn hậu. Người đi để lại một "Núi Đôi", như Hồng Nguyên với "Nhớ", như Thâm Tâm với "Tống biệt hành".
Xin vĩnh biệt ông.

Nguyễn Thụy Kha (Báo LĐ)