itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Đó đây / Thượng viện Mỹ tạm “treo" Dự luật Di trú

Thượng viện Mỹ tạm “treo" Dự luật Di trú

Ảnh: Reuters

Các thượng nghị sĩ Mỹ đã quyết định dời việc xem xét Dự luật Di trú sang tháng sau. Thế là hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ cùng hàng triệu người khác đang ấp ủ giấc mơ Mỹ tiếp tục nín thở chờ đợi.

Chính sách về di trú là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống G.Bush. Ông muốn dự luật này trở thành luật ngay trong năm nay.

Các lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện cũng muốn nhanh chóng thông qua dự luật ngay trong tuần này, sau khi bắt đầu xem xét vào hôm thứ hai vừa qua. Đây là một dịp hiếm hoi mà ông chủ Nhà Trắng cùng các nghị sĩ Dân chủ tìm được tiếng nói chung kể từ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi năm ngoái. Tuần qua, Chính phủ Mỹ cùng lưỡng viện cũng đã đạt được thỏa thuận về việc thúc đẩy quá trình thông qua Luật Di trú sửa đổi. Tuy nhiên, sự đồng thuận này không đủ để tạo nên một lối đi suôn sẻ.

Hãng tin AP cho biết sau phiên tranh luận hôm thứ hai, các lãnh đạo Thượng viện đã quyết định dời việc xem xét dự luật tới tháng sau với lý do vẫn còn quá nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này. Các nghị sĩ Dân chủ coi Dự luật Di trú là một cuộc "đại ân xá" vì về mặt lý thuyết, nó có thể cho phép khoảng 12 triệu người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ trở thành công dân nước này. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng "ân xá" quả là hết sức ngặt nghèo.

Theo dự luật, người nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ phải nộp khoản tiền phạt khá lớn (khoảng 5.000 USD), rồi phải trở về nước xin cấp "visa Z", sau đó mới hy vọng được cấp thẻ xanh để cư trú lâu dài tại Mỹ. Từ đó đến lúc chính thức trở thành công dân Mỹ là một chặng đường dài. Bên cạnh đó, dự luật cũng gia tăng các điều kiện về bảo lãnh cho thân nhân nhập tịch Mỹ cũng như đưa ra hệ thống điểm mới áp dụng đối với lao động kỹ năng... Những thay đổi trên không những ảnh hưởng tới số người đã nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ mà còn ngăn chặn cơ hội đến Mỹ làm việc hoặc trở thành công dân nước này đối với nhiều người khác. Chính vì thế, ngay từ đầu, dự luật đã bị một bộ phận dân chúng tại Mỹ và nước ngoài, đặc biệt là Mexico, phản đối kịch liệt.

Thay đổi luật về di trú là một việc làm cấp thiết trong hoàn cảnh hiện nay của Mỹ, khi mà hệ thống chính sách cũ có quá nhiều bất cập. Theo BBC, điều này đã được thượng nghị sĩ Dân chủ E.Kennedy nêu rõ: "Hệ thống quản lý di trú của chúng ta đang rất bấp bênh, cần phải xem xét từ đầu tới cuối". Tuy nhiên, những điều khoản mới trong dự luật đã bị phản đối cả trong lẫn ngoài nước Mỹ. Từ thực tế đó, Thượng viện Mỹ cho rằng cần có thêm thời gian để xem xét lại các điều khoản. Điều này cũng có nghĩa con đường phía trước sẽ còn nhiều chông gai, bởi dự luật này còn phải cần Hạ viện thông qua trước khi Tổng thống Bush phê chuẩn mới trở thành luật. Các nghị sĩ muốn sớm thông qua dự luật trước khi cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2008 choán hết tâm trí họ nhưng việc giải tỏa hết những điều gây tranh cãi trong dự luật này là một thách thức lớn.

Đỗ Hùng