itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Đồng bằng sông Cửu Long: Đổi thay từ cơ giới hóa

Đồng bằng sông Cửu Long: Đổi thay từ cơ giới hóa

Ngày càng có nhiều máy gặt đập liên hợp xuất hiện trên đồng ruộng tỉnh Hậu Giang.

Cơ giới hóa ĐBSCL trong 2 năm trở lại đây có bước phát triển nhảy vọt. Nổi lên là phong trào đầu tư đưa máy gặt đập liên hợp (GĐLH) vào thu hoạch lúa; nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đầu tư máy sấy tháp hiện đại. Nhu cầu đầu tư đưa máy móc hiện đại vào đồng ruộng ngày càng tăng cao, vì thế Chính phủ cần có cơ chế “cởi mở” để trợ lực cho tiến trình này.

Bước chuyển mạnh mẽ

Trong những năm qua Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất lúa nên ngành nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo an toàn lương thực quốc gia và xuất khẩu với giá trị lớn. Từ năm 2005, ĐBSCL chỉ có khoảng 30 máy GĐLH làm dịch vụ cắt lúa trên đồng ruộng. Tuy nhiên đến năm 2012, ĐBSCL đã có 12.234 máy gặt lúa. Trong đó có đến 8.698 máy GĐLH, chiếm 71%. Diện tích lúa được gặt bằng máy cả vùng đạt 56%, một số tỉnh có mức độ cơ giới hóa thu hoạch cao, từ 60 đến 90% như: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang, Sóc Trăng. Tương tự năm 2005, ĐBSCL chỉ có 6.600 máy sấy lúa thì nay tăng lên 9.600 máy, đáp ứng 33% sản lượng lúa hè - thu.

Các nhà khoa học cho rằng, khâu thu hoạch lúa bằng máy GĐLH đang tăng dần theo hàng năm. Đây là khâu tăng nhanh nhất trong quá trình cơ giới hóa ở ĐBSCL. Đa số các máy GĐLH đều là máy mới. Trong vài năm gần đây, máy GĐLH đã làm thay đổi nông thôn trong mùa thu hoạch lúa. Theo ngành nông nghiệp trong vùng, thu hoạch bằng máy GĐLH bình quân 2.100.000 đồng/ha, tiết kiệm 900.000 đồng/ha so với thu hoạch bằng tay. Tổn thất ở khâu này từ 5,6% giảm xuống còn 2%. Người mua máy làm dịch vụ có thể hoàn trả 100% vốn vay trong 2-3 năm và hầu như không có nợ xấu. Việc phát triển nhanh máy GĐLH đã tác động đến việc thay đổi tập quán canh tác ở ĐBSCL. Việc dùng máy GĐLH, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái và thương lái thực hiện việc làm khô lúa tại các lò sấy dịch vụ quy mô lớn.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhận định: “Cơ giới hóa có ý nghĩa rất lớn, giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó nổi lên là giải quyết quá trình chuyển dịch lao động hiện nay (xu hướng chuyển sang dịch vụ)”. Đây là hiệu quả thiết thực từ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Cụ thể là Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Và sau đó là Quyết định 65/2011/QĐ-TTg nhằm mở rộng đối tượng cho vay vốn và khuyến khích các doanh nghiệp chế tạo máy móc nông nghiệp. Các cơ sở chế tạo máy GĐLH như Phan Tấn (Đồng Tháp), Tư Sang 2 (Tiền Giang)… đã đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng nhờ các chính sách hỗ trợ này.

Cần cơ chế cởi mở

“Rất buồn khi nền công nghiệp cơ giới hóa còn rất yếu kém. Máy GĐLH hầu như để nông dân sáng kiến (trong khi có Viện Cơ điện). Mua máy sản xuất trong nước độ rủi ro cao”, lãnh đạo một tỉnh không mấy vui khi đưa ra nhận định này. Theo Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, năm 2007-2009, khoảng 60-70% máy GĐLH nhập khẩu mới từ Trung Quốc, máy đã qua sử dụng của Hàn Quốc, còn lại do các cơ sở tư nhân ở ĐBSCL, Công ty Chế tạo động cơ Vinappro, cơ khí An Giang (chủ yếu máy cắt lúa xếp dãy). Đến nay, máy GĐLH Kubota lắp ráp tại Việt Nam và các cơ sở tư nhân chế tạo đang dần thay thế máy GĐLH Trung Quốc. Có thể nói thị trường sản xuất máy GĐLH trong nước đã bị yếu thế và chuyển bộ chậm. Nhiều nông dân tự mày mò sản xuất máy GĐLH nhưng bị giới hạn số lượng, chưa có những thiết bị đồng bộ để thay thế khi máy bị hư, chủ yếu phải làm thủ công để sửa chữa nên nhiều người ngán ngại khi mua máy nội.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhận định: “Thay đổi về cơ giới hóa diễn ra nhanh hơn trong thời gian tới. Nhưng từ đây cũng nảy sinh câu hỏi là ngành cơ khí trong nước được hưởng lợi gì từ sự gia tăng nhanh chóng này, hay chúng ta sẽ làm lợi cho các nhà bán máy cơ khí nước ngoài? Rõ ràng là nông dân, nông nghiệp không thể chờ đợi sự tiến bộ của ngành cơ khí trong nước, vì chờ đợi cũng đã quá lâu rồi. Nhưng đây là ngành công nghiệp quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chính sách sẽ như thế nào để có sự phát triển, lực lượng kỹ sư, các nhà chế tạo sẽ đóng góp như thế nào cho ngành này và cho sự phát triển lâu dài của nông nghiệp”. Hiện các doanh nghiệp cơ khí địa phương đã quan tâm đến thị trường máy GĐLH và sẽ sản xuất khoảng 3.000 máy GĐLH/năm nhưng phải đợi 1-2 năm nữa mới hoàn thành các quy trình sản xuất hiện đại.

Hiện Bộ NN-PTNT đang đề nghị Chính phủ bổ sung một số cơ chế, chính sách để nông dân tiếp cận nguồn vốn, mua máy GĐLH. Đáng chú ý là đề nghị bổ sung vào điều 1 của Quyết định 63/2010/QĐ-TTg: Nông dân, người đầu tư mua các loại máy móc, thiết bị có tên trong danh mục do Bộ NN-PTNT công bố được tiếp tục hưởng chế độ ưu đãi hiện hành. Tổ chức hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu đầu tư một số loại máy móc, thiết bị nhập khẩu mà trong nước chưa có khả năng đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng, ngoài danh mục, được hưởng vay bằng 70% giá trị hàng hóa, ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 35% lãi suất…

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có văn bản bổ sung hướng dẫn về trình tự, thủ tục thời gian cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, cho phép nông dân sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản thế chấp cho vay đầu tư máy nông nghiệp. Đây cũng là nguyện vọng của nông dân, lãnh đạo các địa phương trong vùng.

 
 

Theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg, máy móc, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ phải có giá trị sản xuất trong nước lớn hơn 60% nên phần lớn nông dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Ngoài ra, đối với những nông hộ có nhu cầu đầu tư lớn để làm dịch vụ (như sấy lúa với công suất lớn, mua nhiều máy để làm dịch vụ thu hoạch…) rất khó được ngân hàng cho vay vì quy định không được sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay để thế chấp.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam, đến tháng 4-2012, mới cho vay được 1.671 khách hàng, với tổng dư nợ chỉ đạt trên 760 tỷ đồng. Hiện một số tỉnh ở ĐBSCL đã phải có cơ chế riêng hỗ trợ nông dân mua máy ngoại bằng ngân sách địa phương. Song, nhìn chung mỗi tỉnh một cơ chế, thiếu thống nhất và gặp nhiều khó khăn bởi ngân sách các tỉnh thuần nông rất hạn chế.

 
 

Cao Phong/ SGGP