itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Đó đây / Người gốc Việt biểu tình tại Washington

Người gốc Việt biểu tình tại Washington

Hàng trăm người gốc Việt đã tụ tập biểu tình liên tiếp trước hai toà đại sứ Việt Nam và Trung Quốc ở Washington DC vào chiều thứ Hai 10.12.2007.

Cuộc biểu tình nhân ngày quốc tế nhân quyền lúc đầu do đảng Việt Tân khởi xướng nhằm kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích đảng viên của họ đang bị bắt tại Việt Nam.

Việt Tân nói những người này bị bắt vì có ý định sẽ tổ chức và cổ vũ những cuộc biểu tình ôn hòa ngay trong nước Việt Nam.

Nhưng do “sự kiện Tam Sa” xảy ra, một bộ phận trong thành phần tổ chức biểu tình đã chuyển hướng sang phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc cũng như để ủng hộ các cuộc biểu tình do thanh niên trong nước tổ chức vào ngày 9.12 vừa qua.

Cuộc biểu tình trước văn phòng đại sứ quán Việt Nam theo quy ước tập hội ôn hòa.

Nhưng cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc do quyết định đột xuất cho nên đã có những tình huống đặc biệt và bất ngờ.

Gặp nghệ sỹ Mỹ trước toà đại sứ Trung Quốc

Ngay trước khi đoàn biểu tình người Việt tụ tập trước tòa đại sứ Trung Quốc, nơi đây đang có một diễn đàn kháng nghị của nữ tài tử Hollywood Mia Farrow về vấn đề diệt chủng ở khu vực Darfur, Sudan.

Những bài diễn văn của nhóm kháng nghị đi theo nữ diễn viên Mia Farrow ôn hòa và cháy bỏng, nhằm vào việc gởi những lời thỉnh cầu chính phủ Trung Quốc để họ có sự quan tâm hơn đến số phận những người dân Darfur đang lâm nạn diệt chủng.

Một số diễn giả học thức còn lấy khẩu hiệu One World One Dream của Olympic 2008 bằng tiếng Trung Quốc như là sự gợi ý về nhân văn để kêu gọi Trung Quốc ngừng cung cấp vũ khí cho Sudan.

Sau khi diễn đàn kháng nghị chấm dứt, phái đoàn dùng danh tiếng của ngôi sao màn bạc Mia Farrow để liên lạc thẳng vào tòa đại sứ Trung Quốc để yêu cầu nhân viên ra nhận thỉnh nguyện thư.

Người Việt phẫn nộ

Ngay vừa lúc diễn đàn trao lại cho phía Việt Nam, không gian chợt thay đổi lập tức.

Những khẩu hiệu hô “đả đảo Trung Cộng” vang trời. “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”.

Không khí biểu tình như dâng cao trong khí thế của người Việt Nam và sự hiếu kỳ của những người quan sát.

Trong lúc cao điểm, một vị biểu tình viên đã xé toang quốc kỳ Trung Quốc và mọi người dẫm đạp lên đó.

Những thanh niên Việt Nam và cả những cụ già đều vẫy tay phất cờ và ca vang những khúc hưng ca nhiệt huyết, kêu gọi người Việt khắp nơi cùng nắm tay và ngẩng cao đầu quyết không để chuyện hợp thức hóa Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ Trung Quốc.

Trước cảnh tượng này, cánh cửa tòa đại sứ đóng im lìm. Báo chí quốc tế chực vây quanh nữ diễn viên Mia Farrow và chờ đợi chụp được nét mặt của nhân viên đại sứ quán Trung Quốc.

Tuy sau đó, những người Mỹ đi theo đã tế nhị thu dọn những mảnh quốc kỳ Trung Quốc bị xé nhưng cánh cửa vẫn đóng.

Những thông điệp của cuộc biểu tình

Với ý nghĩa của ngày quốc tế nhân quyền và vấn đề an nguy mà dân tộc Việt Nam đang đối mặt với chính sách biển Đông của Trung Quốc, những người tham gia biểu tình hy vọng chính quyền Việt Nam nên tỉnh táo mà có những hành động hợp nhân văn và đạo lý.

Ông Lê Quyền, một nhân vật cộng đồng tại Washington, phát biểu: “Dù bất cứ nơi đâu đứng trước Trung Quốc, người Việt Nam đều có cùng một cảm giác."

Ông kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy quan sát và học tập thái độ của dân chúng mà phản ứng mạnh mẽ với Trung Quốc.

Một người trong đoàn biểu tình phát biểu hy vọng rằng những cuộc biểu tình sẽ quy mô hơn để cho nhà cầm quyền Việt Nam thấy được tinh thần dân chúng và Trung Quốc sẽ thấy ý chí của dân tộc Việt Nam.

Trịnh Quốc Thiên, một luật sư tham dự biểu tình cảm thấy không khí biểu tình chống Trung Quốc thật đáng khích lệ cho tinh thần Việt Nam.

“Đây cũng là một tín hiệu ủng hộ cuộc biểu tình ngày hôm qua tại Hà Nội và Sài Gòn của thanh niên trong nước”.

Theo BBC