itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Kinh tế Nhật Bản sa sút xuống mức kỷ lục

Kinh tế Nhật Bản sa sút xuống mức kỷ lục

Nền kinh tế Nhật Bản trong ba tháng đầu năm nay đã chứng kiến mức sụt giảm GDP quý lớn nhất trong lịch sử là 4%.

Văn phòng chính phủ Nhật cho biết đây là quý thứ tư liên tiếp GDP Nhật tăng trưởng âm, sau khi đã giảm 3,8% trong quý cuối cùng của năm 2008.

Kinh tế Nhật là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đang chịu tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Mức tăng trưởng âm 4% này là kỷ lục lớn nhất trong lịch sử kể từ khi số liệu được ghi nhận vào năm 1955. Cũng trong ba tháng đầu năm, kinh tế Mỹ sụt giảm 1,6% và châu Âu 2,5%.

So với cùng kỳ năm ngoái, GDP Nhật trong quý này giảm 15,2%, so với mức giảm 6,1% của Mỹ. Trong quý trước đó, GDP Nhật cũng suy giảm với tốc độ lớn là 14,4% so với một năm trước.

Văn phòng chính phủ Nhật cũng thông báo mức sụt giảm xuất khẩu trong quý là 26% so với quý trước đó. Báo cáo cũng cho biết kinh tế khó khăn đã khiến người tiêu dùng và các công ty cắt giảm chi tiêu và đầu tư.

Chi tiêu tiêu dùng giảm 1,1%, do các công ty bao gồm cả Toyota, Toshiba và NEC tiến hành cắt giảm lương và sa thải hàng loạt nhân công để giảm chi phí. Đầu tư kinh doanh cũng giảm với tốc độ kỷ lục là 10,4%.

Tuy nhiên các nhà phân tích dự đoán trong những tháng tới, kinh tế Nhật sẽ tăng trưởng dương trở lại ở mức khiêm tốn do đã có một số dấu hiệu tích cực. Tâm lý tiêu dùng tăng lên mức cao nhất trong tháng 4, xuất khẩu tháng 3 tăng so với tháng trước và sản lượng nhà máy lần đầu tiên đã tăng trở lại kể từ tháng 9 năm ngoái.

Thủ tướng Nhật Taro Aso đã tung ra ba gói kích thích kinh tế trị giá tổng cộng 25 nghìn tỷ yên (260 tỷ đôla), động thái này phần nào đã trấn an tâm lý người dân và doanh nghiệp tại Nhật.

Mặc dù vậy, nhu cầu xuất khẩu mới chỉ ổn định trở lại chứ chưa khởi sắc sẽ hạn chế sự phục hồi của kinh tế Nhật. Toyota, Sony và Panasonic đều dự đoán sẽ tiếp tục lỗ trong năm kinh doanh này. Panasonic tuần trước vừa tuyên bố dự định sẽ đóng cửa 20 nhà máy và tiến hành cắt giảm 15.000 việc làm.

Hiromichi Shirakawa, chuyên gia kinh tế trưởng của tập đoàn Credit Suisse tại Tokyo nhận xét: "Chúng tôi hiện lạc quan hơn về việc phục hồi trong ngắn hạn nhưng về lâu dài thì không chắc chắn. Nhu cầu tiêu dùng toàn cầu sẽ không trở lại mức đỉnh như hồi năm 2007, 2008. Như vậy Nhật Bản sẽ phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng là thừa khả năng sản xuất và thừa nhân công".

Theo FT