itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Đó đây / Nổ bom chết người tại thủ đô Algeria

Nổ bom chết người tại thủ đô Algeria

Toà nhà Liên hợp quốc bị phá huỷ

một phần lớn

Giới chức cho biết ít nhất 62 người thiệt mạng trong hai vụ nổ bom tại thủ đô Algiers của Algeria.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban-Ki Moon nói ông bị sốc và phẫn nỗ trước vụ đánh bom ở Algiers, khiến hai toà nhà của Liên Hiệp Quốc ở thành phố này bị hư hại nặng.

Tin cho hay vụ nổ đầu tiên xảy ra tại khu vực El Biar ở trung tâm, gần ngay toà án hiến pháp.

Ngay sau đó, vụ nổ thứ hai diễn ra tại văn phòng Liên Hợp Quốc tại khu vực Hydra gần đó.

Liên Hiệp Quốc cho biết 5 nhân viên của họ có thể là các nạn nhân, và 14 người khác còn mất tích.

Một nhóm ở Bắc Phi nói trên một trang web Hồi giáo là họ là thủ phạm. Nhóm này cũng nhận trách nhiệm một vụ tấn công ở Algeria hồi tháng Tư làm chết hơn 30 người.

Tấn công xe buyt trường học

Liên Hợp Quốc xác nhận văn phòng của mình đã bị tấn công và nói có một số nhân viên của tổ chức bị thương.

Tường thuật địa phương loan tin trong vụ tấn công gần toà án hiến pháp, một nhóm các sinh viên đi trên chiếc xe buyt của trường học đã bị thương.

Bộ trưởng nội vụ Algeria Yazid Zerhouni nói các vụ nổ phát ra từ hai xe bom.

Ông Zerhouoni nói "Con số thương vong là rất cao", nhưng không đưa ra con số chính thức.

Trong năm 2007, đã có hàng loạt các vụ đánh bom trên toàn lãnh thổ Algeria, khiến nhiều người thiệt mạng.

Chỉ tính riêng trong tháng Chín, có hơn 50 người chết trong các vụ tấn công tự sát.

Liên hệ với al-Qaeda?

Người dân gần đây đã tổ chức các cuộc tuần hành phản đối tình trạng bạo lực.

Nhiều vụ nổ gần đây được cho là do phái Al-Qaeda ở Bắc Phi thực hiện.

Nhóm này trước được biết đến với tên gọi Nhóm "Salafist Group for Preaching and Combat" (GSPC), sau đổi tên và gia nhập lực lượng al-Qaeda hồi năm ngoái.

Phóng viên BBC chuyên về khu vực Roger Hardy nói hiện không rõ nhóm thực sự có liên hệ thế nào, chịu ảnh hưởng tới đâu từ tổ chức của Osama bin Laden.

Điều khiến các chuyên gia Tây phương và chính phủ các nước ở Bắc Phi quan ngại là khả năng các đối tượng Hồi giáo cực đoan tại khu vực nay không còn chỉ chú tâm tới khu vực mà đã liên hệ ra tới diện rộng, với quy mô mạng lưới quốc tế.

Algeria đã trải qua cuộc nội chiến tàn bạo và đẫm máu hồi thập niên 1990, nhưng trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực đã giảm bớt.

Theo BBC