itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / CTCS Sông Bé - Làm thế nào để hội nhập hiệu quả?

CTCS Sông Bé - Làm thế nào để hội nhập hiệu quả?

Chăm sóc cao su tại lô

Việt Nam đã hội nhập vào WTO, nhiều doanh nghiệp (DN) nói chung, ngành cao su nói riêng đã và đang có những chuyển biến tích cực để đón nhận những thuận lợi cũng như ứng phó với các thách thức mà sân chơi lớn này đem lại.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Quốc Quýt- Giám đốc công ty Cao su Sông Bé xung quanh vấn đề làm thế nào để hội nhập hiệu quả…

* Xin ông cho biết những khó khăn mà công ty của ông đã gặp phải trong quá trình Việt Nam gia nhập WTO?
Giá vật tư, nguyên vật liệu, hóa chất… đầu vào tăng nhiều lần, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của công ty. Nhất là, giá mủ cao su diễn biến phức tạp, tăng giảm thất thường và biến động liên tục. Thị trường mủ nước, nguyên liệu trong tình trạng cạnh tranh quyết liệt do có nhiều cơ sở cùng hoạt động trên địa bàn. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài; nhiều lần xảy ra gió lốc gây thiệt hại cây cao su đang khai thác và gây ảnh hưởng cho số cây lớn hơn ở các khu vực lân cận …

* Ông đã đối phó bằng cách nào?

Chúng tôi tiến hành đẩy mạnh công tác chuẩn bị mở rộng diện tích trồng mới cao su và rừng. Tiếp tục thực hiện chương trình mở rộng chức năng hoạt động. Tiến hành việc chuẩn bị đầu tư cho khu công nghiệp Minh Thành và Tân Thành. Xây dựng thêm các công trình, mua sắm trang bị máy móc, thiết bị nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động. Đồng thời tiếp tục xây dựng, củng cố thương hiệu trên thương trường, thực hiện tốt hệ thống quản lý chất lượng, đáp ứng nhu cầu cuả khách hàng .

* Ông có chắc chắn rằng công ty của ông sẽ tìm được chổ đứng vững chắc trong sân chơi lớn WTO qua việc xây dựng thương hiệu ?

Tôi tin là chúng tôi sẽ làm được điều đó. Với những đóng góp và nổ lực không ngừng, sản phẩm chúng tôi đã từng đạt được giải thưởng “Chất lượng VN” do Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng, “Cúp vàng Thương hiệu Việt”, “Cúp vàng sản phẩm uy tín và chất lượng” do Hội Sở hữu trí tuệ VN tổ chức. Với mong muốn xây dựng được một thương hiệu mạnh về lĩnh vực chế biến cao su, chúng tôi đã có những chương trình cụ thể như : Không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, và chú trọng đến công tác quảng bá đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Công ty đã tham gia hàng loạt hội chợ triển lãm hàng hóa và một số hội nghị như: “Quảng bá thương hiệu trong điều kiện hội nhập”, hội nghị “Xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp Srilanca, Trung Quốc” … Công ty cũng thường xuyên tham gia hoạt động quảng cáo trên những trang vàng thương hiệu, trang web ASEMCONECT trên các báo và tạp chí… Đây cũng chính là động lực giúp chúng tôi tự tin hơn trên bước đường hội nhập tự khẳng định mình

* Với đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề lâu nay chưa hề tiếp xúc với cách thức làm ăn, buôn bán ở “chợ” WTO, liệu rằng nhận thức của họ có theo kịp việc hội nhập không, thưa ông?

Trước khi VN gia nhập WTO, với phương châm “đi trước một bước”, chúng tôi đã chú trọng đến việc đổi mới hoạt động của DN theo hướng hiện đại hóa, để tự tin đứng vững trên sân nhà và vươn ra thị trường quốc tế. Chúng tôi đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý tài năng, trí tuệ và năng động nắm bắt được những yêu cầu của thời hội nhập. Một đội ngũ nhân sự lành nghề với đủ những kiến thức cơ bản nhất về WTO. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thông tin đầy đủ về những cam kết có hiệu lực giữa VN và WTO đến toàn thể CBCNV của công ty.

* Ông có thể cho biết rõ hơn về hoạt động của DN theo hướng hiện đại hóa mà ông vừa nói?

Hiện đại hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi. Vừa qua nhà máy chế biến mủ của công ty được trang bị toàn bộ máy móc thiết bị nhập từ công ty GOLSTAR (Malaysia) với công suất chế biến 7.500 tấn/năm. Đây là dây chuyền sản xuất mủ khối SVR 3L thuộc loại tân tiến nhất hiện nay. Ngoài việc chế biến mủ của công ty, nhà máy còn gia công chế biến mủ SVR 3L cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi cũng đã xây dựng được phòng kiểm phẩm riêng của công ty theo TCVN 3769-2004. Hiện công ty đang thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng và giữ vững uy tín thương hiệu sản phẩm của mình. Trong năm 2007, chúng tôi tiến hành xây dựng thêm 1 nhà máy chế biến mủ công suất 5.000 tấn/năm để tăng thêm sản lượng và làm đa dạng mặt hàng chế biến của công ty, đáp ứng yêu cầu đối tác trong và ngoài nước.

* Thường thì người ta làm ăn với những đối tác quen biết, thế nhưng trên thực tế đâu phải lúc nào đối tác quen biết cũng đem lại hiệu quả, thưa ông ?

Đúng. Tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa thị trường hoạt động của công ty, các sản phẩm của công ty không chỉ ngừng lại ở việc xuất khẩu sang các thị trường truyền thống trước kia như: Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Nga mà sẽ thiết lập các kênh chính thức để đến với các thị trường tiềm năng khác.

* Có thông tin, công ty sẽ đầu tư trồng cây cao su ở Campuchia?

Trong thời gian tới chúng tôi đang tính toán lập các dự án đầu tư trồng cây cao su ở Campuchia để khai thác thị trường đầy tiềm năng này. Cụ thể năm 2007, công ty sẽ hợp tác với Công ty Cổ phần khu công nghiệp Sài Gòn – Bình Phước trồng 10.000 ha cao su ở Kratie (Campuchia). Tổng diện tích cây cao su vào năm 2008 của chúng tôi lên khoảng 7.000 ha. Ngoài ra, công ty đã hoàn thành dự án đầu tư cao su tiểu điền trên 1.500 ha cho 56 hộ trồng cao su với tổng vốn đầu tư 8 tỉ đồng.

* Phương án xây dựng hai khu công nghiệp là để phục vụ cho việc khai thác và chế biến cây cao su?

Song song với việc đa dạng hóa sản phẩm, chúng tôi cũng xem trọng việc đa dạng hóa ngành nghề, trong đó xây dựng cơ bản là một trong những mục tiêu được chúng tôi lựa chọn. Hiện chúng tôi đang tiến hành đầu tư xây dựng khu công nghiệp Tân Thành tại Thị xã Đồng Xoài, rộng 152 ha và khu công nghiệp Minh Thành tại huyện Chơn Thành, rộng 513 ha (trong đó 437,3 ha làm KCN và 75,8 ha làm khu dân cư). Việc xây dựng hai khu công nghiệp này một mặt phù hợp với chính sách công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Nhà nước, mặt khác tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời giải quyết được vấn đề an sinh xã hội cho địa phương.

Xin chân thành cảm ơn ông.

Thống kê cho thấy 

Tổng doanh thu của Công ty Cao su Sông Bé năm 2006 thực hiện 173 tỷ đồng, đạt 144,16% kế hoạch, bằng 123,05% so với năm 2005. Lợi nhuận thực hiện 32 tỷ 600 triệu đồng, đạt 125,38% kế hoạch, tăng 1,28% so với năm 2005. Các khoản nộp ngân sách Nhà nước thực hiện 16 tỷ 742 triệu đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp 16 tỷ 461 triệu đồng, vượt 28,78% kế hoạch. Nộp các khoản Bảo hiểm Xã hội và kinh phí công đoàn cho người lao động 2 tỷ 807 triệu đồng.

Ngọc Bích (thực hiện)