itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Đó đây / Giấc mơ Las Vegas sụp đổ

Giấc mơ Las Vegas sụp đổ

Khu liên hợp CityCenter đang trong thời kỳ xây dựng. Ảnh: Getty Images

Kinh đô cờ bạc Mỹ từng được cho là miễn dịch với suy thoái nhưng giờ đây đang trải qua cơn bĩ cực chưa từng có sau 20 năm chỉ biết đến bùng nổ tăng trưởng.

Hiên ngang đâm thẳng lên bầu trời tại giữa thủ đô cờ bạc nước Mỹ, 7 tòa tháp thuộc khu liên hợp CityCenter sắp đến ngày khánh thành. Với tổng vốn đầu tư 11 tỷ USD, khu liên hợp bao gồm 1 sòng bạc, 4 khách sạn, khu căn hộ cao cấp, trạm cứu hỏa và trạm điện. Với sự hợp tác từ hai đế chế lớn là nhà kinh doanh sòng bạc MGM Mirage và tập đoàn Dubai World, CityCenter được xem là dự án tư nhân lớn nhất nước Mỹ.

Theo kế hoạch, khu liên hợp sẽ mở cửa vào tháng 10 tới. Nhưng người ta đang tự hỏi làm thế nào chủ đầu tư có thể thu hút đủ số khách lấp đầy 7.000 phòng và căn hộ hạng sang trong thời buổi suy thoái hiện nay. Tình hình càng nguy ngập khi công ty mẹ của CityCenter - MGM đang mắc kẹt trong khoản nợ lên tới 14 tỷ USD và nằm trên bờ vực phá sản.
Nếu dự án CityCenter bị ngừng lại, 8.000 công nhân xây dựng có thể bị sa thải, 11 lao động thường xuyên khác cũng sẽ mất việc làm.

Tại một phía khác của thành phố, chủ đầu tư của Fontainebleau, dự án sòng bạc trị giá 3,9 tỷ USD, từng mơ mộng đến việc sẽ đưa những thiết bị tối tân nhất như máy tính Apple iMac vào từng phòng khách sạn. Tuy nhiên, mới xây được một nửa thì dự án phá sản vào hồi đầu tháng. Echelon, khu resort trị giá 4,8 tỷ USD, cũng phải ngừng xây dựng từ cuối năm vừa rồi.

Taylor, một người môi giới uy tín tại Vegas nói: "Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều. Người ta nhìn thấy cột thép tại các công trường mọc lên nhưng rồi một ngày chúng cứ đứng đó, không được xây dựng gì thêm".

Sau một phần tư thế kỷ tăng trưởng thần kỳ, Las Vegas nay lâm vào thời kỳ đóng băng. Những con bạc tưởng như sẽ không bao giờ ngừng "khát nước" không còn lui đến sòng bài. Ngành kinh doanh hội nghị thất thu đáng kể vì các công ty Mỹ không còn tổ chức họp hành tốn kém tại đây, sau khi nhận được lời cảnh báo từ Tổng thống Barack Obama.

Thành phố Las Vegas về đêm. Ảnh: egr.msu.edu

Tỷ lệ thất nghiệp tại Las Vegas lên tới 11,1% so với con số 9,4% trung bình của toàn nước Mỹ. Tuần trước, hơn 2.000 người xếp hàng 3 tiếng đồng hồ trước cửa sòng Hard Rock, mong chen được một việc làm trong số 200 chỗ trống.

Liya Abraham, ứng viên bỏ cuộc sau 2 tiếng xếp hàng nói: "Tôi đang nghĩ đến việc chuyển đến bang khác". Abraham, một bà mẹ 3 con 30 tuổi, đang ráo riết tìm việc làm mới sau khi bị sa thải khỏi vị trí nhân viên chia bài tại sòng Poker Palace. Cô cho biết sẵn sàng làm bất cứ việc gì, kể cả quét dọn, để kiếm tiền trả các hóa đơn.

Cũng giống như Detroit phụ thuộc vào ngành công nghiệp xe hơi, Las Vegas sống nhờ vào kinh doanh cờ bạc. Mỗi năm đều đặn có khoảng 37 triệu du khách đến đây chơi bài, tắm nắng, xem các chương trình biểu diễn và sống cuộc sống về đêm. Dân số nhanh chóng tăng lên từ 700.000 người vào giữa những năm 1980 lên 1,9 triệu khi dòng người từ các nơi khác đến tìm việc làm.

Đã nhiều năm, người di cư gọi thành phố là "giấc mơ Las Vegas" do chỉ với thu nhập trung bình họ cũng có thể mua nhà ở đây. Làm việc tại sòng bài, họ thừa sức có cuộc sống sung túc, đi nghỉ hàng năm và cho con đi học đại học. Tuy nhiên, đà phát triển đã vượt quá tầm kiểm soát.

Las Vegas trở thành trung thâm của khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn vì giới cho vay từng vung ra nhiều khoản tín dụng đầy rủi ro, tạo điều kiện cho ai cũng có thể mua nhà. Hiện nay, thành phố có 35.000 ngôi nhà hoặc căn hộ bỏ không.

Keith Schwer, chuyên gia kinh tế tại Đại học Nevada tại Las Vegas nói: "Ngành bất động sản ở đây đã bị cuốn vào ngành kinh doanh cờ bạc. Trước đây nhiều người cho rằng về kinh tế Las Vegas miễn dịch với suy thoái. Tuy nhiên, hiện nay rõ ràng là chúng tôi đã bị cuốn vào vòng xoáy của khủng hoảng".

Theo VnExpress