itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Đó đây / Trung Quốc di dân tới Châu Phi

Trung Quốc di dân tới Châu Phi

Trong thế kỷ 19, hầu hết những người tới Phi Châu, từ các doanh nhân, các nhà thám hiểm, các nhà truyền giáo hay các chiến binh, đều đến từ Tây Âu.

Nay, đến lượt người Hoa. Trong một thập niên qua, hàng chục ngàn người đã chuyển tới Châu Phi với sự chấp thuận của Bắc Kinh.

Họ đang tới định cư tại châu lục này, ở cả các vùng nông thôn và thành thị, và tham gia hoạt động trong các mảng nông nghiệp, xây dựng và thương mại.

Làn sóng mới nhất người nhập cư Trung Quốc này, được cho là lên tới 750 ngàn người, không phải là nhóm những người đầu tiên tới Phi Châu.

Hồi thập niên 1960, lãnh tụ cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông đã đặt những quan hệ gần gũi với châu lục này để nhằm tranh thủ sự ủng hộ chính trị.

Thế nhưng những người Trung Quốc đã tới Phi châu trong 10 năm qua lại vì mục đích kinh tế, chứ không vì những lý do chính trị như lớp người trước đã từng làm dưới thời ông Mao.

Tăng sản lượng hoa màu

Họ là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc, muốn tìm kiếm nguyên liệu thô và thị trường cho hàng hóa của mình, thế nhưng họ cũng muốn tìm kiếm cơ hội riêng cho mình.

Người đứng đầu Ngân Hàng Xuất Nhập Khẩu của Trung Quốc, Li Ruogu, gần đây tỏ ý cho thấy tầm quan trọng của Châu Phi đối với người dân Trung Quốc.

Trong bài phát biểu tại Chongqing, vùng hành chính với đa số dân sống tại nông thôn, ông đã thúc giục các nhà nông Trung Quốc hãy chuyển tới Châu Phi.

Một tờ báo địa phương trích lời ông này nói: "Chongqing có nền tảng nông nghiệp tương đối vững chắc. Châu Phi có nhiều quốc gia còn đất đai rộng rãi, thế nhưng sản lượng lương thực lại không như mong muốn."

Ông nói thêm "Chẳng hại gì trong việc các nhà nông [Trung Quốc] rời đất nước để trở thành chủ đất [tại Phi Châu.]"

Ông Li nói ngân hàng ông sẽ hoàn toàn ủng hộ việc di cư với việc đầu tư, phát triển dự án và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Các nhà nông Trung Quốc đã bắt đầu chuyển sang Châu Phi, theo lời ông Liu Jianjun thuộc Hội Đồng Kinh Doanh Trung Quốc - Phi Châu.

Cá nhân ông Liu đã gửi vài ngàn người Hoa từ quê ông, thành phố Baoding thuộc tỉnh Hebei, tới Châu Phi trong mấy năm qua.

Tổ chức của ông chủ yếu tập trung vào việc thành lập các công ty nông nghiệp, mà ông gọi là "Các khu làng Baoding."

Các nhà nông Baoding này đang làm việc tại Kenya, Uganda, Ghana và Senegal, trồng trọt cùng các đối tác Phi châu và sau đó chế biến thành các sản phẩm nông nghiệp.

Ông Liu nói: "Đầu tiên, mọi người không muốn tới Phi Châu bởi thời tiết nóng quá, lại có nhiều bệnh dịch, chiến tranh."

"Thế nhưng, sau khi chính quyền Trung Quốc kêu gọi mọi người đi thì họ có cái nhìn tích cực hơn."

Cùng nhận định với quan chức ngân hàng Li, ông nói các nhà nông Trung Quốc sử dụng kỹ năng của mình để giúp các nhà nông Châu Phi trong việc gia tăng sản lượng hoa màu.

Động cơ tiền bạc

Các chuyên gia nói Trung Quốc vẫn chưa phải là một tên tuổi lớn trong ngành nông nghiệp tại châu Phi, nhưng đang làm thay đổi các ngành kinh tế khác.

Chris Alden từ Viện Quan Hệ Quốc Tế Nam Phi nói rằng Trung Quốc đang ngày càng gây nhiều ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực bán lẻ.

Ông nói: "Người nhập cư và những người trước là công nhân xây dựng Trung Quốc đang mở cửa hàng, dùng mối quan hệ quen biêt để lấy được hàng giá rẻ từ Trung Quốc sang."

Ông nêu ví dụ về thị trấn Huambo ở miền trung Angola, nơi mà bảy năm trước không hề có một cửa hàng Trung Quốc nào.

Ông Alden, người vừa viết một cuốn sách có tựa đề Trung Quốc tại Châu Phi, nói năm năm trước, số các cửa hàng là năm và nay là hơn 20.

Cũng không đáng ngạc nhiên gì khi nhiều người nhập cư Trung Quốc nói cơ hội kiếm tiền là mục tiêu chính khiến họ rời bỏ quê hương.

Công nhân người Trung Quốc Lu Shaoqing hiện đang giúp việc cho công trình xây dựng các sân vận động thể thao tại Angola, nói rằng ông để vợ và đứa con gái 7 tuổi tại Bắc Kinh vì một số lý do.

Ông nói: "Tôi tới đây bởi tôi muốn xem Châu Phi, và Angola đang trong quá trình tái thiết, cho nên tôi tới để hỗ trợ."

Thế nhưng ông thừa nhận số 700 công nhân Trung Quốc trong công ty ông có cơ hội kiếm được gấp ba lần so với khi làm việc trong nước.

Ảnh hưởng

Hầu hết các nhân công người Trung Quốc, như ông Lu, sẽ ở Phi Châu vài năm rồi trở về nhà.

Ảnh hưởng của họ đối với xã hội Châu Phi không thật nhiều, bởi nhiều người đi mà không mang theo gia đình và chỉ sống trong các cộng đồng toàn người Trung Quốc.

Hãng của ông Lu đã đưa sang hơn 20 đầu bếp người Hoa để phục vụ đúng khẩu vị.

Thế nhưng người Trung Quốc đang làm thay đổi hình ảnh kinh tế tại Châu Phi, khi họ tới không chỉ để làm giàu cho công ty và đất nước, mà còn mưu cầu cho cá nhân mình.

Và ảnh hưởng của họ đang ngày càng tăng lên.

Ông Alden nói với tình trạng quá nhiều nhà nông nghèo tại Trung Quốc, mà làm đồng áng không đủ kiếm sống, thì Châu Phi chính là một cánh cổng mở ra các cơ hội.

Ông nói "Người ta không nghĩ rằng đường phố đầy vàng, nhưng với những ai không kiếm nổi việc làm thì Châu Phi là một cơ hội thực tế."

Theo BBC