itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Biển "hái" ra tiền nhờ bàn tay con người

"Khi có bàn tay con người làm du lịch, biển đẹp hơn và "hái" ra tiền hơn!"

Eo biển Hải Vân

Thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (NQTW 4) về chiến lược phát triển kinh tế biển, Tổng cục du lịch Việt Nam vừa có đợt khảo sát tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Nhân dịp khảo sát phát triển du lịch tại Mũi Né - Phan Thiết (Bình Thuận), Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Hoàng Tuấn Anh đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông cho biết:

Với chiều dài 3.260 km bờ biển, không có một đất nước nào lại có đến 125 bãi biển đẹp như nước ta. Vì thế phát triển kinh tế biển là một chủ trương lớn mà nội dung NQTW 4 đã đề cập. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng kinh nghiệm phát triển du lịch của chúng ta còn hạn chế. Để phát triển du lịch, chúng ta cần phải đẩy mạnh xúc tiến quảng bá.

Biển hồi nào vẫn chỉ là biển. Nhưng khi có bàn tay của con người làm du lịch thì biển trở nên đẹp hơn, “hái” ra tiền hơn. Bất cứ một quốc gia nào, dù lớn hay bé cũng phải xem du lịch là phương tiện để gần gũi hơn với thiên nhiên. Việt Nam là một điểm đến an toàn và thân thiện hàng đầu thế giới.

Nhằm thu hút du khách quốc tế hơn nữa, du lịch Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề môi trường. ..

Tôi từng lưu ý nước thải sinh hoạt đổ ra biển ở Phú Quốc; thậm chí xây dựng cả nhà hàng trên biển. Nên từ bây giờ, tất cả các dự án du lịch tôi đề nghị phải có đánh giá tác động môi trường mới được triển khai. Chúng ta thà mất đi vài tỷ đồng để rồi mai sau con cháu chúng ta thu hàng nghìn, hàng vạn tỷ. Hiện nay, so với các nước trong khu vực, lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt 3,6 triệu lượt người/năm. Trong khi đó Malaysia là 17,5 triệu; Thái Lan 13,5 triệu; Singapore và Indonesia đều đạt 4,5 triệu.

* Ông so sánh như thế nào về tiềm năng du lịch biển Việt Nam so với các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan?

Ông Hoàng Tuấn Anh: Như tôi đã nói, tiềm năng du lịch biển của chúng ta không thua kém bất cứ một quốc gia nào trong khu vực. Chúng ta không chỉ có tiềm năng biển, mà chúng ta có núi, có sông, có đồng bằng, có miền núi, trung du với khí hậu bốn mùa phong phú và hấp dẫn. Chúng ta có đến 7 di sản văn hoá thế giới; có 54 dân tộc anh em với nền văn hoá hết sức đa dạng và độc đáo.

Tuy nhiên, khách quốc tế đến Việt Nam vẫn ít hơn một số nước trong khu vực. Trước hết, công tác qui hoạch, xúc tiến quảng bá của họ đi trước chúng ta. Hơn nữa dịch vụ của họ cao cấp hơn chúng ta. Đội ngũ cán bộ làm du lịch của họ cũng chuyên nghiệp hơn. Sau khi chúng ta đã gia nhập tổ chức WTO thì việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch đòi hỏi phải cấp thiết hơn, chuyên nghiệp hơn để khắc phục những hạn chế này. Chỉ có như vậy chúng ta mới phát huy và khai thác tốt tiềm năng du lịch vốn có.

* Vì sao Tổng cục Du lịch chọn các tỉnh ven biển miền Trung trong đợt khảo sát này mà không phải vùng khác thưa ông?

Ông Hoàng Tuấn Anh: Bởi vì các tỉnh ven biển miền Trung còn là những tỉnh nghèo, nhưng lại có tiềm năng lớn về phát triển du lịch biển. NQTW 4 vừa qua có một chuyên đề đặc biệt ưu tiên cho chiến lược về phát triển kinh tế biển Việt Nam. Sau đợt khảo sát này, Tổng cục du lịch sẽ có một chương trình hành động cụ thể sát với tình hình thực tế nhằm khơi dậy tiềm năng kinh tế du lịch ven biển miền Trung.

Thời gian vừa qua Nhà nước đã đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng các tỉnh ven biển miền Trung, chiếm tới 50% nguồn vốn. Bây giờ phải xem việc đầu tư ấy hiệu quả đến đâu. Mặt khác, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục du lịch phải khảo sát xem sự cố tràn dầu có ảnh hưởng đến đâu trong phát triển du lịch để có hướng xử lí.

* Xin cảm ơn Tổng cục trưởng!

Quế Hà (thực hiện)