itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Bản quyền thanh long ruột tím - Câu chuyện có hậu

Bản quyền thanh long ruột tím - Câu chuyện có hậu

Có thể nói, việc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) mua bản quyền khai thác giống thanh long ruột tím (LĐ5) của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã tạo ra tiền lệ tốt. Đó là mô hình nhà khoa học lai tạo giống mới rồi chuyển giao cho doanh nghiệp (DN) khai thác thương mại.

Bắt đầu theo thông lệ quốc tế

Bài viết “Long đong trái thanh long” trên báo SGGP ngày 13-8-2013 đã đề cập đến việc sau khi lai tạo thành công giống thanh long ruột tím LĐ5, SOFRI đã liên hệ các DN xuất khẩu thanh long hàng đầu để thương lượng việc chuyển giao quyền khai thác thương mại, nhưng đa số nhận được cái lắc đầu. Điều này không lạ, do việc sử dụng “chùa” các giống cây đã trở nên bình thường, điển hình là thanh long ruột đỏ cũng của SOFRI lai tạo từ giữa những năm 2000.

Mới đây, TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng SOFRI, thông báo tin vui, đã có DN chịu mua bản quyền khai thác thanh long ruột tím LĐ5. Theo TS Châu, gói hỗ trợ nông nghiệp của New Zealand cho Việt Nam, trong đó có dự án do Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR) phối hợp với SOFRI và Phân viện Cơ điện nông nghiệp - công nghệ sau thu hoạch thực hiện, với mục tiêu cùng lai tạo ra giống thanh long mới và PFR cung cấp mô hình mẫu cho các hoạt động chọn tạo, thương mại hóa các giống trái cây, giúp SOFRI có cái nhìn toàn diện hơn về việc thương mại hóa giống mới. Nhờ đó, những nhà khoa học ở SOFRI có điều kiện tiếp cận cách thức bảo hộ bản quyền sáng chế và thương mại hóa giống cây.

Điều này còn mới ở Việt Nam nhưng là thông lệ quốc tế trong việc bảo vệ giống cây của Hiệp hội quốc tế bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV) mà Việt Nam là thành viên từ năm 2006. Theo đó, khi tạo ra giống mới, đơn vị nghiên cứu sẽ bán bản quyền khai thác cho DN để tổ chức sản xuất và khai thác theo cách nào đó có lợi nhất, thay vì trước đây gần như để mặc cho mọi người sử dụng miễn phí. Cũng vì chưa nắm rõ việc đăng ký bảo hộ bản quyền ở các nước nên đã bị nhiều nước lấy giống về trồng rồi thương mại hóa, cạnh tranh lại với thanh long Việt Nam.

Như vậy, khi nhận chuyển giao quyền khai thác, Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu sẽ tổ chức sản xuất, chế biến, xuất khẩu mà không DN hay cá nhân nào khác được quyền trồng nếu chưa có sự đồng ý của Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu. Và để bảo vệ sở hữu giống này, Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu sẽ đăng ký bảo hộ tại những thị trường xuất khẩu lớn của mình như Trung Quốc, các nước châu Á khác và châu Âu. Việc trồng diện tích bao nhiêu, ở đâu, để đảm bảo cung cầu với giá bán ở mức hợp lý sẽ do công ty nhận chuyển giao quyền khai thác ấn định.

Mô hình trái Kiwi

Trả lời câu hỏi, nếu có quốc gia nào âm thầm trồng thanh long ruột tím LĐ5 và xuất qua nước khác như Mỹ chẳng hạn, trong khi Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu không đăng ký bảo hộ giống thanh long ruột tím LĐ95 thì sẽ như thế nào, TS Nguyễn Minh Châu cho biết, đây cũng là điều SOFRI còn phải tiếp tục tìm hiểu cách mà PFR và Công ty Zespri của New Zealand đã làm để bảo hộ giống Kiwi trên thế giới. Tất nhiên, chúng ta phải tiến hành các bước theo đúng tinh thần của UPOV để bảo hộ quyền sở hữu.
Thanh long là loại trái cây có vị thế số 1, chiếm kim ngạch lớn nhất trong các loại trái cây xuất khẩu. Vì vậy, việc mua và bán bản quyền về giống giúp việc tổ chức sản xuất, nghiên cứu lai tạo hoặc phục hồi giống đòi hỏi sự liên kết, hợp tác chặt giữa DN với nhà khoa học như cách mà PFR với trái Kiwi và Công ty Zespri của New Zealand đang làm. Sự liên kết, hợp tác này đã giúp New Zealand đi đầu về việc tạo ra giống Kiwi mới, điển hình là giống Kiwi ruột vàng, được ví như loại trái “hái ra vàng”. Hiện nay nhiều nước đang trồng thanh long như Thái Lan, Trung Quốc, đảo Hawaii (Mỹ). Vì vậy, việc hợp tác, liên kết trong và ngoài nước để biết cách bảo hộ giống thanh long mới của Việt Nam là điều cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Bài học về trái Kiwi của New Zealand cũng như sự hợp tác về dự án tạo giống thanh long mới (ruột vàng) giữa 2 chính phủ giúp ích cho Việt Nam nhiều hơn về việc bảo hộ này. Nhờ lợi thế đi trước trong việc nghiên cứu, lai tạo các giống mới và đăng ký bản quyền trên thế giới nên dù có nhiều nước trồng Kiwi, nhưng người tiêu dùng thế giới chỉ nghĩ đến New Zealand. Không nước nào ngoài New Zealand được quyền trồng Kiwi ruột vàng mà PFR đã nghiên cứu lai tạo và Zespri tổ chức sản xuất, thương mại hóa toàn cầu. Với việc hợp tác giữa PFR và SOFRI, nếu biết khai thác bài học và mô hình từ trái Kiwi của New Zealand để áp dụng cho trái thanh long sẽ giúp Việt Nam giữ vững vị thế đi đầu về trồng và xuất khẩu thanh long với những giống thanh long được đăng ký bảo hộ tại nhiều nước trên thế giới.

CÔNG PHIÊN/ SGGP