itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Chất lượng trái cây trong tay thương lái

Chất lượng trái cây trong tay thương lái

Doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước bàn tính rất kỹ về quy hoạch, giống, kỹ thuật canh tác… nhưng chất lượng và đầu ra thì bỏ lơ cho thương lái quyết định.

“Tình trạng thương lái thao túng giá cả, làm ảnh hưởng chất lượng trái cây… cần có sự phối hợp khắc phục, giải quyết của các cơ quan liên quan. Ta quy hoạch vùng trái cây tập trung chuyên canh là đúng đắn nhưng lợi ích mang lại cho doanh nghiệp và người nông dân thì chưa thực sự hiệu quả” - TS Võ Mai, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Trái cây VN, cho biết tại cuộc họp góp ý về “Quy hoạch vùng cây ăn trái tập trung ở Nam Bộ và đẩy mạnh ứng dụng GAP trong sản xuất” do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 9-4, tại TP.HCM.

Quy trình khoa học... liên kết lỏng lẻo

. Về quy hoạch vùng trái cây tập trung cho 10 tỉnh Nam Bộ, bà có ý kiến đóng góp gì không?

+ TS Võ Mai: Quy hoạch vùng trái cây tập trung là hợp lý, trái cây của ta ngon nhưng phải có vùng chuyên canh 5.000-7.000 ha trở lên mới đủ sức xuất khẩu. Còn lẻ tẻ thì chẳng làm được gì. Rất nhiều ý kiến đã đóng góp cho Bộ, Cục Trồng trọt về việc này nhưng tôi vẫn chưa thấy ai “đá” đến việc quy hoạch đầu ra cho trái cây. Có thể quy hoạch chọn trái cây đặc sản, chất lượng để trồng tập trung, phát triển trên mấy ngàn hecta nhưng trồng nhiều như vậy bán ra cho ai, bán được không? Ai chịu trách nhiệm quản lý rủi ro? Ta cổ vũ GAP cho nông dân trồng theo nhưng giá bán thì chỉ bằng trái cây thường, không có doanh nghiệp đứng ra thu mua… Vì vậy, theo tôi, việc chúng ta cần làm lúc này là quy hoạch phải dựa trên đầu ra của doanh nghiệp. Phải có thị trường rõ ràng rồi mới nghĩ đến kế hoạch trồng bao nhiêu hecta loại trái cây đó!

. Hiện tại ngành trái cây vẫn sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, tiêu chuẩn GAP cũng tương tự, vậy theo bà đâu là nguyên nhân gây khó khăn cho xuất khẩu?

+ Quy trình chuỗi thì rất bài bản, rồi liên kết bốn nhà, nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước rất khoa học nhưng tính phối hợp, liên kết giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng vẫn còn lỏng lẻo. Ngoài ra, chất lượng trái cây nước ta không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Như mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã tạm ngưng cấp phép cho 15 loại rau quả sang châu Âu, đồng thời tăng cường kiểm tra nhiều mặt hàng khác dù phía châu Âu chưa cấm. Việc này cho thấy khâu kiểm soát chất lượng trái cây của nước ta quá yếu.

Một nguyên nhân lớn cần lưu ý: Hiện thương lái đóng vai trò không nhỏ trong chuỗi sản xuất trái cây tập trung, chi phối, thậm chí thao túng không chỉ giá mà cả chất lượng trái cây.

Trái cây bẩn do thương lái

. Thương lái đã chi phối ngành trái cây nước ta như thế nào, thưa bà?

+ Chuỗi cung ứng hiện nay hoàn toàn do thương lái chi phối, từ hộ gia đình, HTX đến doanh nghiệp đều phải nhờ đến thương lái. Chính vì thế, việc sản xuất bị thương lái điều hành; cả nông dân, nhà khoa học, nhà khuyến nông không quyết định được nông sản thế nào. Quyền lực của thương lái ảnh hưởng trước tiên về giá cả, doanh nghiệp giao hết việc thu mua cho thương lái, nhận trái cây từ thương lái. Vì vậy thương lái dễ dàng ép giá nông dân “nếu không chịu thì khỏi mua”, các ngành nông sản khác cũng chung cảnh ngộ này. Về chất lượng trái cây, thương lái thường thu mua từ lúc trái còn xanh trên cây, rồi họ tự chăm chút, phun thuốc bảo quản, hay tiêm chất gì mà chỉ thương lái biết. Chất lượng trái cây “bẩn” ngày càng nhiều. Thậm chí, nếu thu mua sau thu hoạch, có thương lái đợi lúc trái cây sắp chín thì đến yêu cầu nông dân phun thuốc gì, phun nhiều để bảo quản tốt thì mới mua. Nông dân đành… ngậm bồ hòn làm theo.

Ảnh hưởng của thương lái còn rất mạnh trong việc quy hoạch vùng cây ăn trái tập trung. Thương lái là người trực tiếp thu mua, bởi vậy nông dân tin thương lái, thương lái nói sẽ thu mua loại gì nhiều thì họ trồng nhiều loại đó. Nhà nước nói trồng cây gì chưa chắc họ làm theo.

. Vậy thương lái gây ảnh hưởng xấu về thị trường, chất lượng trái cây?

+ Thật ra nếu không có thương lái thì khó mà thu mua, đưa ra thị trường. Đổ hết lỗi cho thương lái là không đúng. Thương lái đóng vai trò quan trọng từ lúc sản xuất, thu mua đến cả tiêu thụ. Vấn đề là không có một cuộc họp phổ biến chính sách, quy trình chế biến, bảo quản trái cây nào của Nhà nước mà có mặt của thương lái. Doanh nghiệp quá tin thương lái nên cũng chẳng quan tâm nông dân bán giá bao nhiêu, trồng như thế nào, chất lượng thì gom hàng về sẽ kiểm tra sau. Thành thử những liên kết trong chuỗi tự đổ vỡ, không liên kết với nhau.

. Ngoài ra, theo bà cần có những giải pháp gì?

+ Muốn quy hoạch vùng tập trung thì Hiệp hội Rau quả VN qua xúc tiến thương mại phải báo cáo cụ thể về nhu cầu thị trường cho Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp. Từ đó, Bộ NN&PTNT mới điều phối quy hoạch rõ ràng cho các tỉnh là ưu tiên trồng cây gì, trồng bao nhiêu. Về chất lượng trái cây, doanh nghiệp cần “quản lý” thương lái của mình, khuyến khích thu mua trực tiếp để nông dân được hưởng lợi.

. Xin cảm ơn bà.

Theo Pháp Luật TP.HCM